Việt Nam có cơ hội tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để bứt phá

(Mặt trận) - Chiều 30/10, Bộ Ngoại giao phối hợp UBND TPHCM tổ chức hội nghị kiều bào đóng góp ý kiến về chuyển đổi số và khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phát triển kinh tế Việt Nam. Tham dự có các đồng chí: Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, theo dõi và chỉ đạo Đảng bộ TPHCM; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; Đặng Minh Khôi, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài; Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP…

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài

Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga kỷ niệm 20 năm thành lập và tổ chức Đại hội lần thứ IV

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản

Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: Tự Trung) 

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên tri thức

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết: Bước vào thập kỷ thứ ba của thế kỷ XXI, chúng ta chứng kiến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, đang mở ra một thời kỳ phát triển hoàn toàn mới cho nhân loại - đó là kỷ nguyên số, với những thay đổi, chuyển biến sâu rộng chưa từng có, diễn ra trên mọi lĩnh vực của đời sống và ở mọi khu vực trên thế giới. Nhiều dự báo cho rằng, 5 - 10 năm tới là giai đoạn rất quan trọng của quá trình chuyển đổi số và chỉ trong 2 - 3 năm tới, sự phổ cập nhanh chóng của công nghệ 5G sẽ tạo thêm những đột phá rất sâu rộng về quy mô và tốc độ của thông tin, xu thế toàn cầu hóa, sự phát triển của các quốc gia, tương quan sức mạnh và quan hệ các quốc gia.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, đất nước ta đang đứng trước những vận hội mới để bứt phá, phát triển nhanh và bền vững. Việt Nam bước vào giai đoạn chiến lược mới - giai đoạn đổi mới toàn diện, chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế sâu rộng. Với lợi thế của nước đi sau, đi thẳng vào những lĩnh vực mới của nền kinh tế số, Việt Nam có cơ hội tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để bứt phá, từ một quốc gia có thu nhập trung bình trở thành một quốc gia có thu nhập cao, bằng cách chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ tăng trưởng dựa trên năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) sang tăng trưởng dựa vào tri thức.

“Nhận thức rõ cơ hội này, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” - Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh.

Đại biểu tham quan các sản phẩm công nghệ trưng bày tại hội nghị. (Ảnh: Tự Trung) 

Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cho rằng: Việt Nam đã không chỉ trở thành quốc gia thành công nhất trong việc khống chế và đẩy lùi đại dịch, mà còn tận dụng tốt cơ hội này để triển khai chuyển đổi số quốc gia. Giai đoạn vừa qua, đã chứng kiến sự chuyển biến lớn trong việc ứng dụng công nghệ vào các hoạt động khối cơ quan Chính phủ, đặc biệt là khối y tế, giáo dục. Các DN đã chủ động ứng dụng công nghệ, thay đổi cách thức, mô hình hoạt động để thích ứng và phát triển. Việt Nam là một trong số ít quốc gia phát triển nhiều ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhất trong phòng chống Covid. Đã có gần 1.000 cá nhân đến từ hàng chục công ty công nghệ, cùng nhau xây dựng hơn 20 ứng dụng nhằm phục vụ người dân, xã hội, phục vụ các cơ quan chức năng.

Vì vậy, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đề nghị các chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào cùng với đại diện các Bộ, ngành, địa phương, DN trao đổi, thảo luận, đóng góp những ý kiến thiết thực để thực hiện mục tiêu kép, vừa khắc phục tác động của đại dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội nước nhà. Đó là chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức, tư duy. Đồng thời, thể chế là động lực của chuyển đổi số. Trong đó, cần trao đổi sâu, đưa ra khuyến nghị để hoàn thiện, kiến tạo thể chế theo hướng khuyến khích, sẵn sàng chấp nhận giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh số, thúc đẩy phương thức quản lý mới đối với những mối quan hệ mới phát sinh. 

Mặt khác, chuẩn bị nguồn nhân lực để phát triển nền kinh tế số, xã hội số, không ai bị bỏ lại phía sau. Hiện nay, thiếu hụt nguồn nhân lực vẫn là điểm nghẽn cản trở tiến trình chuyển đổi số của nước ta. Theo dự báo, để phục vụ nhu cầu chuyển đổi số, chúng ta hiện còn thiếu ít nhất 400.000 nhân lực CNTT, trong khi đó, các chương trình đào tạo ngành CNTT trong nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Bên cạnh đó, đóng góp ý kiến để TPHCM đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới dựa trên tri thức, tận dụng các cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn.

Xây dựng các trung tâm phát triển khoa học - công nghệ tại các vùng

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài Đặng Minh Khôi tặng hoa, quà lưu niệm cho các diễn giả tham gia hội nghị. 

Tại hội nghị, các chuyên gia, kiều bào đã nêu nhiều ý kiến, đóng góp cho việc chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong quá trình phát triển đất nước và TPHCM. TS Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty TMA Solutions đề xuất nhà nước cần tăng ngân sách để đẩy nhanh quá trình xây dựng chính phủ điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, kết nối các cơ quan, các bộ ngành, triển khai 5G, khuyến khích họp trực tuyến…

Đồng thời, xây dựng các trung tâm phát triển khoa học - công nghệ, công viên phần mềm tại các vùng (miền Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng Sông Cửu Long, miền núi phía Bắc) để thúc đẩy ứng dụng công nghệ giải quyết các bài toán tại địa phương.

Bên cạnh đó, để nhanh chóng giảm khoảng cách về công nghệ bằng cách phát huy nguồn lực chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam tại nước ngoài về các công nghệ mới, công nghệ 4.0, Nhà nước nên có chính sách cụ thể (visa, trọng dụng và đãi ngộ…) để thu hút các chuyên gia về nước tham gia phát triển đất nước. Ngoài ra, TPHCM phải sẵn sàng để đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư từ nước ngoài, trong đó ngoài nguồn nhân lực tại chỗ cần làm việc với các tỉnh lân cận để tìm nguồn nhân lực phục vụ cho các nhà đầu tư.

Tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM Nguyễn Thiện Nhân khuyến nghị tăng cường sản xuất trong nước. Đồng thời, khẩn trương số hóa tài nguyên dữ liệu của các DN, Chính phủ. Trong đó, suy nghĩ để hình thành giải pháp số hóa chi phí thấp cho tất cả các DN và từng ngành nghề như y tế, giao thông, đất đai…

Mặt khác, có giải pháp hỗ trợ tài chính về số hóa mà giảm rủi ro cho ngân hàng. Theo đó, các ngân hàng ngồi lại với nhau, ngồi với từng DN, từng nhóm ngành xác định ngành này số hóa thì mức độ rủi ro tới đâu để các ngân hàng có chính sách hỗ trợ cho vay số hóa theo từng nhóm ngành chứ không cho vay tổng quát.

Bên cạnh đó, cung cấp giải pháp số hóa cho các bài toán quản lý, dịch vụ. Các DN cung cấp giải pháp nên tận dụng thời cơ này. Đẩy nhanh cung cấp các giải pháp số hóa cho quản lý DN, quản lý Nhà nước, cung cấp dịch vụ cho từng ngành nghề.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, theo dõi và chỉ đạo Đảng bộ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị. 

Triển khai ngay những ý tưởng để đưa vào cuộc sống

Phát biểu bế mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm cho biết: Sau hội nghị, Bộ Ngoại giao và TPHCM tổng hợp các ý kiến đóng góp đề xuất của các đại biểu báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh. Trước mắt, Bộ Ngoại giao, lãnh đạo TPHCM sẽ chỉ đạo cho các sở, ngành liên quan cùng Bộ tiếp thu và triển khai ngay những ý tưởng để đưa vào cuộc sống.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi tất cả các ngành, lĩnh vực phải thay đổi, phải thực hiện công cuộc chuyển đổi số để thích ứng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ. “Công cuộc chuyển đổi số không còn là việc riêng của một cá nhân, một tổ chức, hay DN nào mà tất cả phải thay đổi nếu không muốn tụt lại phía sau, ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của DN” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm.

Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến nền kinh tế và mọi mặt đời sống xã hội. Trước tình hình đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phấn đấu đạt được các chỉ tiêu phát triển kinh tế năm 2020 ở mức cao nhất có thể. Do đó, giải pháp đặt ra là đẩy mạnh phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ.