Dự thảo Luật Căn cước: Có nên quy định đổi thẻ căn cước khi điều chỉnh địa giới hành chính?

(Mặt trận) - Trong bản dự thảo Luật Căn cước trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu lần này có quy định phải cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh địa giới hành chính, tên đơn vị hành chính. Một số đại biểu lo ngại, quy định trên sẽ dẫn tới số lượng lớn người phải đổi thẻ căn cước, tạo gánh nặng về chi phí, thời gian, gây phiền hà cho người dân. Do vậy, quy định này cần được cân nhắc rất kỹ lưỡng.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành 14 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Nam Định nâng cao vai trò giám sát của nhân dân

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân tham gia hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long 

Lo ngại gánh nặng về chi phí

Có nên cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, tên đơn vị hành chính - đây là một trong những vấn đề còn có ý kiến khác nhau tại phiên thảo luận về dự án Luật Căn cước.

Theo ĐBQH Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội), hiện nay, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đang rà soát phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt yêu cầu, tiêu chuẩn về diện tích, dân số. Số lượng các đơn vị thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 là rất lớn. Với quy định nêu trên sẽ dẫn đến số lượng người cần đổi thẻ căn cước là cực kỳ lớn, tạo gánh nặng về chi phí, thời gian, công sức đi lại, các chi phí về dịch vụ phát sinh khác đối với người dân. Đặc biệt sẽ gia tăng áp lực không nhỏ cho các cơ quan thực hiện công tác này tại các địa phương có liên quan; trong khi đó, riêng việc sắp xếp các đơn vị hành chính đã làm tăng khối lượng của các cơ quan này lên nhiều lần. Điều này cũng gây phiền hà cho người dân, làm ảnh hưởng đến hiệu quả của chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính của Đảng và Nhà nước.

Giải trình về vấn đề này, các cơ quan có nêu, do thông tin thay đổi nên cần sửa đổi thông tin in trên thẻ căn cước và giải pháp đưa ra là miễn phí cấp đổi thẻ cho công dân dể hạn chế việc tác động đến lợi ích vật chất của công dân. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Phương Thủy cho rằng, “chi phí này nếu công dân không bỏ ra, thì Nhà nước cũng phải chi. Tạm tính với đơn vị hành chính cấp xã, quy mô khoảng 5.000 dân, chi phí để đổi thẻ căn cước là 250 triệu đồng. Đối với đơn vị hành chính cấp huyện, quy mô khoảng 100.000 dân, chi phí phải chi sẽ vào khoảng 5 tỷ đồng”.

Mặt khác, tại khoản 1, Điều 21 của Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 có quy định “các loại giấy tờ được cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân, công dân tổ chức trước khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cũ, nếu chưa hết hạn theo quy định vẫn được tiếp tục được sử dụng”. Dẫn ra quy định này, đại biểu Nguyễn Phương Thủy đề nghị, Quốc hội hết sức cân nhắc quy định này để tránh lãng phí và tạo thêm gánh nặng không cần thiết cho bộ máy hành chính.

Cùng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cũng cho rằng, sẽ rất tốn kém nếu mỗi lần điều chỉnh địa giới hành chính, tên đơn vị hành chính lại phải cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước. Đồng thời đề nghị Chính phủ nên nghiên cứu giải pháp khác, phù hợp hơn.

Đề xuất bỏ thông tin nơi cư trú trên thẻ căn cước

Tranh luận về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Minh Đức (TP. Hồ Chí Minh) nêu vấn đề, vừa qua chỉ một chi tiết “nơi sinh” trong hộ chiếu mà đã phải sửa đổi quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh. Trong khi đó, nơi sinh thay đổi khi thay đổi đơn vị hành chính mà không sửa đổi sẽ dẫn đến rắc rối cho chính người dân. Quy định như dự thảo Luật là đã tính toán quyền lợi tốt nhất cho người dân.

Không đồng tình với ý kiến này, đại biểu Nguyễn Phương Thủy phân tích: Thông tin về “nơi cư trú” của công dân trên thẻ căn cước là yếu tố “động”, vậy vấn đề đặt ra là “nơi cư trú” là nơi thường trú hay nơi tạm trú thì trong dự thảo Luật cũng chưa được làm rõ. Cũng theo đại biểu, cần làm rõ tại sao khi thay đổi thông tin về nơi cư trú, về tên đơn vị hành chính phải thực hiện cấp đổi một cách đồng bộ thẻ căn cước?

Đề xuất giải pháp cho vấn đề này, đại biểu Nguyễn Phương Thủy cho rằng, theo Điều 26, Luật Cư trú: “Khi có thay đổi địa chỉ nơi cư trú vì điều chỉnh đơn vị hành chính, tên đường phố, tổ dân phố, thôn, xóm… thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm điều chỉnh các thông tin này trên cơ sở dữ liệu quốc gia về cư trú, cập nhật trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”. Thông tin về nơi cư trú hoàn toàn có thể truy cập qua mã QR trên thẻ căn cước và định danh điện tử trên VNEID rất dễ dàng, cập nhật, tránh việc có thời điểm thông tin in trên thẻ và cơ sở dữ liệu là "vênh" nhau. "Giải pháp đơn giản nhất là bỏ thông tin nơi cư trú trên thẻ căn cước, và những thông tin này sẽ được sử dụng thông qua căn cước điện tử và cơ sở dữ liệu", đại biểu Nguyễn Phương Thủy nói.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận về dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với các nội dung dự thảo Luật đã được tiếp thu chỉnh lý, nhất là tên gọi của luật và các trường thông tin bắt buộc, thông tin tự nguyện cung cấp. Nhiều vấn đề được các đại biểu xem xét, đánh giá, phân tích và đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua. Một số vấn đề đại biểu quan tâm phải tiếp tục được nghiên cứu rà soát, như đối tượng áp dụng; thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cơ sở dữ liệu về căn cước, quản lý, kết nối, chia sẻ, khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; nội dung thể hiện trên thẻ căn cước; tích hợp thông tin vào thẻ căn cước; giấy chứng nhận căn cước; quản lý người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch được cấp giấy chứng nhận căn cước…

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp đầy đủ các ý kiến, có báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội, các cơ quan chức năng; đồng thời giao Ủy ban Quốc phòng và An ninh khẩn trương chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật, hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội xem xét, thông qua bảo đảm chất lượng, đúng chương trình Kỳ họp và tạo được sự đồng thuận cao.