Dự án Luật Giá (sửa đổi): Sẽ đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá

(Mặt trận) - Chiều 2/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tư, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giá (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành 14 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Nam Định nâng cao vai trò giám sát của nhân dân

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân tham gia hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

Toàn cảnh phiên họp tại hội trường. Ảnh: Hồ Long 

Rõ hình thức, thẩm quyền trách nhiệm định giá của các cấp cơ quan quản lý

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình dự án Luật Giá (sửa đổi). Theo đó, dự án Luật gồm 8 chương, 72 điều, so với Luật hiện hành đã bổ sung 3 chương về: Chương III về nội dung quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước; Chương V về công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường và Chương VII về kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá nhằm củng cố cơ sở pháp lý cho việc triển khai nhiệm vụ này trong thực tiễn.

Về tiêu chí xác định hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, bên cạnh 3 tiêu chí tại Luật hiện hành tiếp tục được kế thừa, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, tại Luật sửa đổi đã bổ sung tiêu chí "Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tính chất độc quyền trong mua bán hoặc có thị trường cạnh tranh hạn chế và ảnh hưởng lớn đến kinh tế xã hội, đời sống người dân, sản xuất kinh doanh” nhằm bảo đảm phù hợp với thực tiễn hiện nay, một số mặt hàng đã được bổ sung tại các Luật chuyên ngành và sẽ được cập nhập tại Luật giá.

Một nội dung quan trọng tại dự thảo Luật là quy định về danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá. Về nội dung này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, trên cơ sở đánh giá kỹ hơn cho thấy, để có thể khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong thời gian vừa qua thì giải pháp tối ưu là vẫn tiếp tục kế thừa để quy định chi tiết danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá tại Luật hiện hành gắn với đó là quy định rõ hình thức, thẩm quyền trách nhiệm định giá của các cấp cơ quan quản lý (tương tự như danh mục tại Luật phí, lệ phí). Quy định này mặc dù thay đổi so với phương án chính sách đề xuất áp dụng, nhưng cũng đã được đánh giá tác động chi tiết tại Báo cáo đánh giá tác động chính sách. Trên cơ sở đó, trường hợp phát sinh phải điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ sẽ do Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Trên cơ sở đó, Chính phủ đã tiến hành rà soát, cập nhập Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá hiện đang được quy định tại Luật giá và các Luật chuyên ngành gồm 52 nhóm hàng hóa, dịch vụ: có 17 nhóm hàng hóa, dịch vụ hiện được quy định tại Luật Giá hiện hành; có 35 nhóm hàng hóa, dịch vụ hiện được quy định tại Luật chuyên ngành (trong đó có 17 hàng hóa, dịch vụ cụ thể được chuyển từ phí sang thực hiện định giá theo quy định tại Luật Phí, lệ phí 2015; 18 hàng hóa, dịch vụ được quy định tại các Luật chuyên ngành).

Như vậy, tổng thể qua rà soát đối với 52 nhóm hàng hóa, dịch vụ, đã đưa ra khỏi danh mục 14 nhóm hàng hóa, dịch vụ và bổ sung 2 hàng hóa, dịch vụ vào danh mục; Danh mục cụ thể tại Phụ lục ban hành kèm theo Luật sẽ gồm 40 nhóm hàng hóa, dịch vụ. Trong đó, đưa ra khỏi danh mục với 14 nhóm hàng hóa gồm: dịch vụ hỗ trợ bảo đảm hoạt động bay, dịch vụ soi chiếu an ninh; một số nội dung của thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán do các tổ chức cung ứng dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán cung cấp (trừ dịch vụ do nhà nước cung cấp); thuốc lá điếu sản xuất trong nước; thù lao dịch vụ đấu giá; dịch vụ quy hoạch; thù lao môi giới, dịch vụ đưa người lao động đi nước ngoài làm việc; thù lao công chứng; cho thuê, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản nhà nước là công trình kết cấu hạ tầng; nước ngầm (do Luật Tài nguyên nước đã quy định); dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ; nhà ở xã hội do cá nhân, hộ gia đình đầu tư, xây dựng; mặt nước; dịch vụ sử dụng khu vực biển.

Hai mặt hàng được Chính phủ đề xuất bổ sung vào danh mục này gồm sách giáo khoa và hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh. Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, sách giáo khoa là mặt hàng có thị trường cạnh tranh hạn chế, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Mặt hàng này được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị bổ sung vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; tại Nghị quyết Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV đã thống nhất, yêu cầu bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật Giá. Việc định giá mặt hàng này sẽ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo định giá tối đa, các nhà xuất bản quyết định giá cụ thể.

Riêng đối với dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, Bộ trưởng cho biết, trên cơ sở chủ trương của Quốc hội, Chính phủ sẽ khẩn trương nghiên cứu, đánh giá kỹ để có Đề án riêng trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thực hiện. Do vậy, trước mắt chưa đưa vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá tại Phụ lục kèm theo dự thảo Luật này; trường hợp cơ chế giá dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư được Quốc hội thông qua sẽ được cập nhật vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá.

Về phương pháp định giá, dự thảo Luật quy định 2 nhóm phương pháp ứng với từng trường hợp cụ thể tại Điều 24 gồm: Thứ nhất, Bộ Tài chính ban hành phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá và hướng dẫn chi tiết trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ có yếu tố hình thành giá cần phải quy định chi tiết hơn. Thứ hai, trường hợp Luật khác có quy định về phương pháp định giá chuyên ngành, Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính ban hành phương pháp riêng (ví dụ như giá đất; giá dịch vụ khám chữa bệnh; giá dịch vụ giáo dục; tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình trong trường hợp giới hạn quyền tác giả, giới hạn quyền liên quan…).

Chưa bảo đảm tính cụ thể, nhiều điều khoản giao Chính phủ hướng dẫn

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường nêu rõ, Ủy ban nhất trí với đề xuất sửa đổi Luật Giá hiện hành nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.  

Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng lưu ý, dự thảo Luật Giá (sửa đổi) chưa bảo đảm tính cụ thể, vì còn nhiều điều khoản giao Chính phủ quy định. Qua rà soát cho thấy, trong số 72 điều luật thì có đến 13 điều luật giao Chính phủ quy định, trong đó có nhiều nội dung quan trọng. Điều này một mặt chưa phù hợp thẩm quyền, mặt khác sẽ làm phát sinh vướng mắc trong thực hiện, không bảo đảm yêu cầu pháp điển hóa. Còn nhiều quy định chưa cụ thể về nội hàm, nhất là các quy định về tiêu chí liên quan đến xác định các loại hàng hóa thiết yếu, hàng hóa kê khai giá, niêm yết giá, bình ổn giá… Ngoài ra, còn dẫn đến cách hiểu khác nhau, khó triển khai hoặc áp dụng tùy tiện. Do vậy, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị quy định chi tiết trong Luật, phù hợp về thẩm quyền.

Về danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, việc quy định Nhà nước định giá nhiều dịch vụ có thể sẽ dẫn đến sự can thiệp sâu từ phía Nhà nước, làm giảm tính cạnh tranh lành mạnh theo cơ chế thị trường, ảnh hưởng đến lợi ích, quyền lựa chọn của người tiêu dùng. Vì vậy, đề nghị rà soát, để một mặt bảo đảm vai trò quản lý nhà nước song phải tôn trọng yếu tố thị trường.

Bên cạnh đó, tiêu chí để xác định hàng hóa, dịch vụ thuộc diện do Nhà nước định giá còn chưa cụ thể. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu bổ sung các tiêu chí để bảo đảm tính cụ thể, tránh áp dụng tùy tiện, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Đối với một số lĩnh vực đặc thù cần đánh giá kỹ thực tiễn để có quy định khắc phục những bất cập phát sinh thời gian qua, một mặt bảo đảm không để "lỗ hổng" trong quản lý song phải khả thi để không làm ách tắc quá trình vận hành, như việc định giá đối với vật tư, trang thiết bị y tế…

Đối với giá sách giáo khoa, do đây là mặt hàng thiết yếu và giá sách giáo khoa có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, tác động trực tiếp đến người dân, trong đó có người thu nhập thấp. Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, cần thiết phải kiểm soát, khống chế mặt bằng giá để bảo đảm không tác động tiêu cực đến người tiêu dùng; tạo công cụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, nhất là người nghèo. Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng tán thành với đề xuất của Chính phủ, theo đó Nhà nước quy định giá bán tối đa (giá trần); không ấn định giá, để các đơn vị phát hành sách quyết định giá bán cụ thể nhằm tạo tính cạnh tranh, góp phần hạ giá bán, bảo đảm lợi ích của người dân. Song, đề nghị tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc tổ chức thực hiện, bảo đảm tuyệt đối không để thông đồng giá.

Về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, mặc dù tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi) không quy định điều chỉnh trực tiếp đối với Quỹ này, tuy nhiên do những quy định về lập quỹ bình ổn giá tại Luật cũng sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến tính pháp lý của quỹ bình ổn giá xăng dầu. Do vậy, tại Tờ trình đã báo cáo cụ thể về vấn đề này.

Theo đó, Quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ đặc thù, được thành lập trước khi có các quy định về quỹ bình ổn giá tại Luật Giá hiện hành. Khác với các quỹ tài chính khác, Quỹ bình ổn giá xăng dầu được hình thành và quản lý nhằm mục đích duy nhất là góp phần bình ổn giá xăng dầu; không phát sinh tổ chức bộ máy và không quản lý tập trung. Tổng mức trích lập hàng năm phụ thuộc vào sản lượng tiêu thụ xăng dầu trong nước; tổng mức sử dụng phụ thuộc vào diễn biến thị trường, mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô từng thời kỳ và từng thời điểm điều hành giá. Thực tế việc quy định tại Luật Giá chỉ có sự ảnh hưởng nhất định, theo hướng tăng cường cơ sở pháp lý của Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Đến nay cũng có rất nhiều ý kiến khác nhau về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Tại Báo cáo số 463-ĐGS ngày 22.10.2019 của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Quỹ tài chính ngoài ngân sách Nhà nước, tuy chưa kiến nghị bỏ Quỹ nhưng cũng có nêu về Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã không còn phù hợp. Việc thu trước của người tiêu dùng 300 đồng/lít để tạo Quỹ là nguyên nhân gây ra lạm phát thực tế và định kỳ điều chỉnh giá là nguyên nhân gây ra lạm phát kỳ vọng. Tuy nhiên, Chính phủ khẳng định, trong suốt thời gian qua, Quỹ bình ổn giá xăng dầu được sử dụng nhất quán cho mục tiêu bình ổn giá xăng dầu theo đúng quy định của pháp luật. Việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã phát huy tác dụng tích cực và hiệu quả trong việc tạo nên một “bước đệm” nhằm góp phần bình ổn giá (giữ ổn định hoặc giảm mức tăng) trong trường hợp cần thiết, linh hoạt trong việc bình ổn giá nhằm ổn định giá xăng dầu trong một thời kỳ hoặc không cho giá xăng dầu trong nước tăng sốc, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng và ổn định an sinh xã hội.

Trên cơ sở đánh giá kỹ cho thấy trong thời gian vừa qua diễn biến giá mặt hàng này phức tạp, khó dự báo nên công cụ Quỹ bình ổn giá vẫn cần thiết. Vì vậy, Chính phủ đã thống nhất đề xuất trước mắt chưa bỏ công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu đồng thời củng cố các cơ chế trong triển khai, tổ chức thực hiện nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong việc sử dụng Quỹ.

Trên cơ sở đó, tại dự thảo Luật quy định 4 biện pháp bình ổn giá có thời hạn gồm: điều hòa, kiểm soát cung cầu; các biện pháp về tài chính, tiền tệ; quy định giá cụ thể, giá tối đa, giá tối thiểu hoặc khung giá; áp dụng biện pháp hỗ trợ về giá phù hợp với quy định của pháp luật và cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.