Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi): Đánh giá kỹ tác động quy định phục vụ cộng đồng

(Mặt trận) - Dự luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) dự kiến bổ sung Điều 33 quy định về biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng” đối với người có hành vi bạo lực gia đình. Tuy nhiên, do còn một số ý kiến băn khoăn nên kết luận Phiên họp sáng nay, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ủy ban Xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá tác động của quy định này, rà soát bảo đảm tính thống nhất với các quy định của pháp luật và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

MTTQ huyện Thuận Châu phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc

MTTQ tỉnh Lào Cai lựa chọn nội dung, hình thức giám sát phù hợp

Phiên họp thứ 40 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Sắp xếp bộ máy cần đảm bảo quyền lợi người lao động

 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành Phiên họp. Ảnh: Hồ Long 

Tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật sáng 16.8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Phục vụ cộng đồng – biện pháp mang tính răn đe, giáo dục

Báo cáo việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung biện pháp “thực hiện hoạt động vì lợi ích cộng đồng” đối với người có hành vi bạo lực gia đình, tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung tính khả thi của biện pháp này. Có ý kiến đề nghị làm rõ đây là biện pháp “hành động vì lợi ích cộng đồng” hay “lao động công ích” để tránh tình trạng trái với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, quá trình xây dựng dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và thực tiễn giám sát cho thấy, các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với người có hành vi bạo lực gia đình hiệu quả chưa cao. Với quan điểm cần phải có biện pháp phù hợp để xử lý các hành vi bạo lực gia đình chưa đến mức xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng vẫn có tính răn đe, giáo dục thì việc bổ sung một biện pháp mang tính xã hội, phục vụ lợi ích cộng đồng và theo nhu cầu của cộng đồng là cần thiết.

Qua rà soát hệ thống pháp luật hiện hành, Thường trực Uỷ ban Xã hội nhận thấy, “lao động phục vụ cộng đồng” được quy định là biện pháp giáo dục, cải tạo người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ trong trường hợp người chấp hành án không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành án (Điều 101 Luật Thi hành án hình sự) và “lao động trị liệu” là một giai đoạn trong quy trình cai nghiện ma tuý (Điều 29 Luật Phòng, chống ma tuý). “Lao động phục vụ cộng đồng”, “lao động trị liệu” không bị coi là “lao động cưỡng bức”.

Đồng thời, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế và rà soát tính tương thích với các điều ước quốc tế, Thường trực Ủy ban nhận thấy, thực hiện công việc phục vụ cộng đồng có thể coi là biện pháp mạnh mẽ có tính răn đe và giáo dục cao trong phòng, chống bạo lực gia đình, không trái với các công ước, điều ước quốc tế về lao động cưỡng bức. "Do vậy, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội đề xuất bổ sung Điều 33 quy định về biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng” như thể hiện tại dự thảo Luật", Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nêu rõ. 

Về cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình tại Điều 40 dự thảo Luật, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ hơn, cụ thể hơn về điều kiện thành lập, tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của các cơ sở này; có ý kiến đề nghị rà soát quy định để bảo đảm tính khả thi, thu hút được nguồn lực vào làm việc tại các cơ sở này. 

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội dự kiến chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định nguyên tắc về các dịch vụ, hoạt động, các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực của cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình; bổ sung các quy định nhằm khuyến khích sự phát triển của các cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình như có chính sách miễn, giảm thuế, phí, vay vốn ưu đãi theo quy định của pháp luật cho tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, nhân lực, cơ sở vật chất cho phòng, chống bạo lực gia đình không vì mục đích lợi nhuận (khoản 4 Điều 40). Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, trình tự, thủ tục cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của cơ sở.

Có giới hạn số lần áp dụng biện pháp phục vụ cộng đồng?

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu. Ảnh: Hồ Long 

Băn khoăn về thời gian thực hiện công việc phục vụ cộng đồng, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, dự thảo Luật quy định, áp dụng biện pháp phục vụ cộng đồng không quá 24 giờ và không quá 8 giờ mỗi ngày nhưng lại chưa làm rõ áp dụng bao nhiêu lần phục vụ cộng đồng, có hạn chế số lần phục vụ cộng đồng hay không.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần tiếp tục rà soát quy định của dự thảo Luật tương thích với quy định của pháp luật và các điều ước quốc tế. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, biện pháp áp dụng của Tòa án đối với hành vi cải tạo không giam giữ cũng chỉ quy định không quá 4 giờ/ngày và không quá 5 ngày/tuần, nhưng dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) lại quy định áp dụng biện pháp phục vụ cộng đồng với người có hành vi bạo lực gia đình không quá 8 giờ/một ngày thì có phù hợp và bảo đảm tính khả thi hay không? Quy định này có tính đến bảo đảm sinh kế cho người bị áp dụng biện pháp phục vụ cộng đồng chưa? Giả dụ, một người phục vụ cộng đồng phải có thêm hai người cùng giám sát thì có triển khai được trên thực tế hay không? 

Đối với cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, nên sửa lại từ ngữ cho chính xác hơn, thay vì quy định “có chính sách miễn, giảm thuế, phí, vay vốn ưu đãi” nên quy định “ưu đãi thuế, phí, tín dụng và ưu đãi khác theo quy định của pháp luật”. 

Băn khoăn về phòng, chống bạo lực trẻ em trong gia đình còn ít được nhắc đến trong dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh lưu ý, đặc thù của trẻ em là độ tuổi nhỏ, chưa có năng lực nhận thức, bảo vệ bản thân, nên cần nghiên cứu, bổ sung các biện pháp khả thi hơn trong phòng, chống bạo lực trẻ em trong dự luật này. 

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu đầy đủ ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ, bảo đảm tính khả thi của dự luật. Về biện pháp thực hiện phục vụ cộng đồng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, Ủy ban Xã hội nên phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá tác động của quy định này, lấy thêm ý kiến của đại biểu Quốc hội chuyên trách, rà soát bảo đảm tính thống nhất với các quy định của pháp luật và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.