Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Xác định rõ 'ba ranh giới' và 'bốn khu vực' trong quy hoạch sử dụng đất đai

(Mặt trận) - Tiếp tục Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều 30/10, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu; đồng thời nhấn mạnh “ba ranh giới” và “bốn khu vực” trong quy hoạch sử dụng đất đai.

MTTQ huyện Thuận Châu phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc

MTTQ tỉnh Lào Cai lựa chọn nội dung, hình thức giám sát phù hợp

Phiên họp thứ 40 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Sắp xếp bộ máy cần đảm bảo quyền lợi người lao động

Ảnh: TTXVN 

Quy hoạch sử dụng đất đai phải hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường, biến đổi khí hậu

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cho rằng, việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020 đã tạo ra nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước; đồng thời nhất trí với sự cần thiết phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) quốc gia.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (tỉnh Long An), chỉ tiêu quy hoạch đất bãi thải, xử lý chất thải đến năm 2030 là 18.000 ha, tăng 10.000 ha so với năm 2020, còn có một số điểm bất hợp lý. Bởi theo báo cáo thẩm tra, việc thực hiện chỉ tiêu đất bãi thải, xử lý chất thải giai đoạn 2010-2020 đạt rất thấp, chỉ 37%; trên thực tế, việc quy hoạch sử dụng đất để làm khi xử lý chất thải rắn rất khó khăn, đặc biệt các tỉnh có diện tích nhỏ như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên... Bên cạnh đó, một số khu vực, diện tích đất bãi thải lớn đã gây hệ lụy cho môi trường như bãi thải tro xỉ nhiệt điện than, bãi thải mỏ khai thác than... Trong khi đó, về định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là xây dựng nền kinh tế xanh tuần hoàn, thân thiện với môi trường, đẩy mạnh khoa học công nghệ trong xử lý chất thải nên đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, các chỉ tiêu liên quan trực tiếp đến môi trường cần phải bám sát định hướng này. Chính phủ cần rà soát chỉ tiêu này theo hướng giảm diện tích đất bãi thải, bố trí quy hoạch đất cho xử lý chất thải quy hoạch các điểm trung chuyển rác thải tại đô thị, khu vực nông thôn hợp lý.

Về chỉ tiêu đất khu công nghệ cao được quy hoạch đến năm 2025 khoảng 4,1 nghìn ha, tăng rất ít (chỉ khoảng 510 ha so với năm 2020), không tăng trong giai đoạn 2025-2030. Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề nghị Chính phủ cân nhắc điều chỉnh diện tích lớn hơn đối với chỉ tiêu đất khu công nghệ cao, đáp ứng định hướng phát triển đất nước đến năm 2030. Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, hoàn chỉnh phương án quy hoạch sử dụng đất đai nhằm hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực đến môi trường và biến đổi khí hậu”, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nêu.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh kiến nghị Chính phủ chỉ đạo sớm xây dựng, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình quốc gia theo Luật Đo đạc và bản đồ; nhằm cung cấp cơ sở dữ liệu cho việc xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia; thúc đẩy nhanh việc quản lý dữ liệu quy hoạch đất đai theo không gian cần phát triển đô thị trên cơ sở định hướng giao thông công cộng.

Việc đề ra các chỉ tiêu và giải pháp phù hợp trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cũng đề xuất chú trọng đến yếu tố nền tảng số trong công tác quản lý nhà nước về đất đai chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích thực tế cho nền kinh tế và người dân, đặc biệt khi chúng ta đang chuẩn bị cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, thích ứng an toàn với dịch bệnh.

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Thịnh (tỉnh Bắc Giang) cho rằng, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cần được coi là một giải pháp trung tâm, có vai trò quyết định trong triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong thời gian tới. Kinh nghiệm các quốc gia cho thấy, có 2 loại dữ liệu quan trọng nhất cần được số hoá nếu muốn chuyển đổi số nền kinh tế đất nước đó là dữ liệu dân cư và dữ liệu đất đai. Chuyển đổi số trong quản lý đất đai cũng góp phần nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý các cấp; việc lập, duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho giai đoạn sau được nhanh gọn, đảm bảo đúng thời gian (tránh chậm muộn như kỳ này); đồng thời đảm bảo cho việc công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được dễ dàng.

Xác định rõ nguyên tắc, tiêu chí cho phép chuyển đổi đất trồng lúa

Đề nghị Quốc hội phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất đối diện tích đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ của các dự án có sử dụng đất mà trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được Chính phủ phê duyệt, đại biểu Phạm Văn Thịnh (tỉnh Bắc Giang) cho rằng, việc này vừa phù hợp về logic vì quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất các vị trí đất này đã được Chính phủ phê duyệt nên khi chuyển mục đích sử dụng đất lại xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, không thực sự hợp lý, làm phát sinh thủ tục hành chính và tăng chi phí. Thực tế, thời gian qua, do quy định phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ nên nhiều địa phương muốn làm nhanh đã chia nhỏ dự án dưới 10 ha đất lúa, dẫn tới tình trạng quy hoạch xây dựng khu dân cư, khu đô thị, các dự án sản xuất phi nông nghiệp bị manh mún, vừa lãng phí hạ tầng, vừa thiếu kết nối đồng bộ.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh nêu: “Nếu Quốc hội thông qua nội dung phân cấp này, việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời gian tới sẽ được tốc độ hơn, hiệu quả cao hơn, kéo theo giải ngân đầu tư công, huy động nguồn lực đầu tư xã hội được tốt hơn và chắc chắn sẽ đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP của cả nền kinh tế. Đây cũng là bước tiến quan trọng về cải cách hành chính. Cùng với việc phân cấp, đề nghị Chính phủ cá thể hoá trách nhiệm đối với người đứng đầu các địa phương trong quản lý đất đai, kết hợp với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo hiệu quả của việc phân cấp”.

Về chỉ tiêu đất trồng lúa, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (tỉnh Nam Định) cho rằng, diện tích đất trồng lúa bị giảm sẽ dẫn đến nhiều lao động nông thôn bị thất nghiệp, trở thành lao động tự do. Thực tế sau khi có dự án thu hồi đất lúa xong nhưng bị bỏ hoang rất lãng phí, trong khi người dân không có đất sản xuất; chưa kể một số địa phương vẫn để tình trạng tự ý chuyển đổi đất lúa sang mục đích khác.

Do đó, đại biểu Mai Thị Phương Hoa đề nghị xác định rõ nguyên tắc, tiêu chí cho phép chuyển đổi đất trồng lúa, khu vực cần chuyển đổi hoặc cần giữ. “Về lâu dài, để phát triển kinh tế cần có quỹ đất dành cho khu công nghiệp, nhưng cần hạn chế thấp nhất việc chuyển đổi đất lúa sang đất khu công nghiệp vì đất này khó có thể bảo đảm quay trở lại trồng lúa. Đối với địa phương có diện tích đất trồng lúa lớn, Chính phủ cần tổng kết thực hiện chính sách hỗ trợ để đưa ra các chính sách phù hợp hơn và có giải pháp tăng giá trị lúa gạo”, đại biểu Phương Hoa nêu.

Cho rằng một số nội dung về quy hoạch, dự báo còn chưa sát thực tế dẫn tới quy hoạch treo; việc thực hiện một số chính sách đất đai còn bất cập, phát sinh nhiều đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, thỉnh cầu của người dân, đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) đề nghị cần công khai, minh bạch quy hoạch để người dân tiếp cận.

Đại biểu Mai Văn Hải đề xuất, trong giai đoạn 2021-2030 cần xem xét quy hoạch, phân bổ hợp lý các loại đất tới tận cấp tỉnh thay vì đang dừng ở quy mô vùng; qua đó các địa phương thấy rõ trách nhiệm trong triển khai thực hiện quy hoạch đất đai được phê duyệt. “Bên cạnh đó, chúng ta cần đánh giá, dự báo sát tiềm năng đất phi nông nghiệp, nhất là việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa, các loại đất khác sang đất phi nông nghiệp còn hạn chế. Cần có tiêu chí riêng cho đất ở để khai thác tối đa tiềm năng của loại đất này phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, tránh tình trạng thời gian vừa qua một số địa phương đã khai thác nguồn đất này để xây dựng nông thôn mới”, đại biểu Mai Văn Hải nêu.

Bên cạnh đó, giai đoạn 2011-2020, diện tích đất được quy hoạch làm khu công nghiệp trên 191 nghìn ha nhưng mới thực hiện được trên 90 nghìn ha. Nhưng đến giai đoạn 2021-2030, dự kiến diện tích đất quy hoạch làm khu công nghiệp là trên 210 nghìn ha. Đại biểu Mai Văn Hải đề nghị xem xét, phân bổ các loại đất quy hoạch khu công nghiệp phải có sự rà soát, đánh giá lại, xem xét tính hợp lý. “Quy hoạch rồi nhưng tổ chức triển khai thực hiện không đi vào thực tiễn sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước”, đại biểu Mai Văn Hải nêu.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: TTXVN 

Tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, đất đai là một nguồn tài nguyên đặc biệt, là không gian để phát triển. Nếu không quy hoạch sử dụng đất đai sẽ dẫn đến tình trạng các yêu cầu phát triển, đặc biệt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của chiến lược 10 năm, sẽ có độ trễ rất lớn và ảnh hưởng đến phát triển của đất nước.

Liên quan đến việc tổng kết đánh giá quy hoạch 10 năm 2010-2020, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay, quy hoạch đất đai phải đi trước một bước và là nền tảng để định hướng cho các quy hoạch và định hướng không gian. Nhưng nếu quy hoạch đất đai là một cách tiếp cận quốc gia thì không đi được vào các quy hoạch mang tính chất chuyên ngành và kỹ thuật.

Cùng với đó, các quy hoạch như xây dựng đô thị, quy hoạch tỉnh, quy hoạch hạ tầng, quy hoạch giao thông… sẽ cụ thể hóa và sẽ hiện thực hóa. Đó là các quy hoạch sử dụng đất, còn quy hoạch đất đai chỉ mang tính chất nền tảng để định hướng không gian. Trong đó, Bộ trưởng nêu rõ việc xác định, “ba ranh giới”, (ranh giới nghiêm ngặt bảo vệ, bảo tồn gồm đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, đất trồng lúa, hồ, ao, di tích lịch sử; ranh giới hạn chế phát triển như diện tích rừng tự nhiên, hành lang bảo vệ nguồn nước, đất ngập nước; ranh giới khuyến khích phát triển để chuyển đổi mục đích cho phát triển kinh tế, xã hội, huy động nguồn lực theo chế thị trường); “bốn khu vực” (khu vực bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt; khu vực ổn định, hạn chế chuyển mục đích sử dụng đất; khu vực cho phép chuyển mục đích sử dụng đất có điều kiện; khu vực được phép chuyển mục đích sử dụng đất) để định hướng không gian cho các quy hoạch.

Đặc biệt, theo Kết luận 81 của Bộ Chính trị, đất lúa đảm bảo an ninh lương thực, giữ hệ tài nguyên đất đai, giá trị đất đai đặc biệt, thổ nhưỡng đặc biệt, hàng triệu năm mới tạo ra được và khi đã thay đổi không lấy lại được. Do đó, chúng ta vẫn cương quyết giữ trên 3,5 triệu ha đất trồng lúa - không gian dự trữ cho con cháu trong nhiều thế hệ.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, hiện nay quy hoạch tổng thể quốc gia, trong đó có quy hoạch vùng đã định hướng 6 vùng và đưa ra dự thảo quy hoạch vùng. Vấn đề định hướng của 6 vùng là định hướng vào vấn đề điều kiện tự nhiên, địa lý tự nhiên, chính trị, kinh tế - xã hội và khí hậu.

Về cơ sở thực tiễn 4 chỉ tiêu các đại biểu phân tích, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định việc liên quan đến hạn chế mang tính chất hệ thống là dự báo, phương pháp quy hoạch, tính đồng bộ của hệ thống quy hoạch. Nếu quy hoạch sử dụng đất không có các quy hoạch thành phần để cụ thể hóa không thể quản lý đất đai hiệu quả.

“Nếu chúng ta không thay đổi và tiếp cận cách thức quy hoạch cứng nhắc, quy hoạch không dựa trên tĩnh và động, phân ra các vùng và quy hoạch không dựa trên xác định cơ chế thị trường thì chúng ta đang trói lại vấn đề nguồn lực sử dụng đất đai”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu.

Về hạn chế tồn tại trong thực hiện quy hoạch đất khu công nghiệp theo quy hoạch sử dụng đất đai giai đoạn 2011-2020, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết ở thời điểm đó chúng ta dự báo làn sóng đầu tư có sự chuyển dịch nhưng thực tế chưa xảy ra và cuối giai đoạn đã xảy ra khủng hoảng do dịch COVID-19.

Trong khi đó, vấn đề đầu tư công rất quan trọng nhưng để thu hút phát triển các khu công nghiệp cần đòi hỏi về mặt hạ tầng giao thông kết nối. Tuy nhiên, có nhiều vùng không có nguồn lực đầu tư công để đáp ứng đồng bộ kết cấu hạ tầng. Bên cạnh đó, công tác dự báo chưa chính xác. Trong khu công nghiệp chỉ thu hút FDI, còn ngoài khu công nghiệp và doanh nghiệp của Việt Nam dựa trên sự thỏa thuận, đầu tư sản xuất, kinh doanh ở ngoài khu công nghiệp. Bộ trưởng Trần Hồng Hà đồng tình với các ý kiến của đại biểu Quốc hội về vấn đề này và cho biết sẽ nghiêm túc xem xét lại việc quy hoạch đất khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà bày tỏ thống nhất cao với đề xuất của Quốc hội về vấn đề thể chế đối với quản lý trong quá trình xây dựng quy hoạch đảm bảo tính đồng bộ quy hoạch, sử dụng hiệu quả quy hoạch và các chế tài; các vấn đề liên quan đến xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai nói chung và dữ liệu quy hoạch nói riêng; công khai, tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch.

Sau khi xây dựng quy hoạch xong, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Chính phủ sẽ phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất 5 năm cho các địa phương, các ngành và lĩnh vực trong năm nay để các địa phương, ngành có thể thực hiện được yêu cầu phát triển kinh tế. “Tuy nhiên, chỉ quy hoạch sử dụng đất đai không đủ, phải đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch: Đô thị, xây dựng, nông thôn, giao thông, các ngành khác sử dụng đất… thì chúng ta mới có thể quản lý và kiểm soát được”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu.

Liên quan đến chuyển dịch ở các khu vực, Bộ trưởng Trần Hồng Hà bày tỏ nhất trí cần phải có những chính sách để điều tiết nguồn thu từ đất cho các địa phương hiện đang có trách nhiệm để gìn giữ, bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên như bảo vệ rừng, bảo vệ các thủy vực, vấn đề an ninh, quốc phòng...

Về việc quy hoạch sử dụng đất đai chậm, Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải thích, do có sự lệch pha giữa chiến lược phát triển kinh tế; đồng thời bày tỏ mong muốn Quốc hội sẽ cho phép có độ trễ (nhưng không quá một năm) để tiếp cận và cập nhật các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội sau khi điều chỉnh; trên cơ sở đó sẽ không có tình trạng chậm trễ.