(Mặt trận) - “Đảng chịu sự giám sát của nhân dân” là quan điểm nhất quán, xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng ta, được khẳng định trong các cương lĩnh, nghị quyết và được thể chế, cụ thể hóa trong các quy định của Đảng và Nhà nước. Từ lý luận đến thực tiễn sinh động, quan điểm này đã trở thành một giải pháp quan trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, khơi nguồn sức mạnh xây dựng và phát triển đất nước.
|
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN ngày 15/6/2017 quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. ẢNH: KỲ ANH |
Quá trình phát triển tư duy lý luận, hoàn thiện đường lối, chủ trương về phát huy quyền làm chủ của nhân dân là cơ sở chính trị và cơ sở pháp lý để các cấp ủy đảng và chính quyền chủ động, sáng tạo khi thực thi, đưa nghị quyết vào cuộc sống. Từ đường lối, chủ trương đến các chính sách, pháp luật đều hướng đến mục tiêu phát huy vai trò của nhân dân trong công tác giám sát, phản biện xã hội và thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta luôn đề cao vai trò và quyền lực của nhân dân, tin vào khả năng và sức mạnh của nhân dân. Người chủ trương: “Việc gì cũng phải học hỏi và bàn bạc với dân chúng, giải thích cho dân chúng”; “Tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết” và “Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”.
Quan điểm nhất quán, xuyên suốt
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) nêu rõ: “Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ phận của hệ thống ấy. Đảng liên hệ mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Từ đó đến nay, Văn kiện các Đại hội Đảng đều khẳng định: Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Văn kiện Đại hội XIII yêu cầu: Tổ chức có hiệu quả, thực chất việc nhân dân tham gia giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị; phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Điều lệ Đảng được thông qua tại Đại hội VII quy định: “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng quyền làm chủ và chịu sự giám sát của nhân dân, đoàn kết và lãnh đạo nhân dân tiến hành sự nghiệp cách mạng”. Điều lệ Đảng được thông qua tại các Đại hội VIII, IX, X, XI và hiện đang thi hành đều xác định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân; dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; đoàn kết và lãnh đạo nhân dân tiến hành sự nghiệp cách mạng”.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nhấn mạnh: “xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” là một trong tám đặc trưng của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đồng thời yêu cầu: Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội.
Quan điểm “Đảng chịu sự giám sát của nhân dân” đã được thể chế hóa thành các văn bản pháp luật. Hiến pháp năm 2013 hiến định tại Điều 4: “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”, đồng thời hiến định chức năng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tại Điều 9.
Phát triển lý luận, hoàn thiện chủ trương
Những nỗ lực trong thể chế hóa, cụ thể hóa quan điểm “Đảng chịu sự giám sát của nhân dân” vừa phát huy tốt chế độ dân chủ đại diện, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, HĐND và UBND các cấp, vừa thực hiện hiệu quả chế độ dân chủ trực tiếp ở cơ sở.
Văn kiện Đại hội VI của Đảng đã đề ra cơ chế “Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý” và yêu cầu “thực hiện có nền nếp khẩu hiệu dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Tuy nhiên, trong thời gian khá dài, khẩu hiệu này vẫn chưa có cơ chế cụ thể để triển khai thực hiện. Đến Đại hội VIII, Đảng ta xác định “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” là phương châm trong việc xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước.
Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/2/1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được ban hành trong điều kiện “Phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” chưa được cụ thể hóa và thể chế hóa thành luật pháp, chậm đi vào cuộc sống”. Với Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị và sau đó là các nghị định của Chính phủ, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cùng với hình thức dân chủ đại diện, người dân thực hiện các hình thức dân chủ trực tiếp ở cơ sở một cách đồng bộ với những quy định, quy chế do chính nhân dân cùng bàn bạc, thảo luận, thống nhất xây dựng và thực hiện.
Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội (theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị); Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền (theo Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 27/12/2013 của Bộ Chính trị); Quyết định số 99-QĐ/TW, ngày 3/10/2017 của Ban Bí thư về “Hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Quy định số 124-QĐ/TW ngày 2/2/2018 của Ban Bí thư về “Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”... là những quy định quan trọng của Đảng và đều đã khẳng định giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội.
Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 đã có thêm một chương về hoạt động giám sát và một chương về hoạt động phản biện xã hội. Nghị quyết số 403/2017/NQLT-UBTVQH-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15/6/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung và nhấn mạnh yêu cầu thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Các nhà nghiên cứu lý luận nhận xét, việc bổ sung 2 nội dung “dân giám sát” và “dân thụ hưởng” là sự phát triển tư duy lý luận, hoàn thiện chủ trương của Đảng về dân chủ. Theo PGS, TS Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, đây là bước tiến trong nhận thức của Đảng về vị trí, vai trò của nhân dân trong quá trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Luật Thực hiện Dân chủ ở cơ sở năm 2022 đã cụ thể hóa đầy đủ phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ-Pháp luật Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Duy Thường đánh giá, việc xây dựng và ban hành Luật Thực hiện Dân chủ ở cơ sở là sự phát triển dân chủ xã hội chủ nghĩa của nước ta. Thực hiện dân chủ ở cơ sở từ khẩu hiệu chung chung đã trở thành quy phạm pháp luật quy định cụ thể về quyền của người dân và nhân dân đã có công cụ pháp lý vững chắc để thực hiện quyền làm chủ của mình.
Chương trình hành động cụ thể, thiết thực
Nỗ lực “biến nghị quyết của Đảng thành quyết tâm của quần chúng”, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn quy trình giám sát, phản biện xã hội, hướng dẫn tổ chức và hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng, hướng dẫn giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ...
Đoàn Chủ tịch, Đảng đoàn, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung, ký 4 quy chế và 13 chương trình phối hợp để xây dựng cơ chế và điều kiện bảo đảm cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội của các địa phương, đơn vị…
Khảo sát thực tế tại nhiều địa phương đã ghi nhận sự chủ động của các cấp ủy, tổ chức đảng trong quá trình hiện thực hóa chủ trương Đảng chịu sự giám sát của nhân dân. Theo số liệu của Ban Dân vận Trung ương, ngay sau khi các Quy chế, Quy định về giám sát, phản biện xã hội và việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, các Tỉnh ủy: Bến Tre, Bình Thuận, Lai Châu, Quảng Nam, Tây Ninh, Thái Bình, Hải Dương đã ban hành Chỉ thị. Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và các Tỉnh ủy: Thái Nguyên, Lào Cai đã ban hành Đề án.
Đó là những văn bản chỉ đạo triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở xã, phường, thị trấn. Đến tháng 3/2022, có 54/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp tiếp thu góp ý của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân. Có 52/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Quy chế tiếp xúc đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với nhân dân. Các tỉnh còn lại đều ban hành công văn hoặc kế hoạch của cấp ủy để hướng dẫn triển khai thực hiện.
Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đề ra yêu cầu đồng chí bí thư cấp ủy trực tiếp chỉ đạo công tác giám sát, phản biện xã hội. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình Trương Văn Hởi, trong 10 năm qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đã tổ chức tuyên truyền hơn 10.200 buổi cho hơn 720.000 người tham dự, xây dựng 60 chuyên trang, chuyên mục, đăng tải hàng nghìn tin, bài, ảnh; cung cấp hơn 1.000 cuốn tài liệu tuyên truyền, sổ tay công tác giám sát, phản biện, góp ý cho cán bộ Mặt trận Tổ quốc các cấp.
Tháng 12/2017, Tỉnh ủy Bắc Kạn ban hành Quyết định số 1926-QĐ/TU về việc cụ thể hóa 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong hệ thống chính trị. Ngay sau đó, tháng 1/2018, Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 06-QĐ/TU quy định cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trên địa bàn tỉnh phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Đồng chí Ma Từ Đông Điền, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Kạn chia sẻ: Cùng với việc cụ thể hóa các quy chế, quy định về giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng và chính quyền của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội phù hợp tình hình thực tế địa phương, Tỉnh ủy Bắc Kạn còn quan tâm, chỉ đạo sát sao việc bố trí kinh phí cho các hoạt động này.
Quyết định số 2942-QĐ/TU ngày 30/12/2014 của Tỉnh ủy Ninh Thuận đã quy định cụ thể thời hạn mà các tổ chức đảng, cơ quan chính quyền, cán bộ, đảng viên phải trả lời tiếp thu việc góp ý của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân. Đồng chí Lê Văn Bình, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Thuận thông tin: Các cấp ủy đảng, chính quyền ở Ninh Thuận đặc biệt quan tâm công tác thi đua, khen thưởng đối với hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Hằng năm, cấp ủy, chính quyền đều có biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác này.
Trong 10 năm qua, huyện Ninh Sơn có hơn 30 tập thể và 50 cá nhân tiêu biểu thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc từ huyện đến xã, thị trấn và khu dân cư được các cấp, các ngành biểu dương, khen thưởng. Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm khen thưởng hơn 120 tập thể và 80 cá nhân tiêu biểu thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc từ thành phố đến phường, xã và khu dân cư...
Đảng ta xác định: Mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân là mục tiêu, đồng thời là động lực bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng, của công cuộc đổi mới. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và ủng hộ sáng kiến của nhân dân, chống quan liêu, xa dân, là một vấn đề thuộc về nguyên tắc cơ bản của đảng cầm quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đối với nhân dân, không thể lý luận suông, chính trị suông”.
Đảng chịu sự giám sát của nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Từ quan điểm, chủ trương phải thể chế hóa thành chính sách, pháp luật nhưng cần phải có những biện pháp triển khai mạnh mẽ, thiết thực, đồng bộ, để tạo sự đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị. “Phải đem cách nhân dân so sánh, xem xét, giải quyết các vấn đề, mà hóa nó thành cách chỉ đạo nhân dân”.
Theo Báo Nhân dân