Đà Nẵng: Phản biện xã hội đối với Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 24/2016/NQ-HĐND của HĐND thành phố

(Mặt trận) - Sáng ngày 09/6, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Tăng Hoàng Hôn Thắm, chủ trì hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 24/2016/NQ-HĐND, ngày 11/8/2016 của HĐND thành phố quy định mức thu phí tham quan khu danh thắng Ngũ Hành Sơn bằng hình thức đối thoại trực tiếp với Sở Tài chính, cơ quan chủ trì tham mưu dự thảo văn bản.

Một số vấn đề lý luận về hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam bằng hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền

Giải quyết mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với UBND TP. Hồ Chí Minh

 
Nghị quyết số 24/2016/NQ-HĐND ngày 11 tháng 8 năm 2016 của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng quy định mức thu phí tham quan khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, tuy nhiên, kể từ ngày 01/7/2021, Đà Nẵng thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội, thì UBND quận thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị dự toán ngân sách trực thuộc UBND thành phố theo quy định của Luật NSNN. Đồng thời, theo Nghị quyết số 52/2021/NQ-HĐND ngày 17/12/2021 của HĐND thành phố thì nguồn thu ngân sách các quận, phường được chuyển về ngân sách thành phố quản lý. Do đó, tại khoản 2, Điều 1 Nghị quyết số 24/2016/NQ-HĐND quy định Ban Quản lý khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn (nay là Ban Quản lý Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn) thực hiện thu phí tham quan, nộp 100% số thu vào ngân sách quận Ngũ Hành Sơn là không còn phù hợp.
Nhằm đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, Sở Tài chính thành phố đã tham mưu Dự thảo theo hướng là sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý và sử dụng nguồn thu phí tham quan, đó là: Ban quản lý Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn được để lại 20% trong tổng số phí tham quan thu được để chi cho công tác duy tu, tôn tạo, sửa chữa thường xuyên các hạng mục tại khu di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn. Số còn lại 80% nộp vào ngân sách thành phố.
Tại buổi đối thoại trực tiếp, các đại biểu đã trao đổi dân chủ, thẳng thắn, tập trung thảo luận về việc sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý và sử dụng nguồn thu phí tham quan, trong đó xác định tỷ lệ phần trăm (%) để lại cho Ban Quản lý Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn bảo đảm kinh phí duy tu, tôn tạo, sửa chữa thường xuyên khu Danh thắng Ngũ Hành Sơn; số thu còn lại nộp về ngân sách thành phố. Đa số các ý kiến đều đồng tình, thống nhất với dự thảo.
Tuy nhiên, một số đại biểu vẫn còn băn khoăn về việc trích nộp bao nhiêu là phù hợp. Theo đại biểu Bùi Văn Tiếng, Phó Chủ tịch không chuyên trách, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa – Xã hội Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, cho rằng cần phải thay đổi tư duy trong việc đầu tư, ứng xử với khu danh thắng xứng tầm là Di tích Quốc gia đặc biệt, vì vậy cần tăng tỷ lệ để lại cho Ban Quản lý Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn để đầu tư, sửa chữa, đây cũng là ý kiến của các đại biểu Sở Du lịch và Sở Văn hóa Thể thao thành phố.
Theo đại biểu Lương Công Tuấn, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố, chúng ta nên mở rộng, xem xét rà soát lại một cách tổng thể, toàn diện dự thảo Nghị quyết để sửa đổi, bổ sung về mức thu, đối tượng thu, đối tượng miễn giảm nhằm kích cầu du lịch và phù hợp với các quy định hiện hành.
Trao đổi, thông tin tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Tài chính thành phố Hồ Ngọc Phương cho biết, để phù hợp Nghị quyết 119/2020/QH14 của Quốc hội và Nghị quyết số 52/2021/NQ-HĐND ngày 17/12/2021 của HĐND thành phố, Sở tham mưu sẽ sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 1 Nghị quyết số 24/2016/NQ-HĐND ngày 11/8/2016 của HĐND thành phố, theo đó, Ban Quản lý Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn được để lại 20% tổng số phí tham quan thu được để chi cho công tác di tu, tôn tạo, sửa chữa thường xuyên các hạng mục tại khu Di tích. Số còn lại 80% nộp vào ngân sách thành phố, khi đơn vị có nhu cầu sửa chữa các hạng mục có quy mô lớn, mang tính chất đầu tư thì ngân sách thành phố sẽ bố trí nguồn vốn để thực hiện trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách.
Kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Tăng Hoàng Hôn Thắm ghi nhận các ý kiến của các đại biểu trên tinh thần cơ bản thống nhất với dự thảo. Bên cạnh đó sẽ xem xét việc đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá khách quan, rà soát toàn diện Nghị quyết để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; đồng thời sẽ phối hợp nghiên cứu, kiến nghị thêm đến các cơ quan liên quan về nội dung cơ chế, tổ chức bộ máy của Ban Quản lý Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn theo hướng trực thuộc Sở chuyên môn để xứng tầm với đơn vị quản lý Khu di tích cấp Quốc gia đặc biệt.