(Mặt trận) -Xã Tú An (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) có 1.413 hộ dân, trong đó, tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 16,4%, tập trung chủ yếu ở 3 làng: Nhoi, Hòa Bình và Pơ Nang. Những năm qua, nhờ được tiếp cận, nắm bắt thông tin kịp thời, người dân đã có những chuyển biến tích cực trong nếp nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo.
|
Anh Hồ Ba Bê (bìa phải) đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống. |
Làng Pơ Nang có 63 hộ DTTS với 248 khẩu. Theo tiêu chí đa chiều, đến cuối năm 2022, làng còn 17 hộ nghèo và 21 hộ cận nghèo. Không trông chờ, ỷ lại, nhiều hộ khó khăn đã không ngừng phấn đấu vươn lên, chủ động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư phát triển sản xuất với mong muốn sớm vươn lên thoát nghèo.
Đơn cử như gia đình anh Hồ Ba Bê. Sau khi lập gia đình và tách hộ năm 2016, vợ chồng anh Bê được bố mẹ cho 9 sào đất rẫy. Lúc đầu, vợ chồng anh trồng mì. Do đất cằn, cây trồng không được đầu tư chăm sóc nên năng suất đạt thấp. Với sự hướng dẫn của cán bộ Hội Nông dân xã, năm 2020, anh vay mượn người thân 30 triệu đồng đầu tư trồng keo lai. Anh cũng tích cực tham gia các lớp tập huấn để có thêm kiến thức áp dụng vào việc chăm sóc cây trồng mới.
Năm 2022, anh Bê tiếp tục vay vốn Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã 30 triệu đồng mua 2 con bò lai và trồng cỏ chăn nuôi bò. Bên cạnh đó, vợ chồng anh còn canh tác 3 sào lúa nước, tranh thủ đi làm thuê kiếm thêm thu nhập.
Anh Bê chia sẻ: “Cuộc sống vẫn còn khó khăn, nhưng mình quyết tâm thay đổi và tin tưởng vào ngày mai. Vườn keo lai 2 năm nữa sẽ cho thu hoạch, 2 con bò giống đã đẻ 2 con bê. Vợ chồng mình chăm chỉ lao động thì việc thoát khỏi diện cận nghèo chỉ trong một thời gian nữa thôi”.
Không chỉ thay đổi trong sản xuất, nhiều gia đình còn tiết kiệm chi tiêu, tích lũy cho khi cần đến. Bà Đinh Thị Trinh-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Hòa Bình-thông tin: “Khi mới ra mắt, Câu lạc bộ “Phụ nữ DTTS tiết kiệm 5-10 triệu đồng” chỉ có 30 thành viên. Đến nay, 65 hội viên phụ nữ trong làng đều tham gia. Số tiền thu được sau mỗi vụ thu hoạch, tiền công làm thuê hàng ngày, các chị tiết kiệm lại một phần để mua sắm vật dụng cần thiết trong gia đình, sắm đồ dùng học tập cho con cái, tái đầu tư sản xuất, làm nhà vệ sinh... Nhờ biết cách tiết kiệm nên nhiều hội viên không phải nợ nần, vay mượn, một số chị còn có tiền gửi ngân hàng”.
|
Người dân làng Nhoi trồng cây xanh quanh khu vực nhà rông. |
Đến nay, 3 làng đều duy trì hiệu quả câu lạc bộ “Phụ nữ DTTS tiết kiệm 5-10 triệu đồng” với số tiền tiết kiệm từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng/năm. Mô hình “Xây dựng khuôn viên nhà rông sáng-xanh-sạch-đẹp” ở các làng cũng được duy trì.
Bà Trương Thị Hồng Tất, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã cho hay: Mô hình được triển khai từ tháng 8-2022 với mục đích nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc chung tay xây dựng cảnh quan, bảo vệ môi trường hướng tới xây dựng làng nông thôn mới kiểu mẫu.
Để thực hiện mô hình, Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã hỗ trợ mỗi làng 5 triệu đồng. Trên cơ sở các tiêu chí “sáng-xanh-sạch-đẹp”, các làng đã bàn bạc, thống nhất làm hàng rào xanh quanh nhà rông và trồng cây xanh; lắp đặt hệ thống chiếu sáng khuôn viên nhà rông, phục vụ các sự kiện của làng. Mỗi tháng 2 lần, các hộ tham gia dọn vệ sinh, chăm sóc cây xanh, giữ gìn cảnh quan môi trường. Khuôn viên nhà rông 2 làng Nhoi và Hòa Bình còn trưng bày tượng gỗ do chính các nghệ nhân trong làng tạc.
Về những đổi thay trong đời sống của người dân 3 làng đồng bào DTTS trên địa bàn, Chủ tịch UBND xã Trần Thanh Cảnh nhìn nhận: Người dân bây giờ đã biết nghĩ khác, làm khác. Họ chủ động tiếp cận vốn vay, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và chủ động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế. Phần đông các hộ dần xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại, thay vào đó là chăm chỉ lao động, không để đất đai hoang phí; nhiều gia đình đã trở thành triệu phú nhờ biết tiết kiệm, tích lũy trong chi tiêu, tích cực xây dựng nông thôn mới.
Đối với chương trình xây dựng nông thôn mới, ngoài duy trì mô hình “Xây dựng khuôn viên nhà rông sáng-xanh-sạch-đẹp”, đến nay, hầu hết hộ dân ở các làng đều thực hiện “3 sạch”: sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ; 80% hộ dân di dời chuồng trại chăn nuôi ra xa nơi ở... Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở các làng giảm dần. Đầu năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS toàn xã là 33,18%, cận nghèo là 42,15%, nhưng đến cuối năm hộ nghèo giảm còn 25,32% và cận nghèo là 34,33%.