Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược: Bảo đảm thận trọng, chính xác, đồng bộ

(Mặt trận) - Nhấn mạnh 6 chữ "thận trọng, chính xác, đồng bộ", vì quyền lợi hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, cơ sở y tế, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, phải làm sao để Luật Dược sửa đổi lần này sau khi ban hành có “tuổi thọ” cao, góp phần chăm lo sức khỏe người dân tốt hơn, chất lượng hơn.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành 14 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Nam Định nâng cao vai trò giám sát của nhân dân

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân tham gia hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển 

Không để tình trạng cùng một loại thuốc nhưng mỗi nơi một giá

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã quy định về công bố giá buôn thuốc dự kiến thay thế cho thủ tục kê khai giá bán buôn thuốc, để tránh nhầm lẫn với biện pháp kê khai giá trong Luật Giá. Theo đó, dự thảo Luật đã bổ sung giải thích từ ngữ “giá bán buôn thuốc dự kiến”, “công bố giá bán buôn thuốc dự kiến”, “công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến”, “mặt hàng thuốc tương tự”, xác định rõ chủ thể thực hiện thủ tục, cơ quan tiếp nhận thủ tục; biện pháp khi phát hiện công bố giá cao bất hợp lý.

Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể hơn về biện pháp quản lý giá thuốc cũng như trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở kinh doanh dược liên quan tới thực hiện các biện pháp quản lý giá thuốc.

Nhấn mạnh điểm mới của dự thảo Luật là kiểm soát giá bán buôn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, cần tiếp tục nghiên cứu quy định này, để không làm ảnh hưởng đến việc mua thuốc của cơ sở y tế. "Phải làm rõ trách nhiệm của cơ sở kinh doanh khi công bố giá và trách nhiệm của cơ quan quản lý cảnh báo về giá bán thuốc". Lưu ý điều này, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cần rà soát, có thêm quy định về hậu kiểm để bảo đảm chất lượng thuốc an toàn đối với người sử dụng.

“Hiện nay, người dân quan tâm nhất là chất lượng thuốc, tôi cũng phát biểu một lần ở phiên thảo luận tổ là đừng để tiền mất tật mang về quảng cáo thuốc trên các phương tiện thông tin đại chúng, làm sao để người dân sử dụng thuốc một cách an toàn. Ngành y tế phải kiểm soát được về chất lượng thuốc. Giá bán thuốc ở các nhà thuốc phải thống nhất, chứ không thể cùng một loại thuốc mà nhà thuốc A bán giá như thế này, nhà thuốc B bán giá khác”, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.

Tại khoản 2, Điều 3, Luật Giá quy định: “Trường hợp Luật khác ban hành sau ngày Luật Giá có hiệu lực thi hành cần quy định đặc thù về quản lý, điều tiết giá khác với quy định tại Luật Giá thì phải xác định cụ thể nội dung thực hiện hoặc không thực hiện theo quy định của Luật Giá, nội dung thực hiện theo quy định của luật khác đó”. Dẫn quy định này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng khẳng định, quy định công bố giá bán buôn thuốc dự kiến tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược hoàn toàn đáp ứng yêu cầu nêu trên, chưa có trong Luật Giá và không trái với Luật Giá.

Liên quan đến công bố giá, dự thảo Luật quy định, các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất thuốc bán buôn phải gửi thông báo về giá bán buôn đến Bộ Y tế để công bố và Bộ Y tế có quyền kiến nghị về mức giá đã công bố, công bố lại trong quá trình thuốc lưu hành trên thị trường khi Bộ Y tế phát hiện một trong các trường hợp đã được quy định tại khoản 4, Điều 107, dự thảo Luật. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, cơ quan soạn thảo cần làm rõ giá trị pháp lý về kiến nghị của Bộ Y tế; và kiến nghị này có bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện hay không?

Cân nhắc quy định về oxy y tế

Một nội dung vẫn còn ý kiến khác nhau giữa Thường trực Ủy ban Xã hội và Bộ Y tế là quy định về oxy y tế. Nêu rõ, đây là nội dung có tính chuyên môn sâu, có đưa hay không đưa vào dự thảo Luật và nếu không đưa vào dự thảo Luật này thì đưa vào Luật nào hay văn bản có tính pháp lý nào của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, đây là sản phẩm đặc biệt đưa vào cơ thể người bệnh để chữa bệnh, nên phải được Luật quy định với các quy phạm có tính nguyên tắc.

Thực tế cho thấy, vì quyền lợi của người bệnh, “có quy định pháp luật về khí y tế thì bảo hiểm y tế sẽ chi trả cho người bệnh khi sử dụng loại khí này”. Do đó, trong khi chưa được điều chỉnh trong Luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, có thể xem xét cân nhắc đưa nội dung này vào Nghị quyết về Kỳ họp Quốc hội hoặc Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuy nhiên, dù là quy định trong văn bản luật, nghị quyết hay nghị định, thì phải bao hàm các loại khí sử dụng trong y tế, trong khám, chữa bệnh, không nên chỉ đề cập đến oxy y tế; trong trường hợp cần thiết, có thể đưa ra 2 phương án trình tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách sắp tới để ĐBQH đánh giá, thảo luận, cho ý kiến thêm", Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Cho rằng “dược” là thuốc và nguyên liệu làm thuốc, “dược chất” là chất hỗn hợp các chất dùng để chuẩn đoán bệnh, chữa bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh; và khi ốm nặng và dẫn đến tình trạng rất nguy kịch phải bổ sung oxy để trợ giúp sức khỏe người bệnh thì bản chất là chữa bệnh, theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, trong trường hợp này oxy là chất chữa bệnh, là dược chất.

"Trong khi đó, chúng ta chưa quy định về oxy y tế trong bất cứ luật nào, nếu cần thiết phải quy định thì có thể đưa vào phạm vi của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, với nhu cầu cấp thiết để phục vụ người bệnh", Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề xuất.

Nhấn mạnh 6 chữ "thận trọng, chính xác, đồng bộ", vì quyền lợi hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, cơ sở y tế, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, phải làm sao để Luật Dược sửa đổi sau khi ban hành có “tuổi thọ” cao, góp phần chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn, chất lượng hơn. Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần ban hành nghị định, thông tư một cách đồng bộ để thực hiện Luật.