Cán bộ giám sát phải bản lĩnh, tâm huyết

(Mặt trận) - Sáng 8/4, tại Hà Tĩnh, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội thảo “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội giai đoạn 2024-2029”.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành 14 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Nam Định nâng cao vai trò giám sát của nhân dân

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân tham gia hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

Hội thảo “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội giai đoạn 2024-2029” diễn ra ngày 8/4. Ảnh: Cẩm Kỳ. 

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Ngọc Đường, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh Trần Nhật Tân chủ trì hội thảo. Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, người hoạt động thực tiễn, đại diện Uỷ ban MTTQ Việt Nam các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh: Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội thảo để lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, người hoạt động thực tiễn vào dự thảo Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội giai đoạn 2024-2029”

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học, người hoạt động thực tiễn nghiên cứu, góp ý một số nội dung trọng tâm để Đề án đáp ứng yêu cầu, phù hợp với thực tiễn và đưa ra các giải pháp sáng tạo trong công tác giám sát, phản biện. Ngoài ra, chủ trì hội thảo đề nghị đại biểu giới thiệu những mô hình hay, cách làm hiệu quả của địa phương mình để Đề án phong phú, hiệu quả hơn.

“Chúng tôi hy vọng, với hoạt động thực tiễn phong phú, kiến thức chuyên sâu của các đại biểu, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ đón nhận những ý kiến sâu sắc góp phần có đầy đủ cơ sở thực tiễn để xây dựng Đề án”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu đề dẫn hội thảo. Ảnh: Cẩm Kỳ. 

Hội thảo nhận được nhiều ý kiến thảo luận, góp ý xác đáng đến từ chuyên gia của các đơn vị, địa phương, cơ sở. Các đại biểu cho rằng, để giám sát, phản biện hiệu quả, cán bộ Mặt trận phải bản lĩnh, tâm huyết.

Theo ông Nguyễn Thanh Long, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh), để phân định rõ nội dung giám sát, phản biện của Mặt trận, cần xác định “ranh giới” với công tác kiểm tra của Uỷ ban Kiểm tra.

Từ đó, Ban Thường trực MTTQ huyện cùng các đoàn thể chính trị - xã hội rà soát, lựa chọn nội dung mà nhân dân quan tâm, những vấn đề Nhân dân bức xúc, những ý kiến của Nhân dân qua các kỳ tiếp xúc cử tri... nhưng chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa thấu đáo để thống nhất với Uỷ ban Kiểm tra và Thường trực HĐND huyện nhằm tránh trùng nội dung giám sát. Làm văn bản xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực Huyện uỷ theo quy định, đưa vào kế hoạch phối hợp hằng năm bới UBND huyện để tổ chức thực hiện.

Ông Nguyễn Thanh Long, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Cẩm Xuyên phát biểu ý kiến. Ảnh: Cẩm Kỳ. 

Đề xuất giải pháp giám sát, phản biện của Hội Liên hiệp Phụ nữ, bà Nguyễn Thị Lệ Hà - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hoá kịp thời, đầy đủ quyền và trách nhiệm tham gia giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. “Đây là cơ sở hành lang pháp lý quan trọng giúp MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện hiệu quả chức năng giám sát, phản biện”, bà Hà nói.

Ông Nguyễn Đức Thành – Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An giới thiệu về mô hình hay, cách làm hiệu quả trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Cẩm Kỳ. 

Giới thiệu về mô hình hay, cách làm hiệu quả trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Đức Thành – Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, địa phương có nhiều mô hình điển hình. Cụ thể như: Giám sát công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư để thực hiện Dự án Thuỷ điện Hủa Na tại huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An; Giám sát đầu tư của cộng đồng xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai; Phản biện xã hội đối với dự thảo thông báo Bảng giá đất tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020-2024…

Theo ông Nguyễn Đức Thành, quy định về giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận được ban hành nhiều văn bản của Đảng, Nhà nước nhưng chưa đồng bộ, thống nhất nên cần quy về một mối.

“Số lượng cán bộ làm công tác Mặt trận chuyên trách ít trong khi vai trò, trách nhiệm của MTTQ ngày càng tăng, yêu cầu về giám sát, phản biện đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải có trình độ, năng lực, kỹ năng, trong khi chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận nhìn chung còn nhiều hạn chế. Việc mời các thành viên Hội đồng tư vấn, các chuyên gia tham gia giám sát cũng nhiều bất cập do không phải là cán bộ, không có chức vụ nên hiệu quả thuyết phục đối với cơ quan được giám sát không lớn, một số vị bảo thủ, không tuân thủ phân công, không theo ý của chủ trì nhưng không có giải pháp thay thế”, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Nghệ An nói.

Ông Trương Văn Hởi - Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình đề xuất 3 nội dung giám sát trên phạm vi toàn quốc giai đoạn 2024-2029. Ảnh: Cẩm Kỳ. 

Tại hội thảo, đại diện Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình, ông Trương Văn Hởi - Phó Chủ tịch đề xuất 3 nội dung giám sát trên phạm vi toàn quốc giai đoạn 2024-2029. Gồm: Giám sát việc thực hiện dân chủ cơ sở, thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị; Giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên theo quy định của Đảng; Giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.

Tham luận với chủ đề “Hoàn thiện cơ chế, quy định pháp luật về giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội: Thực trạng và giải pháp”, TS. Nguyễn Văn Pha, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phân tích sâu sắc các khía cạnh pháp lý cũng như thực tiễn. Từ đó, TS. Nguyễn Văn Pha rút ra một số giải pháp hoàn thiện cơ chế, quy định pháp luật để nâng cao chất lượng, đổi mới công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.

 GS.TS. Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam đề ra các phương hướng và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật. Ảnh: Cẩm Kỳ.

GS.TS. Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam thẳng thắn nhìn nhận, việc giám sát, phản biện của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu của Đảng, Nhà nước, vẫn còn tình trạng hình thức.

Thông qua tham luận “Phát huy vai trò của Hội đồng tư vấn, nhân sĩ, trí thức, chuyên gia, nhà khoa học, người hoạt động thực tiễn tham gia vào hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội: Thực trạng và giải pháp”, GS.TS. Trần Ngọc Đường đề ra các phương hướng và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật.

Với tham luận “Đổi mới nội dung, phương thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội”, Ths. Ngô Sách Thực, Uỷ viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam đề xuất cần phát huy một số kinh nghiệm. Một là, chọn trúng và đúng nội dung giám sát, phản biện xã hội, tổ chức tốt phối hợp, thống nhất giữa Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, thành viên của Mặt trận. Hai là, tập hợp, tổng hợp tâm tư nguyện vọng, ý kiến của người dân. Ba là, phát huy các lực lượng và người dân tham gia giám sát, phản biện xã hội. Bốn là, theo dõi việc tiếp thu, phản hồi sau giám sát, phản biện xã hội.

Theo PGS.TS Bùi Xuân Đức, Uỷ viên Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam, muốn giám sát, phản biện hiệu quả, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội phải phản ánh đúng, đủ đến các cấp có thẩm quyền, yêu cầu cấp có thẩm quyền tiếp thu, giải trình, đối thoại, làm rõ vấn đề được giám sát, phản biện.

Góp ý về nhân lực giám sát, phản biện, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam đề xuất: Nhân lực biên chế của Mặt trận hạn chế nên cần tận dụng, thu hút nguồn lực bên ngoài, đó là các giới chức, nhân sĩ, nhà khoa học, chuyên gia. “Đề nghị lãnh đạo MTTQ Việt Nam kiến nghị đến cấp trên, trong điều kiện cải cách hành chính, nhân sự giảm ngân sách phải tăng”, ông Nguyễn Văn Phúc nói.

Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh ghi nhận, tiếp thu ý kiến tâm huyết, sâu sắc, trách nhiệm của các đại biểu. “Hội thảo có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần bồi đắp kinh nghiệm giám sát, phản biện xã hội cho đội ngũ cán bộ Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị Ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội, UBTƯ MTTQ Việt Nam nghiêm túc ghi chép, tiếp thu, nghiên cứu, hoàn thiện Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội giai đoạn 2024-2029” để Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.