Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát huy vai trò nhà khoa học, trí thức kiều bào hướng về xây dựng Tổ quốc

(Mặt trận) - Việc tập hợp, đoàn kết và tuyên truyền, vận động người Việt Nam ở nước ngoài trong đó có vận động, tập hợp các nhà khoa học, trí thức kiều bào hướng về xây dựng quê hương đất nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến tiếp Đại sứ Cuba tại Việt Nam

Thủ tướng gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Qatar

Thủ tướng yêu cầu nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả nhất trong bảo hộ công dân

 

VẬN ĐỘNG, PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA TRÍ THỨC KIỀU BÀO

Để triển khai, thực hiện tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Kết luận và Chương trình hành động của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về “Tăng cường tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới”. Nghị quyết của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX (2019-2024) xác định tiếp tục thực hiện Chương trình hành động "Tuyên truyền, tập hợp, đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới".

Trong quá trình triển khai thực hiện đề án, chương trình hành động, Nghị quyết Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đưa vào chương trình phối hợp thống nhất hành động hàng năm về công tác đối ngoại nhân dân và công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Sự phối hợp giữa Ban Thường trực với các tổ chức thành viên trong tập hợp, đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài đã đạt được một số kết quả như sau:

Thứ nhất, thông tin, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chương trình, lời kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đều xây dựng kế hoạch cụ thể nội dung công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chương trình, lời kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Qua đó, mỗi cơ quan, tổ chức chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, các Hội, đoàn của người Việt Nam ở nước ngoài trong việc cung cấp thông tin về tình hình trong nước, nội dung trọng tâm công tác và định hướng thông tin, dư luận.

Thứ hai, phối hợp thực hiện công tác vận động, tập hợp đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên chủ động phối hợp triển khai và phổ biến các nội dung, phương hướng, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết 36-NQ/TW, ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Kết luận Số 12-KL/TW, ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài và Chỉ thị số 45/CT-TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 26/3/2004 tới các đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp triển khai một số hoạt động có sức lan tỏa lớn trong xã hội. Đó là hoạt động giao lưu “Kết nối và Chia sẻ 2016” dành cho nữ kiều bào và phụ nữ Việt Nam kết hôn quốc tế đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức thành công Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu tại Việt Nam với chủ đề “Phát huy sức mạnh trí thức trẻ Việt Nam trong kỷ nguyên 4.0” với sự tham gia của hơn 200 trí thức trẻ Việt Nam đang sinh sống và làm việc từ 21 quốc gia, thuộc 52 chuyên ngành đã thảo luận về tầm nhìn, sứ mệnh, vai trò và khả năng đóng góp của đội ngũ trí thức trẻ người Việt trong công cuộc kiến thiết và phát triển đất nước. Từ đó, đề xuất các cơ chế thu hút, phát huy người tài một cách thiết thực, hiệu quả nhằm khuyến khích trí thức trẻ người Việt chủ động, nỗ lực cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp đổi mới sáng tạo của đất nước. Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II năm 2019 với chủ đề “Trí thức trẻ Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước” với hơn 100 đại biểu là trí thức trẻ Việt Nam đang học tập, nghiên cứu, làm việc tại 23 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Diễn đàn “Chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế của Việt Nam giai đoạn 2016-2020”, tổ chức gặp mặt và tặng quà lưu niệm cho 70 đại biểu chuyên gia, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài; tổ chức Hội nghị Tọa đàm “ Người Việt Nam ở nước ngoài với tâm huyết phát triển đất nước thời kỳ hội nhập quốc tế” nhằm lắng nghe, chia sẻ sáng kiến, kinh nghiệm, phát huy tiềm năng trí tuệ của các chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài và nguồn vốn của kiều bào xây dựng đất nước thời kỳ hội nhập.

KHAI THÁC NGUỒN LỰC TRI THỨC CỦA CỘNG ĐỒNG PHỤC VỤ SỰ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC

Để phát huy các tiềm năng thế mạnh của đội ngũ trí thức, khoa học người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), cần triển khai các biện pháp trọng tâm như sau:

Một là, tiếp tục triển khai các biện pháp tranh thủ, thu hút sự hợp tác, đóng góp của trí thức, doanh nhân kiều bào trên các lĩnh vực: tư vấn trong hoạch định chính sách phát triển đất nước, nhất là trong các ngành kinh tế, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo; trực tiếp tham gia nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý, giáo dục - đào tạo; làm cầu nối hợp tác, tìm kiếm nguồn đầu tư quốc tế cho lĩnh vực khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực trong nước... Khuyến khích các hình thức tập hợp của trí thức, doanh nhân kiều bào; nghiên cứu khả năng hình thành các “Think Tank”, các nhóm tư vấn chung, tư vấn chuyên ngành... Tiến hành khảo sát, tập hợp các trí thức, chuyên gia có kinh nghiệm và chuyên môn giỏi có thể đáp ứng được yêu cầu từng lĩnh vực trong nước. Đồng thời, có chính sách đãi ngộ thoả đáng nhằm tạo điều kiện thuận lợi để bà con phát huy khả năng đóng góp.

Hai là, đẩy mạnh các biện pháp tranh thủ tiềm lực kinh tế của NVNONN, tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn trí thức, doanh nhân NVNONN tham gia xây dựng đất nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kiều bào tham gia đầu tư vào chương trình kinh tế trọng điểm của ngành và địa phương; có cơ chế linh hoạt nhằm thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn kiều hối.

Ba là, tập trung khai thác nguồn lực tri thức của cộng đồng phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, cụ thể:

Các cấp, các ngành cần tăng cường quán triệt tinh thần Nghị quyết của Đảng ta, xác định người Việt Nam ở nước ngoài là “nguồn lực của cộng đồng dân tộc”, từ đó, tập trung hơn nữa để có đánh giá đúng, trân trọng năng lực, kết quả nghiên cứu, ý kiến đóng góp của trí thức kiều bào, có ý kiến phản hồi, thông tin về kết quả ứng dụng.

Xây dựng hệ thống văn bản, nghị định, quy chế, hướng dẫn cụ thể nhằm thu hút hiệu quả và sự tham gia rộng rãi của lực lượng trí thức kiều bào, phối hợp với đội ngũ trí thức trong nước để triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ phù hợp với nhiệm vụ của từng địa phương. Cho phép và hỗ trợ xây dựng các tập đoàn khoa học công nghệ tư nhân mạnh với mô hình tổ chức mới hiệu quả, chủ động trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ, tạo điều kiện làm việc và phát huy khả năng sáng tạo của lực lượng tri thức kiều bào cho đất nước, làm đầu tàu cho phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xác định rõ các nhiệm vụ khoa học công nghệ cũng như năng lực, vị trí tham gia của các trí thức kiều bào trong từng chuyên ngành, dự án khoa học công nghệ cụ thể cần sự tham gia của trí thức kiều bào.Tạo điều kiện để các nhà khoa học đầu ngành và chuyên gia cao cấp là trí thức kiều bào làm chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm dưới sự chủ trì của nhà nước và các bộ ban ngành. Giao nhiệm vụ khoa học công nghệ gắn với trách nhiệm và quyền lợi trực tiếp cho các trí thức kiều bào có tâm huyết và năng lực triển khai các dự án khoa học công nghệ tại Việt Nam. Đầu tư xây dựng một số phòng thí nghiệm trọng điểm, tiến tới xây dựng một số viện nghiên cứu ứng dụng công nghệ, trường đại học công nghệ và khu công nghiệp công nghệ cao với sự tham gia trực tiếp điều hành và triển khai các dự án khoa học công nghệ của trí thức kiều bào tại Việt Nam.

Cần có biện pháp vận động khác nhau, phù hợp đối với mỗi bộ phận trí thức kiều bào. Số trí thức ở độ tuổi nghỉ hưu tích lũy được nhiều kinh nghiệm chuyên môn, có vị trí xã hội và quan hệ nghề nghiệp, có nhiều thời gian và có thể đi về Việt Nam dễ dàng, tình cảm gắn bó nhiều với quê hương, không nặng về đãi ngộ vật chất. Số trí thức kiều bào trẻ có nhiều người thành đạt, có điều kiện cập nhật tri thức, công nghệ mới, nhưng do sức ép công việc, thiếu thông tin, lại có rào cản là không nói được tiếng Việt, ít hiểu biết về văn hóa Việt nên ít liên hệ với thân nhân và đất nước. Số sinh viên, lưu học sinh trong nước sang và ở lại làm việc, số này có nhiều liên hệ và thông tin với trí thức cả ở trong và ngoài nước.

Phát huy vai trò tại chỗ của trí thức người Việt, thông qua các đề án được đặt hàng, giúp tạo các mối liên kết, hợp tác giữa các cơ sở trong nước với sở tại; tăng cường khai thác hình thức gửi báo cáo chuyên đề, kiến nghị về đường lối chính sách phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nghiên cứu, hỗ trợ đào tạo lớp trí thức kiều bào trẻ cũng như lưu học sinh của ta, nhất là đối với hàng ngũ các giám đốc nghiên cứu, các giảng viên đại học.

Xây dựng đầu mối chuyên trách trong nước có vai trò kết nối giữa các nhu cầu và các nguồn nhân lực; với chức năng liên kết hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong công tác vận động, thu hút chuyên gia, trí thức kiều bào, đồng thời, tập hợp các thông tin, dữ liệu về chuyên gia trí thức kiều bào và thông tin về nhu cầu hợp tác, đóng góp của trong nước, khớp nối các thông tin này và cụ thể hóa thành các chương trình hợp tác của trí thức kiều bào với các cơ sở trong nước. Cần xem xét thành lập một Ban tư vấn kiều bào trực thuộc Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và huy động đóng góp ý kiến đối với các dự thảo văn bản pháp luật, những chủ trương chính sách lớn, trong đó có chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài.