Vững niềm tin nơi đồng bào các dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hòa Bình, sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành đã giúp công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) ngày một đổi thay, phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào cải thiện rõ rệt; cơ sở hạ tầng KT - XH được quan tâm đầu tư; hệ thống chính trị xây dựng vững mạnh.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Người dân xã Văn Nghĩa (Lạc Sơn, Hòa Bình) thay đổi tư duy sản xuất, đưa xuống đồng ruộng cây trồng có giá trị hàng hóa, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết: Tỉnh Hòa Bình, đồng bào các DTTS chiếm đa số, vùng khó khăn còn nhiều. Năm qua, tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến vùng dân tộc, quan tâm chăm lo đời sống đồng bào DTTS. Việc triển khai các chương trình, dự án, công tác dân tộc luôn bám sát mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng NTM. Công tác kiểm tra, nắm bắt địa bàn triển khai thực hiện các dự án tại cơ sở và tình hình đồng bào dân tộc được tăng cường. Qua đó cho thấy, vùng DTTS luôn ổn định, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền tỉnh.

Công tác dân tộc đã được triển khai thực hiện đồng bộ với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó, ưu tiên nguồn lực thúc đẩy KT - XH khu vực nông thôn miền núi, vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống, nhất là đối với xã, thôn, xóm có điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Với chức năng tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước về công tác dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh chủ động tham mưu, chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện các chính sách dân tộc thuộc lĩnh vực quản lý đảm bảo tiến độ, chất lượng, góp phần phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư.

Thực hiện Chương trình 135, năm 2020, tổng nguồn vốn được T.Ư phân bổ 166.111 triệu đồng (vốn đầu tư 118.059 triệu đồng, vốn sự nghiệp 48.052 triệu đồng). Theo đó, thực hiện dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng đã đầu tư 201 công trình, có 171 công trình khởi công mới về giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa, nước sinh hoạt, giáo dục, chợ, phụ trợ khu thể thao; thực hiện duy tu, bảo dưỡng 301 công trình. Về hỗ trợ phát triển sản xuất, các địa phương đã hỗ trợ 228.600 giống cây trồng cho 1.007 hộ hưởng lợi; hỗ trợ gần 24.860 giống vật nuôi, với trên 1.830 hộ hưởng lợi; hỗ trợ 825 máy móc thiết bị, công cụ phục vụ sản xuất, có 1.456 hộ hưởng lợi; hỗ trợ xây dựng 5 mô hình với 584 hộ hưởng lợi; hỗ trợ vật tư chủ yếu cho 2.345 hộ hưởng lợi; tổ chức 24 lớp tập huấn khuyến nông, khuyến lâm cho gần 920 lượt người DTTS.

Ban Dân tộc tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển KT - XH vùng DTTS&MN, giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg. Năm qua, đã hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 800 hộ DTTS nghèo ở các xã ĐBKK; đầu tư các công trình đường, xử lý khắc phục sạt lở; cho vay đối với 160 hộ nghèo ĐBKK. Bên cạnh đó, thực hiện Đề án tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS; chính sách đối với người có uy tín và một số chính sách, đề án khác được chú trọng, đã thúc đẩy sự phát triển ở vùng dân tộc.

Đồng chí Đinh Thị Thảo, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Năm 2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 120/2020/QH14, ngày 19/6/2020 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS&MN, giai đoạn 2021-2030. Nghị quyết là chủ trương lớn thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào DTTS&MN, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Việc tổ chức triển khai chương trình sẽ tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, giảm nghèo nhanh, bền vững; giải quyết căn cơ một số yêu cầu bức thiết về đời sống của đồng bào các dân tộc; góp phần tăng cường QP-AN, đối ngoại; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; thu hẹp dần khoảng cách với vùng phát triển; xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đối với tỉnh Hòa Bình, mặc dù Thủ tướng Chính phủ chưa có quyết định chính thức phê duyệt Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, giai đoạn 2021-2030. Tuy nhiên, để thực hiện các bước chuẩn bị cho triển khai thực hiện chương trình, Ban Dân tộc đã chủ động tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tiến hành rà soát thực trạng KT - XH vùng DTTS&MN và nhu cầu thực hiện các nội dung đầu tư, hỗ trợ của chương trình, để khi triển khai thực hiện đáp ứng được mong mỏi của đồng bào các DTTS trong tỉnh.

Có thể khẳng định, việc tổ chức triển khai, thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống, thay đổi tư duy sản xuất của người dân. Vùng DTTS ổn định, không có điểm nóng, đồng bào luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, cùng đồng thuận xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc.

Bình Giang