Tâm đắc với cam kết của Thủ tướng, kiều bào hiến kế, trở về quê hương

(Mặt trận) - Nhiều kiều bào là những tài năng người Việt đã gặt hái thành công, khẳng định tên tuổi trên trường quốc tế mong muốn tiếp tục kết nối, đưa những tiến bộ, những sáng kiến đóng góp cho đất nước phát triển.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đoàn đại biểu cấp cao Đảng Nhân dân Campuchia

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gặp mặt, vinh danh 8 tập thể, 18 cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu năm 2024

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến gửi điện mừng tới Chủ tịch Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc Vương Hộ Ninh

Tiến sĩ Nguyễn Thúy Anh 

Cuộc gặp mặt của đại diện hơn gần 60 kiều bào từ gần 23 quốc gia, vùng lãnh thổ nhân dịp Xuân Quê hương 2022 với các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam diễn ra trong bầu không khí thân mật, vui tươi và ấm cúng.

Những trăn trở trong cộng đồng tại nước sở tại rồi đến những tâm tư tình cảm với đất nước được các kiều bào chia sẻ chân thành.

Muốn sát cánh cùng Chính phủ hiện thực hóa các mục tiêu

“Mọi năm, gia đình tôi sẽ hỏi Tết này con có về Việt Nam hay không. Nhưng dịp Tết này chưa cần lời từ gia đình tôi quyết định định trở về làm việc trong nước”, Tiến sĩ Nguyễn Thúy Anh, Đại học California Davis (Mỹ) nói trong cuộc gặp thân tình với Thủ tướng Chính phủ.

Nêu ý nghĩa của lần trở về, chị Nguyễn Thúy Anh cho biết đây là năm đầu tiên sau 10 năm sinh sống, công tác tại Mỹ chị đưa ra quyết định này.

“Mỗi người có thể có nhiều sự lựa chọn nơi sinh sống, học tập, làm việc nhưng gốc rễ, quê hương chỉ có một. Chính vì vậy tình yêu nước, lòng tự tôn dân tộc luôn trong trái tim mỗi người Việt. Chỉ cần khơi gợi và tạo điều kiện thì lòng yêu nước sẽ trở thành nguồn lực lớn đưa đất nước phát triển", chị Thuý Anh bày tỏ.

Chị cũng tự “thú nhận” quyết định trở về Việt Nam lần này do ảnh hưởng bởi một chuỗi các sự kiện trong năm 2018. Đó là lần đầu tiên Chính phủ tổ chức diễn đàn tri thức trẻ Việt Nam toàn cầu với 100 các nhà khoa học trẻ Việt Nam trên khắp thế giới và chị cũng tham gia. “Sau sự kiện đó, sự kết nối của mình với quê hương tăng lên rất nhiều với nhiều dự án hợp tác các tổ chức của Việt Nam”, chị nói và cho biết một làn sóng các nhà khoa học trẻ, những người trẻ quay trở lại Việt Nam để khởi nghiệp.

Nữ tiến sĩ cho rằng đây là dấu ấn và nỗ lực của Chính phủ khi giang tay chào đón và thúc đẩy nguồn lực từ nước ngoài. Chị cũng mong muốn Chính phủ sẽ tổ chức thêm nhiều chương trình như vậy để gắn kết các nhà khoa học trẻ toàn cầu chung sức đưa Việt Nam phát triển hơn.

Là một người trẻ được đào tạo chuyên ngành về chính sách công, môi trường, biến đổi khí hậu, Tiến sĩ Thúy Anh bày tỏ sự tâm đắc với những cam kết của Thủ tướng, của Chính phủ tại hội nghị COP26 (Anh) về biến đổi khí hậu toàn cầu.

Tâm đắc những điều đó làm chị thôi thúc một suy nghĩ muốn đồng hành, góp sức nhỏ bé cùng với Chính phủ để hiện thực hoá mục tiêu này.

Việt Nam hiện nay đang đối diện với nhiều thách thức về môi trường, theo Tiến sĩ Thúy Anh hệ thống chính sách và cơ sở pháp lý cần phải được hoàn thiện hơn. Chị đề xuất, có thể xây dựng, củng cố thêm Luật bảo vệ môi trường, đầu năm nên đưa ra những kế hoạch về môi trường để thực thi chuyển đổi nền kinh tế nâu sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn….

Chị Hồng Shurany. 

Cũng góp ý về vấn đề môi trường, khí hậu, thổ nhưỡng trong cuộc gặp với Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, kiều bào Hồng Shurany (Trương Thị Hồng) tâm sự chị dành nhiều năm để tìm hiểu về nông nghiệp Israel và nhận thấy sự tương đồng với sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Chị đề xuất đưa nền nông nghiệp công nghệ cao của Israel hiện diện tại Việt Nam.

“Tôi đã làm được một phần nhỏ nhưng chưa được nhiều do thời gian qua gặp khó khăn, một trong số đó là thủ tục hành chính”, nữ kiều bào kiến nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ để đưa công nghệ, giống của Israel về nước. Chị cho rằng, các địa phương của Việt Nam có thể hợp tác chặt chẽ với Israel để tạo ra những giải pháp mới trong nông nghiệp về đất, giống, lưu giữ giống bản địa trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới để tạo ra năng suất cao.

Ở quốc gia này, Chính phủ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nông nghiệp.

Hiện tại công ty của chị đang triển khai dự án cây giống ở 6 tỉnh Tây Nguyên. “Để nền nông nghiệp của Việt Nam có bước phát triển đột phá, lan tỏa giá trị, sánh vai với sản phẩm nông nghiệp của các nước trên thế giới, tôi hy vọng sẽ có thêm các chính sách hỗ trợ từ trong nước cũng như đẩy mạnh tinh thần đoàn kết của các kiều bào hơn nữa”, kiều bào Hồng Shurany nói.

Ngoài ra, chị Hồng Shurany mong muốn Việt Nam tiếp tục thích ứng hiệu quả với dịch Covid-19 để các kiều bào ở Israel nói riêng và hơn 5,3 triệu kiều bào trên toàn thế giới thường xuyên trở về quê hương tìm kiếm cơ hội đầu tư, phát triển kinh tế.

Đề xuất "gỡ khó" trong vấn đề công nghệ

Tiến sĩ Nguyễn Duy Lân 

Giãi bày với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Tiến sĩ Nguyễn Duy Lân, kiều bào Mỹ, đồng sáng lập và Phó Tổng Giám đốc Công ty Veramine Inc đã có những chia sẻ về vấn đề phát triển và ứng dụng các sản phẩm bảo mật, an ninh mạng. Anh là chuyên gia từng hỗ trợ nền tảng bảo mật cho các Bộ ngành của Việt Nam, có nhiều bằng sáng chế quốc tế trong lĩnh vực bảo mật và là thành viên Ban Mật mã của Microsoft.

Cho biết vai trò quan trọng của an ninh mạng đối với kinh tế, an ninh quốc phòng đặc biệt trong thời đại công nghệ số, Tiến sĩ Nguyễn Duy Lân cho rằng có những “tài sản số” có giá trị rất lớn như những trung tâm dữ liệu, đường truyền viễn thông, tài chính ngân hàng…cần được bảo vệ.

Nói về phát triển an ninh mạng ở Việt Nam, anh Lân có 3 đề xuất đó là chính sách, con người và công nghệ.

Chuyên gia về bảo mật hy vọng những công ty an ninh mạng trong nước sẽ có những sản phẩm phục vụ cho thị trường nội địa và xuất khẩu ra nước ngoài. Anh đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu và đề ra chính sách, luật lệ để vừa bảo vệ an ninh mạng và có thể tạo nền tảng phát triển ngành công nghiệp an ninh mạng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Về con người, anh cho rằng cần có chiến lược đào tạo theo hai hương đó là phổ cập kiến thức cơ bản cho tất cả người dùng giống như thi bằng lái xe khi tham gia giao thông. Hướng thứ hai đào tạo chuyên gia bảo mật trình độ cao, tạo được cơ chế để đảm bảo cuộc sống và làm việc cho đội ngũ này chuyên tâm vào an ninh mạng.

Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc Trần Thiện Quang 

Còn anh Trần Thiện Quang, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc, một kiều bào đã sinh sống ở Hàn Quốc 10 năm bày tỏ niềm vinh dự khi lần đầu tiên được tham gia vào đoàn kiều bào tiêu biểu dự chương trình Xuân Quê hương.

“Đây cũng là một dịp đặc biệt vì sau 2 năm, do dịch Covid-19 trở về quê ăn Tết là điều rất xa xỉ. Sau 2 năm khó khăn không thể về quê ăn Tết, có dịp đặc biệt được về đón Tết trong một không khí rất ấm áp, được chứng kiến sự đón tiếp nồng hậu từ lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ, được nhìn thấy những thành quả hết sức to lớn của đất nước khi đã khống chế được dịch Covid-19, tôi thực sự vui mừng và xúc động”, anh bày tỏ.

Hiện các nước phát triển đã có sự đầu tư về hạ tầng kỹ thuật, kỹ thuật số băng thông, nền tảng đó đã hỗ trợ cho Chính phủ phục vụ được nhân dân, anh Quang nhận định Việt Nam có thể đầu tư hơn nữa về hạ tầng kỹ thuật điện tử, đặc biệt là trong mảng hành chính thì sẽ giúp đỡ được rất nhiều cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính. Anh cùng một số kiều bào khác mong Chính phủ Việt Nam có thể giảm tải hơn nữa thủ tục hành chính để người dân có thể giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng.

Trong tương lai gần, anh Quang dự định tiếp tục ở lại Hàn Quốc làm việc nhưng tương lai xa, chắc chắn sẽ trở về Việt Nam để đóng góp cho đất nước.