Dân giám sát và dân được thụ hưởng

(Mặt trận) - Đại hội XIII của Đảng đã hoàn thiện thêm một bước tư tưởng phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Qua đó, hướng tới vì cuộc sống ấm no, phồn vinh hạnh phúc của nhân dân. Để thực hiện hóa tư tưởng trên, theo ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, rất quan trọng là đưa nghị quyết vào cuộc sống như thế nào.

Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính của 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Phấn đấu từ nay đến hết năm 2024, kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 12 vụ án, 2 vụ việc

Nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm tham nhũng

Ông Nguyễn Túc. 

PV: Thưa ông, phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được thực hiện trong nhiều nhiệm kỳ qua. Đại hội XIII bổ sung thêm hai vấn đề lớn là “dân giám sát” và “dân thụ hưởng”. Là người làm công tác Mặt trận lâu năm, ông có quan điểm gì về việc bổ sung này?

Ông Nguyễn Túc: Năm 1998 tại Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở nói đến “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Qua các phong trào vận động quần chúng, đặc biệt qua thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cho thấy chính sự tham gia của người dân nên xây dựng nông thôn mới được triển khai nhanh, về đích trước thời hạn.

Đó là bởi người dân thấy lợi ích mà họ được hưởng từ chính các cuộc vận động đó. Qua đó, các công trình điện - đường - trường -  trạm, quy hoạch nông thôn được người dân tham gia và giám sát.

Giám sát đã làm cho hiệu quả của xây dựng nông thôn mới tốt hơn, mất ít tiền hơn, hiệu quả cao hơn. Không chỉ tại Đại hội lần này, Mặt trận Trung ương đã rất nhiều lần đi tổng kết tại các địa phương và kiến nghị với Trung ương cần phải bổ sung những nội dung mới về giám sát. Bởi chỉ có dân giám sát mới tiết kiệm và chất lượng công trình mới tốt, bớt được chuyện tiêu cực.

Khi xây dựng điện, đường, trường, trạm, chúng ta thí điểm thực hiện ở Đà Nẵng thấy rằng nếu giao cho dân giám sát thì chỉ mất một nửa diện tích và tiền so với giao cho các cơ quan chuyên môn, công ty Nhà nước và tư nhân làm. Nếu như để dân tự làm, tự giám sát sẽ không có thất thoát.

Khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa chúng ta đề ra mục tiêu “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”. Trong đó, hạnh phúc chính là mục đích cuối cùng. Dân có ăn, có mặc, có nhà ở, được học hành và sống trong độc lập tự do hạnh phúc chính là cái đích cuối cùng mà chúng ta phấn đấu. Đại hội XIII đã đặt ra hướng tới mục tiêu về sự hạnh phúc thụ hưởng của nhân dân chính là như vậy.

Theo ông trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII lần này chúng ta cần lưu tâm đến những vấn đề gì?

Bác Hồ đã dạy: Chủ trương 1, biện pháp 10, quyết tâm phải 20. Tôi nói ví dụ, trong xây dựng chỉnh đốn Đảng, từ Đại hội VI cho đến Đại hội XII chúng ta có nhiều nghị quyết về vấn đề này. Trước đó, chúng ta có thực hiện xây dựng chỉnh đốn Đảng nhưng không đạt được như mong muốn. Vì chủ trương có, nhưng biện pháp chưa thật cụ thể và quan trọng là không đủ quyết tâm. Nhưng đến Đại hội XII, việc chỉnh đốn Đảng đạt được nhiều thành công. Bởi Đảng đã thực hiện theo đúng tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ căn dặn.

Thứ nhất đã có rất nhiều biện pháp để ngăn chặn và hạn chế tham nhũng; quy định về việc nêu gương, có chức vụ thì phải có trách nhiệm và gương mẫu, quyền lực phải được giám sát. Thứ hai, trong giám sát quyền lực, thì Đảng, Nhà nước và nhân dân cũng giám sát nên thời gian qua đã phanh phui ra nhiều vụ việc vi phạm. Thứ ba là rất quyết tâm với tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, không có chuyện “hạ cánh an toàn”. Chỉ có quyết tâm, quyết liệt mới thực hiện được những chủ trương đề ra.

Thưa ông, để Nghị quyết Đại hội XIII đi vào cuộc sống có vai trò rất quan trọng của Mặt trận các cấp. Ông có nhắn nhủ gì đến đội ngũ cán bộ Mặt trận trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết?

Nghị quyết lần này nhắc đến việc Mặt trận giữ vai trò nòng cốt trong thế trận toàn dân. Do đó quan trọng nhất là làm sao Mặt trận khơi dậy, để nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình. Làm chủ không chỉ là quyền lợi mà còn là trách nhiệm. Nghĩa là làm sao để phát huy, đóng góp vào xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước như Quyết định 217, Quyết định 218 của Bộ Chính trị khóa XI. Theo đó, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm phản biện và giám sát.

Đó chính là tính dân chủ, vì làm sao để những chủ trương, đường lối dự kiến của Đảng phải được Mặt trận lấy ý kiến nhân dân, qua đó phát huy trí tuệ của toàn dân. Để làm sao chủ trương, đường lối chính sách đó sát với thực tiễn cuộc sống, đáp ứng được lợi ích của đại đa số nhân dân. Khi chủ trương nghị quyết có rồi, thì vận động nhân dân thực hiện và giám sát việc thực hiện đó.

Quan trọng nhất là người cán bộ Mặt trận phải có bản lĩnh, đấu tranh có lý có tình. Đấu tranh, góp ý để đoàn kết tốt hơn, công việc tốt hơn chứ không phải đấu tranh để mất đoàn kết. Chủ trương hay đến đâu nhưng không đi vào cuộc sống thì niềm tin của người dân cũng giảm đi.

Hôm bế mạc Đại hội XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có nói thắng lợi của chúng ta mới là thắng lợi bước đầu. Quan trọng nhất là thắng lợi trong cuộc sống, tức là những nghị quyết phải được đội ngũ cán bộ chủ chốt triển khai làm sao để khơi dậy được sự hăng hái, nhiệt tình, tinh thần yêu nước của nhân dân thì mới đạt. Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do dân, vì dân. Nhân dân không tham gia thì làm sao thắng lợi được? Bây giờ đường lối đúng rồi, đội ngũ cán bộ đã được lựa chọn, vấn đề chính là làm sao để nhân dân hồ hởi phấn khởi triển khai thực hiện các cuộc vận động. Vai trò của Mặt trận chính là nằm ở chỗ đó.

Trân trọng cảm ơn ông!