(Mặt trận) - Sáng 13/9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
|
Toàn cảnh phiên họp
|
Tiếp tục rà soát kỹ, đối chiếu với các luật liên quan
Tờ trình dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày cho biết, việc ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) là cần thiết, bởi ngày 3.6.2017, Hội nghị lần thứ V, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ra Nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó: “Phát triển cân bằng, đồng bộ thị trường tài chính...Phát triển thị trường bảo hiểm, thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán, tư vấn thuế, thẩm định giá...”. Ngày 15.1.2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế. Trong đó, đã nêu nhiệm vụ “Hoàn thiện các quy định pháp luật về lĩnh vực bảo hiểm. Khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế. Nâng cao năng lực quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm; thực hiện hiệu quả các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm”.
Bên cạnh đó, Luật Kinh doanh bảo hiểm ra đời cách đây 20 năm, khi thị trường bảo hiểm còn non trẻ, cơ quan quản lý cũng mới thành lập, quy mô thị trường còn nhỏ, các sản phẩm, kênh phân phối chưa đa dạng. Một số, quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành chưa theo kịp với quốc tế như: quy định về phòng chống trục lợi bảo hiểm, rửa tiền, tài trợ khủng bố chưa đầy đủ; điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế; mô hình quản lý tài chính lạc hậu; chưa có yêu cầu về quản trị rủi ro.
Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) về cơ bản giữ nguyên bố cục của Luật hiện hành, gồm 8 chương, 156 điều. So với Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành, dự thảo sửa đổi 81 Điều, bổ sung 58 Điều, bãi bỏ 33 Điều và giữ nguyên 17 Điều. Dự thảo Luật đã bám vào mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 7 nhóm chính sách đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 121/NQ-CP ngày 31.12.2019. Các nội dung được sửa đổi, bổ sung và quy định mới bao gồm: đối tượng áp dụng mở rộng so với luật cũ là tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô; sửa đổi, bổ sung giải thích từ ngữ để phù hợp với thực tiễn và pháp luật có liên quan; nguyên tắc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm sửa đổi để phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, tập quán quốc tế và các cam kết quốc tế Việt Nam tham gia (EVFTA, CPTPP); các loại hình bảo hiểm thành 3 loại cơ bản theo thông lệ quốc tế là bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm bắt buộc, giới hạn lại để phản ánh đúng bản chất của loại hình bảo hiểm này...
Báo cáo thẩm tra dự án Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; khắc phục những hạn chế, bất cập sau hơn 20 năm thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000.
Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, các nội dung của dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiếp pháp năm 2013 và tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, Luật này sau khi được thông qua, một số quy định có liên quan tới nhiều luật khác. Do đó, đề nghị, cần tiếp tục rà soát kỹ, đối chiếu với các luật liên quan nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Đa số ý kiến Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí việc sửa đổi toàn diện Luật Kinh doanh bảo hiểm sau khi được ban hành 20 năm và đã có 2 lần sửa đổi; cho rằng, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã thể chế hóa kịp thời những quan điểm, chủ trương xây dựng và phát triển thị trường bảo hiểm, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát sinh và khắc phục những hạn chế, bất cập qua hơn 20 năm thi hành luật và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Đánh giá tính tương thích với các điều ước quốc tế
Tuy nhiên, để bảo đảm tuổi thọ của luật do phạm vi điều chỉnh của luật rộng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, cần tiếp tục bổ sung, đánh giá tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan đến bảo hiểm Việt Nam là thành viên để không làm cản trở việc thực hiện nghĩa vụ trong các điều ước quốc tế.
Đối với quy định về phá sản doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm sau khi áp dụng biện pháp can thiệp, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, tại dự thảo Luật có quy định một số nội dung liên quan đến phá sản của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm chưa phù hợp với quy định tại Luật Phá sản. Vì vậy, đề nghị, Cơ quan soạn thảo làm rõ tính cần thiết phải có các quy định đặc thù này đối với lĩnh vực bảo hiểm, hạn chế tối đa việc tạo thêm các ngoại lệ so với quy định của Luật Phá sản.
Cùng quan điểm với Thường trực Ủy ban Kinh tế, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, để doanh nghiệp thực hiện phá sản theo đúng quy trình rất lâu, thậm chí có nhiều người hay ví von “doanh nghiệp chết rồi nhưng chưa chôn” và đồng thời, đưa ra một cái nhóm ưu tiên để xử lý khi phá sản đối với các doanh nghiệp bảo hiểm sao cho đồng bộ, như tiền lương công nhân, bồi thường khoản bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm đối với các yêu cầu bồi thường…
Thành Trung - ảnh Lâm Hiển