Yên Bái phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Thời gian qua, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Yên Bái đã phát huy tốt vai trò là hạt nhân đoàn kết, cầu nối “Ý Đảng - lòng dân”, động viên, khích lệ nhân dân thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; giữ vững an ninh trật tự..., góp phần xây dựng địa phương phát triển toàn diện về mọi mặt.

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Hiệu quả Chương trình MTQG 1719 ở tỉnh Thái Nguyên

 Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tặng bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân là người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào DTTS, năm 2023.

Toàn tỉnh hiện có 870 người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nhiều người có uy tín đã không chỉ tích cực vận động con cháu, người thân và nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất mà họ còn là những người gương mẫu đi đầu trong thực hiện các mô hình phát triển kinh tế để nhân dân học tập và làm theo. 

Tiêu biểu như ông Lý Nhà Chảo (dân tộc mông) ở xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải đã đầu tư nuôi ong lấy mật, trồng 3 ha thảo quả, 2 ha sơn tra, cho thu nhập từ 50 - 100 triệu đồng/năm; ông Sùng A Trừ (dân tộc mông) ở xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải phát triển mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, mỗi năm cho thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng.

Hay như ông Hoàng Sinh Cành (dân tộc Tày) ở xã Tích Cốc, huyện Yên Bình với mô hình trồng bưởi Diễn mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng; ông Triệu Tiến Bảo (dân tộc Dao) ở xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên trồng trên 10 ha quế, mỗi năm cho thu nhập trên 500 triệu đồng... 

Để góp phần xây dựng nông thôn mới, cùng với tự nguyện hiến đất, tham gia ngày công lao động, nhiều người có uy tín còn không quản khó khăn, vất vả đi đến từng hộ gia đình ở nơi đi lại khó khăn, nhiều đồi, dốc để tuyên truyền, vận động, giúp người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng nông mới. 

Điển hình như ông Lý Văn Thủy (dân tộc Dao) ở xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên đã vận động nhân dân đóng góp trên 200 triệu đồng và trên 2.500 ngày công để làm đường giao thông nông thôn; ông Hoàng Văn Duân (dân tộc Giáy) ở xã Gia Hội, huyện Văn Chấn đã vận động nhân dân đóng góp tiền, ngày công làm 300m đường bê tông, mở mới 800m đường giao thông nông thôn; ông Cư A Phần (dân tộc Mông) ở xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên hiến trên 4.000m đất để xây dựng trường mầm non của xã... 

Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, người có uy tín trên địa bàn tỉnh cũng thường xuyên phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các phong trào: "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; tham gia thực hiện các quy ước, hương ước của địa phương như: không thách cưới, không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, không xuất cảnh trái phép, ăn ở hợp vệ sinh, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường; bài trừ hủ tục, đẩy lùi mê tín dị đoan, ốm đau đến cơ sở y tế để khám và điều trị... 

Cùng đó, nhiều người có uy tín đã phát huy vai trò của mình trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; truyền dạy cho con cháu và người dân các nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, rèn đúc, chế biến các món ăn dân tộc; truyền dạy tiếng nói, chữ viết các dân tộc, các làn điệu dân ca, dân vũ; các trò chơi dân gian như đánh yến, ném còn, đẩy gậy... Đối với công tác xã hội và hoạt động nhân đạo, từ thiện, nhiều người có uy tín đã gương mẫu đi đầu trong thực hiện và vận động nhân dân tham gia quyên góp, ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo”, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, bão lũ... 

Đặc biệt, bằng uy tín và sự ảnh hưởng của mình, nhiều người có uy tín đã ngăn chặn kịp thời các hoạt động truyền đạo, phát triển đạo trái pháp luật, hoạt động tà đạo, đạo lạ; vận động quần chúng, tín đồ, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo; kịp thời nắm bắt tình hình, phát hiện, cung cấp nhiều thông tin có giá trị giúp ngành chức năng và chính quyền địa phương đấu tranh, ngăn chặn nhiều hoạt động trái pháp luật; tham gia giải quyết các vụ mâu thuẫn trong nội bộ thôn, bản. 

Ông Hờ A Sang - người có uy tín, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu cho biết: "Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường nắm tình hình nhân dân; vận động nhân dân chấp hành nghiêm các chủ trương, của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tích cực thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển”.

N.T