Đảm bảo tính khoa học, toàn diện và khả thi khi triển khai quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

(Mặt trận) - Ngày 5/8, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tập trung vào nội dung “Định hướng và tổ chức không gian phát triển các ngành hạ tầng kỹ thuật; góp ý làm rõ quan điểm, mục tiêu, phương hướng phát triển của các ngành kỹ thuật”. Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài; TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam chủ trì Hội thảo.

Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính của 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Phấn đấu từ nay đến hết năm 2024, kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 12 vụ án, 2 vụ việc

Nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm tham nhũng

TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, TSKH Phan Xuân Dũng cho biết, cùng với Luật Quy hoạch đã được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2017 và có hiệu lực thi hành từ năm 2019 thì Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 là cơ sở quan trọng để tổ chức nghiên cứu xây dựng quy hoạch cấp vùng và cấp tỉnh, quy hoạch ngành và lĩnh vực. Qua nghiên cứu tài liệu, các chuyên gia trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam đánh giá cao Dự thảo Quy hoạch được xây dựng một cách công phu, có trách nhiệm và thể hiện được tính khoa học cao, có kết cấu khá phù hợp, đề cập đến các vấn đề cốt lõi của công tác quy hoạch, đưa ra quan điểm phát triển, mục tiêu phát triển. Nội dung dự thảo Quy hoạch đã đề cập đến tổng thể các ngành hạ tầng kỹ thuật như: Mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông; hạ tầng năng lượng; hạ tầng thông tin và truyền thông; hệ thống công trình phòng chống thiên tài và hệ thống thủy lợi…

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2021 - 2030 được Đại hội Đảng toàn quốc lần XIII thông qua cũng đã đề xuất 6 vùng với yêu cầu tập trung xây dựng quy hoạch vùng mang tính đột phá theo hướng tích hợp, đa ngành, lấy quy hoạch làm cơ sở quản lý phát triển vùng, song cũng định hướng hoàn thiện thể chế về quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng. Thực tế hiện nay ngoài các vùng đã nêu trong dự thảo còn đang liên kết và quản lý theo mô hình các vùng đặc thù. Như vậy, vùng Thủ đô đã được thể chế hóa là mô hình vùng được áp dụng. Từ thực tiễn này đề nghị dự thảo Quy hoạch cần đề cập đến trong nội dung hiện trạng phân vùng, phát triển vùng và liên kết vùng.

Quang cảnh Hội thảo

Cùng quan điểm trên, ông Đặng Việt Dũng (Tổng Hội Xây dựng) cho biết, bản thân hệ thống hạ tầng kỹ thuật có mối liên hệ và chia sẻ không gian phát triển, tuy nhiên dự thảo chưa nêu rõ mối quan hệ này để tận dụng không gian phát triển và đảm bảo sự đồng bộ hiệu quả phục vụ. Dường như bản quy hoạch này chỉ mới là một bản tập hợp nhu cầu phát triển của từng ngành hạ tầng kỹ thuật, không phải là một bản tổng hợp cân đối phát triển giữa các ngành để đảm bảo hiệu quả trong đầu tư. Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở quan trong để tổ chức nghiên cứu xây dựng quy hoạch cấp vùng và cấp tỉnh, vì vậy dự thảo quy hoạch về hạ tầng kỹ thuật cần nêu ra các chỉ tiêu, yêu cầu về đấu nối... để cấp vùng, cấp tỉnh thực hiện đảm bảo sự liên thông đồng bộ, hiệu quả cho toàn hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

Góp ý về mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông, PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam lại cho rằng, về đường bộ, ngoài hệ thống đường ghi trong quy hoạch thì cần cần quan tâm đến xây dựng đường ven biển và đường biên giới. Các con đường ngoài ý nghĩa kinh tế còn có vai trò quan trọng đảm bảo an ninh quốc phòng.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài cho biết, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhận thấy Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là văn bản hết sức quan trọng, quy hoạch tổng thể, toàn diện không gian trong các lĩnh vực phát triển của đất nước với tầm nhìn dài hạn. Đây là định hướng, khuôn khổ đặc biệt quan trọng để hoạch định chiến lược phát triển đất nước trong những năm tới đây, đảm bảo hiệu quả và bền vững. Đây cũng là văn bản khung để triển khai các quy hoạch liên kết vùng, xây dựng quy hoạch của các địa phương trong cả nước.

“Nếu quy hoạch đúng, phù hợp sẽ phát huy được tối đa tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, cơ hội hợp tác để phát triển. Hiện nay, nhiều địa phương đã bỏ ra rất nhiều công sức, nguồn lực và mời các công ty, tổ chức có uy tín hàng đầu thế giới để hợp tác triển khai quy hoạch của địa phương một cách căn cơ, bài bản. Với trách nhiệm của mình, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chủ động chuẩn bị và tổ chức phản biện xã hội với dự thảo này một cách bài bản, phát huy tối đa sự đóng góp trí tuệ của các tầng lớp nhân dân, trong đó có vai trò tiên phong, dẫn dắt của các chuyên gia, các nhà khoa học”, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài cho biết, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chia ra 17 nhóm nội dung, lĩnh vực liên quan đến dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để lắng nghe các ý kiến phản biện xã hội của các cơ quan, tổ chức, các Liên hiệp hội, các hội chuyên ngành, các viện nghiên cứu,...Trong đó đề nghị Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chủ trì phản biện với nội dung “Định hướng và tổ chức không gian phát triển các ngành hạ tầng kỹ thuật; góp ý làm rõ quan điểm, mục tiêu, phương hướng phát triển của các ngành kỹ thuật”.

Theo Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài, với lực lượng đông đảo các thành viên và đội ngũ trí thức khoa học hàng đầu của cả nước, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam mong muốn và tin tưởng Liên hiệp Hội, các chuyên gia, các nhà khoa học trong Liên hiệp Hội sẽ là một kênh đóng góp ý kiến có tính khoa học và tính thực tiễn cao, đóng góp chung vào các kiến nghị phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam; hơn hết là đóng góp để có bản quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo tính khoa học, toàn diện, sát thực tiễn và khả thi.

Từ những ý kiến thảo luận tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài khẳng định, đây là những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của Liên hiệp hội và các chuyên gia, nhà khoa học đối với tương lai và sự phát triển của đất nước; đồng thời đề nghị Liên hiệp Hội tổng hợp đầy đủ để chuẩn bị góp ý tại hội nghị phản biện xã hội sẽ được tổ chức tại Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vào ngày 10/8 tới đây.