Bài học kinh nghiệm và giải pháp trong hoạt động giám sát của Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh

(Mặt trận) - Công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền là một trong những nội dung quan trọng, trọng tâm của hệ thống Mặt trận Tổ quốc, vì vậy Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh luôn xác định trách nhiệm và chủ động tìm giải pháp để góp phần tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh, đặc biệt là khi thực hiện Chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Bắc Kạn: Hiệu quả thiết thực từ giám sát

Bình Thuận: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội

Đảng lãnh đạo phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để Nhân dân làm chủ

Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh Trần Kim Yến phát biểu tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN ngày 15/6/2017 quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Vận động nhân dân cùng tham gia giám sát

Ngay sau khi Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTUMTTQVN ngày 15 tháng 6 năm 2017 được ban hành, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố đã triển khai đến hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp Thành phố. Từ đó, đã tạo được sự thống nhất trong thực hiện quy trình giám sát, phản biện xã hội trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh.

Qua 5 năm, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp Thành phố đã giám sát đối với 1.187 văn bản của các cơ quan có thẩm quyền, qua đó đã kiến nghị 293 nội dung có liên quan đến các văn bản đã giám sát. Tổ chức giám sát thông qua thành lập Đoàn với 3.257 cuộc, với các nội dung như giám sát công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ; Giám sát công tác quản lý và cấp phép xây dựng trên địa bàn; Giám sát thực hiện Quyết định 22/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn; Giám sát lập lại trật tự lòng đường, lề đường, mỹ quan đô thị…

Để phát huy vai trò giám sát của Nhân dân theo Quy định 124-QĐ/TW của Ban Bí thư “Về giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên” gắn với Chỉ thị 19-CT/TU ngày 23 tháng 10 năm 2013 của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục thực hiện Quy chế “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư” và Quy định số 1374-QĐ/TU ngày 01 tháng 12 năm 2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước”, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố đã có nhiều hình thức để vận động Nhân dân tham gia giám sát, như: Thực hiện phiếu khảo sát lấy ý kiến người dân; vận động Nhân dân tham gia góp ý thông qua các hội nghị nhân dân định kỳ hoặc các hội nghị đối thoại, tiếp xúc giữa lãnh đạo với đại diện các giới Nhân dân...

Qua đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố đã ghi nhận, tổng hợp những ý kiến đóng góp, phản ảnh của Nhân dân liên quan đến cán bộ, công chức, đảng viên và có văn bản kiến nghị gửi Cấp ủy, Ủy ban nhân dân cùng cấp xem xét giải quyết xử lý một số trường hợp cán bộ, đảng viên, công chức vi phạm pháp luật, vi phạm về đạo đức, lối sống…

Nhằm đổi mới nội dung và phương thức giám sát, từ năm 2018 đến nay, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố triển khai giám sát kết quả đánh giá sự hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp thành phố, thông qua việc tổ chức khảo sát độc lập. Qua kết quả khảo sát, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố đã kiến nghị, đề xuất các giải pháp phù hợp, thiết thực nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ đối với người dân và tổ chức trên địa bàn thành phố, được sự đồng tình ủng hộ của các sở ngành Thành phố và Ủy ban nhân dân các cấp.

Nhằm cụ thể hóa Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12 tháng 12 năm 2013 của Bộ Chính trị khóa XI, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố đã tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Quyết định số 935-QĐ/TU ngày 28 tháng 4 năm 2017 về Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu chính quyền các cấp với nhân dân trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh; Quyết định số 936-QĐ/TU ngày 28 tháng 4 năm 2017 về việc Quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tiếp thu góp ý của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và Quyết định số 994-QĐ/TU ngày 25 thang 5 năm 2017 về việc ban hành Quy chế lấy ý kiến nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan có liên quan góp ý các chủ trương chính sách của cấp ủy và chính quyền các cấp trước khi ban hành, đồng thời xây dựng hướng dẫn thực hiện đối với từng nội dung của Quyết định.

Qua thời gian triển khai thực hiện, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp Thành phố đã phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện các nội dung thuộc trách nhiệm của mình đạt được nhiều kết quả như: phối hợp tổ chức Hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu chính quyền với Nhân dân; phối hợp tổ chức Hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa Bí thư Quận ủy với đoàn viên thanh niên trên địa bàn quận; xây dựng kế hoạch thành lập Đoàn giám sát kết quả giải quyết các kiến nghị sau tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của Bí thư Quận ủy và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận với Nhân dân trên địa bàn; phối hợp tổ chức Hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu chính quyền với Nhân dân tại từng xã, thị trấn trên địa bàn; phối hợp tổ chức Hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu chính quyền với đoàn viên, hội viên các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn...

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh cùng đại diện các sở, ngành, địa phương và các chuyên gia giám sát tình hình đầu tư công đối với các dự án hạ tầng trọng điểm của thành phố. 

Thực hiện Nghị quyết 131/2020/QH14 của Quốc hội về tổ chức Chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo đó không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố đã tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Đề án số 06-ĐA/TU “Nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố và Nhân dân giám sát tổ chức đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030” được thông qua tại Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025, đồng thời tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 20 tháng 8 năm 2021 về lãnh đạo thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU, đây là văn bản quan trọng, là cơ chế, giải pháp để hệ thống Mặt trận Tổ quốc từ thành phố đến cơ sở tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác giám sát góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Một trong những nội dung quan trọng được quy định trong Đề án 06 là đưa nội dung thực hiện các kết luận sau giám sát vào đánh giá, xếp loại tổ chức cơ sở đảng, đảng viên hằng năm và không đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đối với tập thể, cá nhân không thực hiện những kiến nghị sau giám sát, đồng thời quy định Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức Hội nghị nhân dân định kỳ hàng tháng đối với Phường, hàng quý đối với Quận, đây là hình thức, giải pháp nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân khi không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường.

Song song đó, nhằm tăng cường giám sát đối với Cấp ủy và các cơ quan chuyên môn của Cấp ủy, Đề án cũng phân ra 2 giai đoạn để từng bước triển khai thực hiện có hiệu quả, trong đó giai đoạn 2021 – 2025: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cấp trên giám sát Ban thường vụ cấp ủy, Ủy ban nhân dân cấp dưới; các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp; người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu Ủy ban nhân dân cấp dưới, đồng thời mở rộng giám sát cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên;…

Qua triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy đến nay, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố đã tổ chức 333 cuộc giám sát chuyên đề, phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức hội nghị nhân dân định kỳ hàng tháng đối với Phường, hàng quý đối với Quận, qua đó đã tổ chức 1.182 Hội nghị nhân dân, có 104.568 lượt người tham dự, có 11.182 lượt ý kiến tập trung các nội dung như thực hiện chính quyền đô thị, bảo dưỡng camera an ninh, sắp xếp khu phố, tổ dân phố, cải tạo tuyến đường, tuyến hẻm, an ninh trật tự, môi trường, trật tự lòng lề đường, xây dựng, công tác vận động Nhân dân...

Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh Trần Kim Yến phát biểu tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN ngày 15/6/2017 quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 

5 bài học kinh nghiệm

Qua 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTUMTTQVN ngày 15 tháng 6 năm 2017, nhìn chung hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc thành phố đạt được nhiều kết quả quan trọng, đối tượng giám sát đã được xác định cụ thể hơn để từ đó xây dựng nội dung giám sát phù hợp.

Về hình thức giám sát, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp của thành phố đã tăng cường các hoạt động giám sát độc lập như thành lập các đoàn giám sát. Qua hoạt động giám sát đã giúp cho chính quyền các cấp thấy được những tồn tại, hạn chế, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân; đồng thời Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

Một là, nội dung giám sát không thực hiện dàn trải, cần xác định trọng tâm, trọng điểm; rõ đối tượng, nội dung, phạm vi giám sát cụ thể, xuất phát từ lợi ích hợp pháp và chính đáng của người dân; phải có quyết tâm cao, mạnh dạn, sáng tạo trong cách làm, không ngại đụng chạm; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, kiên trì đeo bám và giám sát có hiệu quả. Đồng thời thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp là điều kiện quan trọng để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp hoàn thành chức năng, nhiệm vụ theo luật định.

Hai là, Việc chuẩn bị giám sát, phải thu thập thông tin, khi cần thiết có thể tổ chức đi khảo sát, tìm hiểu thực tiễn để nắm tình hình một cách cụ thể chính xác, để nắm chắc đối tượng cần giám sát để có ý kiến, kiến nghị cụ thể, sắc nét và thuyết phục. Bên cạnh đó cũng cần liên hệ với cơ quan chức năng, chuyên gia ở lĩnh vực giám sát để nắm thêm tình hình, cơ sở pháp lý nhằm phục vụ cho việc kiến nghị.

Ba là, Trong tình hình hiện nay, để tăng cường hoạt động giám sát Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố nên tổ chức các Đoàn đi giám sát độc lập, kinh nghiệm cho thấy hình thức này hiệu quả hơn, trong đó, việc thành lập đoàn giám sát là hết sức quan trọng. Ngoài các thành phần chuyên trách của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, có thể mời các chuyên gia, nhà khoa học có liên quan đến vấn đề giám sát. Đồng thời, có thể mời các cơ quan chức năng cùng dự để trả lời, giải quyết ngay các kiến nghị, những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, bất cập do đoàn giám sát phát hiện hoặc do chính người dân phản ánh.

Bốn là, Ngay sau khi kết thúc giám sát phải có ngay văn bản kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền, trong đó cần kiến nghị với Cấp ủy và Ủy ban nhân dân cùng cấp.

Năm là, Sau khi kiến nghị và nhận được văn bản trả lời của cơ quan có thẩm quyền thì hệ thống Mặt trận cần tiếp tục theo dõi việc giải quyết những tồn tại, hạn chế tránh tình trạng không theo dõi, đánh giá dễ gây mất niềm tin trong dân.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh cùng đại diện các sở, ngành, địa phương và các chuyên gia giám sát tình hình đầu tư công đối với các dự án hạ tầng trọng điểm của thành phố. 

Giải pháp nhằm nâng cao vai trò giám sát, phản biện của MTTQ các cấp

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTUMTTQVN ngày 15 tháng 6 năm 2017 quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đòi hỏi sự thống nhất nhận thức và trách nhiệm của toàn thể hệ thống chính trị, sự lãnh đạo chặt chẽ, kịp thời của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi của chính quyền các cấp, để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố tiếp tục tổ chức thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đạt kết quả cao trong thời gian tới. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất, kiến nghị một số nội dung sau:

Một là, cần tiếp tục tăng cường các hoạt động giám sát việc thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân, đến phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, đặc biệt đối với lĩnh vực đất đai, quy hoạch, đền bù giải tỏa mặt bằng.

Hai là, vận động Nhân dân tích cực tham gia giám sát xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh, tích cực tham gia công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tập trung giám sát phát hiện, góp phần ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết công việc với người dân. Quan tâm giám sát các lĩnh vực văn hóa - giáo dục - y tế - bảo vệ môi trường nhằm góp phần cùng các ngành chức năng chăm lo ngày càng tốt hơn cuộc sống của Nhân dân thành phố.

Ba là, cần tổ chức giám sát thông qua việc nắm bắt tình hình các tầng lớp Nhân dân, qua đó lựa chọn một số vụ việc phức tạp, bức xúc, giải quyết kéo dài để nghiên cứu, giám sát và kiến nghị chính quyền các cấp quan tâm giải quyết; đồng thời giám sát việc giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền đối với các vụ việc mà Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kiến nghị, qua đó góp phần xây dựng chính quyền, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.

Bốn là, quan tâm đổi mới công tác tiếp dân phù hợp với những quy định mới của pháp luật về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác tiếp dân; theo dõi, giám sát các cơ quan chức năng giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân theo kiến nghị của Mặt trận; đồng thời tăng cường công tác giám sát việc thực thi pháp luật về khiếu nại, tố cáo của chính quyền cùng cấp, nhất là trong công tác tiếp dân, giải quyết các đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân, nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo kéo dài và vượt cấp.

Năm là, tiếp tục quan tâm củng cố, kiện toàn, chỉ đạo về tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; tập trung đẩy mạnh hoạt động giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật có liên quan trực tiếp đến đời sống Nhân dân ở cơ sở.

Sáu là, nghiên cứu kinh phí hỗ trợ tương xứng trong phát huy vai trò và trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học tham gia hoạt động giám sát, phản biện xã hội.

Cuối cùng, cần xem xét nâng hoạt động giám sát, phản biện xã hội thành Luật, trong đó cần quy định hoạt động phản biện xã hội là một trong những quy định bắt buộc khi ban hành một văn bản Quy phạm pháp luật, đồng thời cần quy định chế tài cụ thể về trách nhiệm, thời hạn gửi dự thảo văn bản đề nghị phản biện xã hội và việc giải trình, tiếp thu ý kiến, trách nhiệm trả lời các kiến nghị sau giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội của các cơ quan được giám sát.