Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Giám sát phải thật sự đổi mới, lấy hiệu quả là chính, tránh đi nhiều nhưng hiệu quả không lớn

(Mặt trận) - Cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và các Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, cuối cùng của sản phẩm giám sát là kiến nghị. Vì vậy, cần nêu rõ các kiến nghị, đề xuất đúng thẩm quyền, đúng trách nhiệm.

Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững ổn định chế độ chính trị, tạo nền tảng vững chắc để phát triển đất nước nhanh, bền vững

MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Trà Vinh: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội

Hà Giang: Phát huy quyền làm chủ của nhân dân

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long 

Đánh giá đúng thực trạng, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển, sử dụng nguồn nhân lực

Sáng 20.8, tiếp tục Phiên họp thứ 36, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và các Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”.

Báo cáo dự thảo Kế hoạch giám sát và các Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, mục đích giám sát nhằm đánh giá việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đánh giá thực trạng nguồn nhân lực; kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân…, đưa ra đề xuất kiến nghị, giải pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc phát triển và sử dụng nguồn nhân lực.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long 

Nội dung giám sát sẽ tập trung vào 4 vấn đề: Đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo và việc thể chế hóa chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đánh giá thực trạng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao. Đánh giá kết quả đạt được, tồn tại hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao. Đề xuất kiến nghị, giải pháp để tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Phạm vi giám sát tập trung vào việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn từ 2021 đến hết ngày 31.12.2024 trên phạm vi cả nước (từ Đại hội XIII của Đảng đến nay).

Về phương thức giám sát, Đoàn giám sát thực hiện các hoạt động giám sát theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Quy chế Tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 334/2017/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về dự thảo Đề cương báo cáo, Đoàn giám sát đã xây dựng dự thảo các Đề cương báo cáo (kèm theo các mẫu bảng biểu) để định hướng cho việc tổ chức giám sát, xây dựng báo cáo của Đoàn giám sát và làm cơ sở cho các đối tượng chịu sự giám sát, một số Đoàn đại biểu Quốc hội chuẩn bị nội dung báo cáo…

“Có thời gian học xong không có việc làm, thầy nhiều hơn thợ”

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long 

Thống nhất với cách đặt vấn đề của Đoàn giám sát, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, Đoàn giám sát cần tập trung sâu vào vấn đề đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực để phát hiện được những mặt mạnh, những việc làm được trong thời gian vừa qua; đồng thời, thấy được mặt hạn chế đối với vấn đề này. Từ đó, đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.

 Về các địa phương đến giám sát, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, kế hoạch đưa ra rất hợp lý khi tiến hành giám sát trực tiếp tại chính địa phương theo tiêu chí đại diện cho các vùng, miền, là hạt nhân, cực tăng trưởng và trung tâm đào tạo nguồn nhân lực của vùng, trung tâm phát triển mới, sử dụng nhiều lao động, địa bàn khó khăn, tập trung đồng bào dân tộc thiểu số.

 Về đề cương báo cáo kết quả giám sát, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần có sự phân tích, dự báo đặt ra cho nhu cầu đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực phù hợp. “Hiện nay, đất nước muốn phát triển đi lên, thì phải quan tâm đến sự nghiệp giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ, bảo đảm thật sự là quốc sách hàng đầu. Nếu quan tâm đúng thì đất nước mới phát triển, sánh vai với các cường quốc năm châu”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng nêu rõ, về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước đầy đủ, nhưng vừa qua có sự quan tâm đúng mức của các ngành, các cấp, nhất là sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương hay không, thì lần giám sát này phải chỉ rõ và đặt ra nhu cầu đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực phù hợp. "Bây giờ đào tạo ra thì phải có việc làm, đào tạo đúng ngành nghề. Thực tế cho thấy, có thời gian học theo phong trào, thấy cái gì dễ thì đăng ký học nhưng học ra không có việc làm, thầy nhiều hơn thợ” - Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, phải nghiên cứu kỹ phạm vi giám sát, nhất là các văn bản của Đảng, Nhà nước đã ban hành và thực hiện, nội dung nào đang thực hiện, nội dung nào chưa thực hiện? Lý do vì sao đây là những vấn đề dư luận xã hội và Nhân dân quan tâm. “Ai cũng có gia đình, cũng có con em đi học, thì đều mong muốn học, đào tạo xong là có việc làm, phục vụ cho đất nước, phục vụ cho Nhân dân, nhưng thực tế vừa qua như thế nào, thì phải xem xét kỹ vấn đề này” - Chủ tịch Quốc hội yêu cầu. 

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, số liệu qua giám sát phải đầy đủ, đưa ra một "bức tranh" tương đối toàn diện về thực trạng nguồn nhân lực của đất nước ta hiện nay; đánh giá rõ quy mô, chất lượng, cơ cấu nguồn nhân lực trong mối tương quan giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới; đồng thời, nêu rõ các kiến nghị, đề xuất đúng thẩm quyền, đúng trách nhiệm.

Sản phẩm của chuyên đề giám sát này là kiến nghị đối với địa phương, đối với Trung ương. “Cái cuối cùng của sản phẩm là kiến nghị, khi kiến nghị phải chỉ ra cho rõ cơ quan nào, ngành nào phải thực hiện. Mỗi thành viên Đoàn giám sát phải thật sự trách nhiệm, có sản phẩm tham gia góp ý, đề xuất, nhất là quan điểm đối với kết luận giám sát” - Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Về thời gian, theo dự thảo, các cơ quan gửi báo cáo và dự thảo kế hoạch đối với UBND cấp tỉnh là trước ngày 1.6.2025; bộ, ngành trước ngày 15.1.2025; Chính phủ báo cáo ngày 20.1.2025. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cần cân nhắc thật kỹ thời gian này theo hướng hợp lý hơn. Về thời gian giám sát tại địa phương, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần xác định rõ thời điểm tiến hành, tránh thời gian tổ chức phiên họp hàng tháng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thời gian tổ chức kỳ họp Quốc hội…

Giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần phải thật sự đổi mới, thiết thực, lấy hiệu quả là chính, tránh việc đi nhiều địa phương, nhiều ngành nhưng hiệu quả mang lại không lớn - Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ. 

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Tổ giúp việc tổ chức làm việc cụ thể với các bộ, ngành có liên quan để thống nhất về nội dung chuyên môn của đề cương giám sát. Hoàn thiện kế hoạch giám sát, đề cương giám sát, báo cáo các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi Trưởng đoàn giám sát ký ban hành, bảo đảm đúng tiến độ.