Yên Châu đầu tư hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhiều công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng, nâng cao đời sống của nhân dân.

Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang thăm, tặng quà cho người uy tín huyện Yên Sơn

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

 Nhà văn hóa bản Khá, xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu được đầu tư xây dựng khang trang.

Ông Lê Huy Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, cho biết: Huyện Yên Châu có 15 xã, thị trấn, trong đó 7 xã khu vực III, 91 bản khó khăn; đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 82% dân số. UBND huyện chỉ đạo tập trung nguồn vốn đầu tư xây dựng dự án, công trình cấp thiết cho người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, như cứng hóa hệ thống đường giao thông nông thôn, nước sinh hoạt, hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, nhà văn hóa xã, bản... Chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã có công trình xây dựng tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện hiến đất đảm bảo tiến độ các công trình. Đồng thời, phát huy vai trò MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội của xã, bản và nhân dân trong giám sát tiến độ, chất lượng công trình...

Trong giai đoạn 2021-2023, tổng nguồn vốn huyện Yên Châu được giao thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hơn 144,5 tỷ đồng. Trong đó, hơn 52,4 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đến nay, huyện đã đầu tư xây dựng 22 công trình; duy tu, bảo dưỡng 15 công trình tại 10 xã đặc biệt khó khăn và 1 bản đặc biệt khó khăn thuộc xã vùng I; xây dựng, cải tạo nâng cấp chợ các xã Chiềng On, Yên Sơn… Hiện nay, tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được bê tông hóa hoặc nhựa hóa đạt 100%; bản có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa đạt 79,17%; có 99,5% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 93,5% dân số nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% trường lớp học được xây dựng kiên cố...

Tháng 6 vừa qua, nhân dân bản Khá, xã Sặp Vạt vui mừng được khánh thành nhà văn hóa mới. Công trình Nhà văn hóa bản Khá khởi công từ tháng 12/2022, có diện tích 180m², thiết kế nhà sàn 2 tầng, tổng mức đầu tư trên 2,4 tỷ đồng từ nguồn vốn thực hiện các Dự án Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; trong đó, nhân dân đóng góp 90 triệu đồng.

Chị Quàng Thị Nhất, Trưởng bản Khá, xã Sặp Vạt, phấn khởi: Có nhà văn hóa, kiên cố, khang trang, cùng với sân thể thao rộng rãi đã tạo thuận lợi cho bà con vui chơi, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao thường xuyên. Chúng tôi sẽ sử dụng hiệu quả công trình, phục vụ phát triển du lịch cộng đồng, gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc.

Còn nhân dân bản Thèn Luông, xã Chiềng Đông chung niềm vui khi tuyến đường đất từ quốc lộ 6 vào bản giờ được đổ bê tông kiên cố. Cùng với đó là cây cầu gỗ bắc qua suối ngay đầu bản nay cũng được xây vững chắc. Công trình nâng cấp tuyến đường từ quốc lộ 6 vào bản Thèn Luông có tổng chiều dài gần 760m, mặt đường rộng 3,5m, tổng mức đầu tư 2,9 tỷ đồng từ nguồn vốn thực hiện các dự án chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ông Hoàng Văn Tiện, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Thèn Luông, chia sẻ: Trước đây, dân bản đi ra quốc lộ 6 rất khó khăn, nhất là mùa mưa lũ, đi qua cầu tạm rất nguy hiểm. Giờ có đường mới và cầu bê tông kiên cố, thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu buôn bán hàng hóa, vận chuyển nông sản. Có đường, còn giúp bản phát triển du lịch tắm suối nước nóng trong thời gian tới, bà con ai cũng vui mừng, phấn khởi.

Chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Yên Châu đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các xã, bản đặc biệt khó khăn, đưa đời sống nhân dân ngày một ấm no.

Quàng Hưởng