Xây dựng nếp sống văn minh vùng dân tộc thiểu số ở huyện Mèo Vạc

(Mặt trận) -Huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang hiện có 17 dân tộc cùng sinh sống với nhiều nét văn hóa, phong tục, tập quán đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, bên cạnh truyền thống văn hóa tốt đẹp thì một số dân tộc nơi đây vẫn duy trì không ít hủ tục. Trước thực tế này, huyện đã triển khai nhiều giải pháp bài trừ các hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh trong vùng dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn.

Hướng Hóa tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số

Đa dạng chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Yên Lập

Diện mạo mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Thuận

Cán bộ thôn Phấu Hía, xã Lũng Pù tuyên truyền người dân thực hiện nếp sống văn minh. Ảnh: TƯ LIỆU 

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Mèo Vạc đã tập trung lãnh, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chủ trương của Trung ương, tỉnh về thực hiện nếp sống văn minh gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đảng bộ huyện cũng ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề để chỉ đạo việc bảo tồn và xóa bỏ các hủ tục trong vùng đồng bào DTTS. Nhờ đó, một số hủ tục đã được bài trừ. Đặc biệt, nhiều mô hình trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được nhân rộng, mang lại hiệu ứng tích cực, như: May trang phục dân tộc, “5 không 3 sạch”, tự quản về an ninh trật tự, tương trợ, giúp nhau giảm nghèo…

Tuy nhiên, một bộ phận DTTS vẫn còn tình trạng tảo hôn, kéo vợ, thách cưới cao. Từ năm 2015 đến nay, toàn huyện ghi nhận trên 450 trường hợp tảo hôn, các gia đình thách cưới trung bình từ 30 – 60 triệu đồng. Bên cạnh đó, việc tổ chức đám tang của một số dòng họ dân tộc Mông còn để dài ngày, giết mổ nhiều gia súc, chưa đưa người chết vào áo quan; một số gia đình có người ốm không đưa đi khám, chữa bệnh mà lại mời thầy cúng; nhiều gia đình chưa có nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh; chuồng trại gia súc còn để gần nhà. Ngoài ra, một số bản sắc văn hóa truyền thống đang dần mai một; tỷ lệ sinh con thứ 3 còn phổ biến; vẫn còn người không biết chữ…

Theo Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Mèo Vạc, Vàng Thị Và: Thực trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân: Điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội khó khăn từ thế hệ này sang thế hệ khác khiến các hủ tục tồn tại. Mặt khác, công tác tuyên truyền, vận động của một số cấp ủy, chính quyền chưa phù hợp với nhận thức và tâm lý của người dân; cán bộ làm công tác tuyên truyền chưa thấu hiểu về phong tục, tập quán; hệ thống chính trị tại một số cơ sở chưa quyết liệt; một số cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu thực hiện…

Nhằm giải quyết thực trạng trên, Huyện ủy Mèo Vạc đã xây dựng Chương trình hành động về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy về bài trừ các hủ tục ở vùng đồng bào DTTS, đồng thời đặt mục tiêu đến năm 2025 toàn huyện sẽ có 100% quy ước, hương ước của các thôn, tổ dân phố có nội dung xóa bỏ các hủ tục, bảo tồn văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh; 63% thôn, tổ dân phố được công nhận văn hóa; 80% hộ DTTS thực hiện nếp sống mới, nhất là việc thực hiện các nội dung: Đưa người chết vào áo quan, không tổ chức đám tang dài ngày, không giết mổ nhiều gia súc…

Để phấn đấu đạt mục tiêu này, huyện Mèo Vạc đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; thực hiện nhiều giải pháp; cấp ủy các xã, thị trấn tiếp tục chỉ đạo xóa bỏ các hủ tục, bảo tồn văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh theo từng thôn, dân tộc, dòng họ; thường xuyên theo dõi, chỉ đạo và kịp thời biểu dương, khen thưởng các dòng họ, thôn làm tốt; các tổ chức chính trị, xã hội xây dựng mô hình trong việc xóa bỏ các hủ tục và xây dựng nếp sống văn minh. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục củng cố, kiện toàn đội ngũ tuyên truyền viên các cấp là người DTTS, đảm bảo số lượng, chất lượng, có quy chế hoạt động hiệu quả…

T.K