(Mặt trận) - Các đại biểu Quốc hội đề nghị, dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn cần luật hóa phương án quy hoạch đô thị dựa trên cơ sở đánh giá, so sánh chi phí trước mắt với các lợi ích trong tương lai; đồng thời, quy định cụ thể nội dung quy hoạch đô thị theo định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng để thu hút các nhà đầu tư, tạo nguồn lực phát triển hạ tầng.
|
Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV |
Kế thừa, phát huy giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc
Thảo luận tại phiên họp toàn thể sáng 28.6, các đại biểu Quốc hội thống nhất cao sự cần thiết ban hành Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, kết hợp hài hòa giữa phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) lưu ý, trong xu thế mở cửa, tiếp nhận, dung nạp ảnh hưởng từ nhiều nền văn hóa, quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn đang đứng trước những thách thức lớn. Dễ nhận thấy là về mặt kiến trúc. Toàn cầu hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa làm nảy sinh một số tác động tiêu cực đến giá trị kiến trúc truyền thống; nhằm tăng tối đa diện tích sử dụng nên việc “ganh đua” về độ cao trong đô thị chưa có dấu hiệu suy giảm, các tòa nhà, chung cư luôn vươn cao hơn, không gian xanh và hạ tầng sẽ thiếu vì mật độ dân cư cao, từ đó góp phần làm cho môi trường bị ô nhiễm. Cảnh quan nông thôn cũng dần mất biểu tượng đặc trưng văn hóa như cây đa, đình làng, nhà theo kiến trúc truyền thống… thay thế bằng nhà ống, nhà theo kiểu kiến trúc ngoại lai, kiến trúc rập khuôn.
Để thể chế hóa Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã định hướng: “Quy hoạch đô thị và nông thôn phù hợp với truyền thống văn hóa, cảnh quan, môi trường, điều kiện thực tế từng địa phương và thích ứng với biến đổi khí hậu”; “Xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại hóa gắn với đô thị hóa”. Nhắc lại quan điểm này, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị, tại Điều 7 về nguyên tắc hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn của dự thảo Luật cần bổ sung nguyên tắc về việc kế thừa, phát huy giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, tôn trọng không gian văn hóa vùng miền.
Quan tâm đến Điều 37 của dự thảo Luật quy định đối tượng, nội dung, hình thức và thời gian lấy ý kiến đối với quy hoạch đô thị và nông thôn, ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa) cơ bản thống nhất, song cũng đề nghị cần xem xét, rà soát các quy định để tránh hình thức, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý lập quy hoạch.
Theo đại biểu Mai Văn Hải, không nên quy định lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với nhiệm vụ lập quy hoạch; nhiệm vụ lập quy hoạch trước khi phê duyệt chỉ cần lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan là phù hợp. Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư chỉ nên quy định đối với các nội dung của quy hoạch; đồng thời, để bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tránh hình thức chỉ nên lấy ý kiến một số nội dung lớn, quan trọng, then chốt liên quan trực tiếp đến cộng đồng dân cư.
Về hình thức lấy ý kiến, đại biểu Mai Văn Hải cho rằng, nên quy định việc lấy ý kiến đối với cộng đồng dân cư được thực hiện theo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022. Trong đó, chú trọng đến việc thực hiện niêm yết, tổ chức Hội nghị, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức lập quy hoạch
Cũng liên quan đến Điều 37, ĐBQH Triệu Thị Huyền (Yên Bái) đề nghị, xem xét lược bỏ quy định về lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với nhiệm vụ quy hoạch chi tiết đô thị và nông thôn, bởi cộng đồng dân cư đã được xin ý kiến ở cấp độ quy hoạch cấp trên, bao gồm cả nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đối với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu. Trong khi đó, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của quy hoạch chi tiết đã được xác định cơ bản tại quy hoạch chung và quy hoạch phân khu, tức là việc xin ý kiến không có nhiều nội dung mới so với quy hoạch đã xin ý kiến trước đó ở cấp quy hoạch chung và quy hoạch phân khu.
Mặt khác, “việc xin ý kiến cộng đồng dân cư cũng mất nhiều thời gian, bởi điểm e, khoản 3, Điều 37 dự thảo Luật quy định thời gian lấy ý kiến cộng đồng dân cư là 10 ngày, chưa bao gồm thời gian nghiên cứu, tiếp thu, giải trình. Như vậy, trong nhiều trường hợp sẽ làm kéo dài thời gian lập quy hoạch chi tiết và ảnh hưởng đến cơ hội thu hút đầu tư của các địa phương”, đại biểu Triệu Thị Huyền nhấn mạnh.
Phương án quy hoạch phải hướng đến phát triển bền vững
Cho rằng thời hạn, hiệu lực của quy hoạch trong dự thảo Luật chưa thống nhất với Luật Quy hoạch, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu rõ, quy hoạch có tính dài hạn và kế tiếp; một số quy hoạch đã được phê duyệt không có thời hạn hết hiệu lực mà được tiếp nối bằng các quy hoạch kỳ sau hoặc sẽ bị xóa bỏ khi điều chỉnh quy hoạch, hoặc quy hoạch sau phủ nhận quy hoạch trước. Do vậy, không cần quy định thời hạn, hiệu lực của quy hoạch.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết, thời hạn quy hoạch quy định trong dự thảo Luật có nội hàm giống như thời kỳ quy hoạch trong Luật Quy hoạch, đều là thời gian để xác định và dự báo các chỉ tiêu của quy hoạch. Quy hoạch đô thị và nông thôn phải cụ thể hóa quy hoạch tỉnh, thời hạn quy hoạch của đô thị và quy hoạch nông thôn là 20 năm. Trong khi đó, quy hoạch tỉnh chỉ có 10 năm. Vậy làm thế nào để 10 năm còn lại chúng ta cụ thể hóa được quy hoạch tỉnh, trong khi quy hoạch tỉnh còn chưa có? Đại biểu đề nghị, nên điều chỉnh lại thời hạn quy hoạch trong dự thảo Luật là 10 năm để phù hợp với quy hoạch tỉnh, nhưng tầm nhìn của quy hoạch phải dài hạn, từ 30 – 35 năm.
Một vấn đề đáng quan tâm đó là, làm thế nào để phương án quy hoạch tạo ra được một đô thị phát triển bền vững? Nêu vấn đề này, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, đó phải là một phương án quy hoạch tạo ra được giá trị gia tăng trong tương lai, tạo ra sức hút cho người dân đến sinh sống, tạo thêm các dịch vụ tại chỗ, tạo thêm việc làm... Ngược lại, nếu phương án quy hoạch chỉ tạo ra giá trị trước mắt, không có khả năng tạo giá trị gia tăng trong tương lai, thì phương án đó chỉ thu hút nhà đầu tư ngắn hạn đến đầu tư kiếm cơ hội trước mắt, sau đó sẽ rời đi.
“Điển hình là, rất nhiều những khu đô thị được quy hoạch tràn lan với nhà thấp tầng hàng trăm hecta, nhưng quy mô dân số rất nhỏ, không đủ thị trường để phát triển các dịch vụ. Do không có dịch vụ, người dân không muốn đến sống và các nhà đầu tư sẽ không đầu tư dài hạn; nghĩa là quy hoạch này chỉ giải quyết mục tiêu bán đất đô thị, thu tiền, sau đấy không phát triển được”.
Do vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị luật hóa phương án quy hoạch đô thị phải dựa trên cơ sở đánh giá, so sánh được chi phí trước mắt và các lợi ích trong tương lai, đặc biệt là so sánh chi phí, lợi ích trong việc sử dụng đất. Đồng thời, phải quy định cụ thể nội dung quy hoạch đô thị theo định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng để thu hút các nhà đầu tư, tạo nguồn lực phát triển hạ tầng, tránh tình trạng hiện nay đô thị sẽ được đầu tư trước, sau đó tạo ra những bức bách và Nhà nước phải bỏ tiền đầu tư hạ tầng, khi đó, Nhà nước vừa khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, vừa mất tiền đầu tư, mà người hưởng lợi là các chủ đầu tư dự án.
Theo Đại biểu Nhân dân