Cho phép tiếp tục thực hiện một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đến ngày 31/12/2023

(Mặt trận) - Sáng ngày 9/1, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, với 468/473 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 94,35% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024.

Bắc Kạn: Hiệu quả thiết thực từ giám sát

Bình Thuận: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội

Đảng lãnh đạo phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để Nhân dân làm chủ

Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1.1.2023 đến ngày 31.12.2024 

Nghị quyết 30/2021/QH15 – Quyết định đúng đắn, kịp thời

Theo đó, Nghị quyết khẳng định, nội dung các chính sách phòng, chống dịch Covid-19 tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28.7.2021 Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV là sáng kiến lập pháp chưa từng có tiền lệ trong hoạt động lập pháp; là quyết định đúng đắn, kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Quốc hội trước Nhân dân, khẳng định Quốc hội luôn hành động, đồng hành với Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch bệnh với tinh thần đặt tính mạng, sức khỏe, sự an toàn của người dân lên trên hết, trước hết, đồng thời bảo đảm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị quyết số 30 đã tạo nền tảng pháp lý vững chắc tại thời điểm cấp bách khi đại dịch Covid-19 bùng phát để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương chủ động thực hiện các quyết sách sáng tạo, linh hoạt, thần tốc, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như trong tình trạng khẩn cấp; đặc biệt, Chính phủ có Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11.10.2021 ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid - 19”, chủ động, sáng tạo, áp dụng linh hoạt, chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch bệnh kịp thời, đúng đắn tại thời điểm quyết định, góp phần kiểm soát dịch bệnh, huy động sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc…

Nghị quyết ghi nhận những thành quả đạt được trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15, đồng thời chỉ ra, việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch Covid-19 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các chính sách, giải pháp, biện pháp theo Nghị quyết số 30 và các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có lúc, có nơi còn chậm, chưa đồng bộ, chưa sát thực tiễn; công tác tuyên truyền, phổ biến có lúc chưa kịp thời; gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc còn chậm dẫn đến nguy cơ thiếu thuốc; thanh toán, quyết toán chi phí liên quan đến phòng, chống dịch bệnh và chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh Covid-19 còn chưa đáp ứng yêu cầu.

Nghị quyết đánh giá, những tồn tại, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu do Covid-19 là dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ trên thế giới và Việt Nam, nên việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thực hiện trong bối cảnh cấp bách, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm; một số nơi thực hiện giãn cách kéo dài chưa bảo đảm an sinh xã hội; hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng mặc dù đã được quan tâm nhưng chưa đáp ứng yêu cầu về năng lực phòng, chống dịch bệnh có diễn biến phức tạp; sự phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo giữa một số Bộ, ngành, chính quyền địa phương còn lúng túng, chưa kịp thời, hiệu quả; một số thủ tục hành chính còn chưa phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh.

Giao Chính phủ rà soát và xử lý việc mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long 

Nghị quyết cho phép các chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 được tiếp tục thực hiện từ ngày 1.1 - 31.12.2023.

Cụ thể, các chi phí phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid -19 của cơ sở y tế, cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 và chế độ, chính sách đối với người được điều động, huy động tham gia phòng, chống dịch Covid -19 đã thực hiện trước ngày 31.12.2022 mà chưa thanh toán xong thì được tiếp tục thanh toán theo quy định tại Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 ngày 30.12.2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 (sau đây gọi là Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15) và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Kinh phí thực hiện các khoản chi phí, chế độ, chính sách này được chuyển nguồn sang năm 2023 để thanh toán và hạch toán, quyết toán vào niên độ ngân sách năm 2023.

Việc thanh toán chi phí phòng, chống dịch Covid-19 cho cơ sở y tế và chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh Covid -19 được tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 ngày 6.8.2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép Chính phủ ban hành nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Nghị quyết cũng nêu rõ, giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực trong khoảng thời gian từ ngày 1.1.2023 đến ngày 31.12.2024 được cơ sở đăng ký nộp hồ sơ gia hạn và giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc được kéo dài thời hạn thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 6 của Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 mà chưa được gia hạn kịp thời theo quy định của Luật Dược được tiếp tục sử dụng từ ngày hết hiệu lực đến hết ngày 31.12.2024, trừ các trường hợp sau đây: Thuốc, nguyên liệu làm thuốc bị thu hồi theo quy định của pháp luật về dược; Thuốc có dấu hiệu không an toàn cho người sử dụng mà bị tạm ngừng kinh doanh, sử dụng và niêm phong bảo quản theo quy định của pháp luật về dược; Thuốc có giấy đăng ký lưu hành có thời hạn là 3 năm theo quy định của pháp luật về dược. Bộ Y tế công bố danh mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc có giấy đăng ký lưu hành được tiếp tục sử dụng theo quy định.

Quốc hội giao Chính phủ rà soát và xử lý việc mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh; việc sử dụng số thuốc, vật tư, sinh phẩm đã mua từ ngân sách nhà nước cho khám bệnh, chữa bệnh Covid -19 chuyển sang khám bệnh, chữa bệnh thông thường.

Đồng thời quyết định xử lý các vướng mắc trong thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh, các chế độ, chính sách cho các đối tượng tham gia phòng, chống dịch Covid -19; trong mua sắm thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã thực hiện dưới các hình thức tạm ứng, vay, mượn, huy động và tiếp nhận tài trợ, viện trợ.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, nguồn lực, khả năng dự báo, thúc đẩy nghiên cứu y sinh học, phát triển công nghiệp dược, vaccine, sinh phẩm, trang thiết bị y tế trong nước để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, ứng phó với các biến chủng mới, các loại dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi nhằm nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

Đối với các nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid - 19 đã thực hiện theo các quy định, chính sách, hình thức văn bản ban hành theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 thì khi thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, thanh toán, quyết toán và các hoạt động thi hành pháp luật khác cần được đối chiếu, áp dụng theo đúng các quy định, đặc thù quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày thông qua.