Đánh giá toàn diện, khách quan việc thực hiện Luật Quy hoạch của ngành giao thông và ngành nông nghiệp

(Mặt trận) - Ngày 1/3, tại Hà Nội, Đoàn Giám chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” làm việc với Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do Trưởng Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương chủ trì.

Làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong việc chậm tiến độ giai đoạn 1 dự án cảng hàng không Long Thành

Thực trạng và giải pháp hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên

Nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong tiếp thu, giải trình, giải quyết và phản hồi kiến nghị sau giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam

 

Tham dự cuộc làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh - Phó trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh - Phó trưởng Đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Phó trưởng Đoàn giám sát; Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Nguyễn Văn Thể. 

Đánh giá tính khả thi của các quy hoạch lĩnh vực giao thông vận tải

Phát biểu tại cuộc làm việc với Bộ Giao thông vận tải sáng 1/3, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, nội dung chuyên đề giám sát tối cao đầu tiên của Quốc hội khóa XV nhằm đánh giá toàn diện, khách quan việc triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, các luật pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến quy hoạch của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có liên quan.

Cùng với việc phát hiện những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị chỉ rõ danh mục cụ thể vướng mắc, mâu thuẫn ở điều khoản hoặc luật nào, kiến nghị sửa cụ thể để sau cuộc giám sát trình Quốc hội, Chính phủ có kế hoạch điều chỉnh chương trình pháp luật, pháp lệnh hàng năm.

Tại đây, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo cụ thể rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân người đứng đầu trong việc lập quy hoạch; đánh giá việc sử dụng nguồn lực cho công tác quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021-2030, lựa chọn tư vấn lập quy hoạch, chất lượng công tác tư vấn quy hoạch, tính liên kết đồng bộ, kế thừa ổn định của hệ thống giữa các quy hoạch…

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, để triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14, Bộ Giao thông vận tải tích cực chỉ đạo, triển khai quyết liệt xây dựng 5 quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực giao thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thuộc hệ thống quy hoạch cấp quốc gia. Đến nay, 4/5 quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó, Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là quy hoạch quốc gia đầu tiên được phê duyệt theo Luật Quy hoạch. Hiện còn quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay quốc gia đang trình Thủ tướng phê duyệt.

Qua thực tiễn triển khai, Bộ Giao thông vận tải cho rằng, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội các địa phương, vùng, việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch là khó tránh khỏi. Việc thực hiện theo Điều 54 Luật Quy hoạch sẽ phát sinh thủ tục phức tạp, kinh phí lớn, thời gian kéo dài; do đó, cần thiết nghiên cứu cho phép điều chỉnh cục bộ quy hoạch và ban hành quy trình điều chỉnh rút gọn cho các loại điều chỉnh này.

Để bảo đảm tính đồng bộ, hệ thống của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị các địa phương, trong quá trình lập quy hoạch cần chú trọng tính kết nối hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông địa phương với hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả; tích hợp các quy hoạch theo yêu cầu tại Nghị định số 110/NQ-CP của Chính phủ về việc ban hành Danh mục các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch. Đồng thời, các địa phương bổ sung danh mục các tuyến đường kết nối với các đầu mối giao thông hàng không, cảng biển, cảng sông, ga đường sắt vào danh mục ưu tiên đầu tư của quy hoạch cấp tỉnh.

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao tinh thần khẩn trương, tập trung và chủ động của Bộ Giao thông vận tải trong việc xây dựng các quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực được giao; phân công trách nhiệm cụ thể của Bộ trưởng, Thứ trưởng, các cơ quan…; tiến hành kiểm tra đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ được giao; huy động nguồn lực xã hội trong thực hiện xây dựng các quy hoạch ngành quốc gia bên cạnh nguồn lực đầu tư công; cung cấp nhiều kinh nghiệm tốt trong việc sử dụng tư vấn quốc tế, sự hỗ trợ kỹ thuật của các nguồn lực bên ngoài…

Bên cạnh đó, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị Bộ Giao thông vận tải tiếp tục đánh giá cụ thể chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động xây dựng quy hoạch đã ban hành; báo cáo rõ ràng hơn các kết quả đạt được, ưu điểm, những khó khăn, vướng mắc, các nguyên nhân khách quan, chủ quan trong thực hiện Luật Quy hoạch; đánh giá chất lượng, tính khả thi của các quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, đặc biệt tính tương thích và đồng bộ với các quy hoạch ngành quốc gia khác.

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao tinh thần chủ động, nỗ lực bắt tay xây dựng các quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực giao thông vận tải; đồng thời đề nghị, Bộ Giao thông vận tải cần sớm hoàn thành các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành; rà soát và kiến nghị cấp có thẩm quyền hướng xử lý với những quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành đã hết hiệu lực thi hành.

Đẩy nhanh tiến độ 4 quy hoạch ngành quốc gia

Báo cáo với Đoàn giám sát tại buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chiều 1/3, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, để triển khai thi hành Luật Quy hoạch và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch thực hiện, cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ cần triển khai.

Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai tuyên truyền, phổ biến tập huấn Luật Quy hoạch; xây dựng các dự án Luật sửa đổi, bổ sung đảm bảo đồng bộ với Luật Quy hoạch; xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch; thực hiện các quy định chuyển tiếp của Luật Quy hoạch; xây dựng quy hoạch thời kỳ 2021-2030. Đặc biệt, thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 995/QĐ-TTg giao nhiệm vụ cho các Bộ tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai lập 4 quy hoạch ngành quốc gia: Quy hoạch lâm nghiệp; Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản; Quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi.

Đối với công tác phối hợp lập các quy hoạch, Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham gia ý kiến, thẩm định trong việc xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch theo tiến độ và yêu cầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đặc biệt, với Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ, tham gia ý kiến và tổ chức làm việc trực tiếp nhiều lần với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về phương án phát triển nông nghiệp, các giải pháp phát triển thủy lợi, phòng chống thiên tai tại vùng; tham gia hướng dẫn một số nội dung xây dựng quy hoạch tỉnh; hướng dẫn và tham gia ý kiến đối với nhiều địa phương về các nội dung, hợp phần quy hoạch nông nghiệp trong quy hoạch tỉnh…

Qua thực hiện lập các quy hoạch được giao, một số văn bản quy định chi tiết thi hành dưới Luật Quy hoạch còn chưa ban hành kịp thời, đúng thời hạn luật có hiệu lực thi hành, dẫn tới việc xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch, lập và phê duyệt dự toán chi phí quy hoạch, tổ chức quản lý nhiệm vụ quy hoạch, xây dựng nội dung quy hoạch theo phương pháp tích hợp còn một số lúng túng, chưa thực sự thống nhất, đồng bộ các ngành, lĩnh vực.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch quốc gia cấp trên để tạo cơ sở định hướng cho quy hoạch cấp dưới; khẩn trương xây dựng hoàn thành hệ thống thông tin dữ liệu quốc gia về quy hoạch nhằm cung cấp thông tin đồng bộ, thống nhất, đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ công tác quy hoạch.

Đánh giá cao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị báo cáo kỹ lưỡng, cụ thể, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị làm rõ trách nhiệm chủ quan của Bộ trong việc xây dựng cơ sở dự báo để lập quy hoạch quốc gia thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Một số ý kiến đề nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần đánh giá cách thức rà soát, điều chỉnh thống nhất các quy hoạch của ngành với các quy hoạch quốc gia khác; giải quyết tính chồng lấn, kết nối giữa các quy hoạch do Bộ chủ trì xây dựng với quy hoạch của ngành tài nguyên và môi trường…

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành 4 quy hoạch ngành quốc gia được giao, bảo đảm chất lượng, tính khả thi; kịp thời, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ về những vướng mắc trong lập quy hoạch vượt thẩm quyền của Bộ.