Vĩnh Long phát huy hiệu quả các chính sách dân tộc

(Mặt trận) -Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các chính sách dân tộc ở tỉnh Vĩnh Long được triển khai đồng bộ, hiệu quả, góp phần tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, làm thay đổi đáng kể đời sống vùng đồng bào dân tộc Khmer.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Tuyến đường nông thôn về trung tâm xã Tân Mỹ được bê tông hóa, từ nguồn vốn Chương trình 135.
Ảnh: Phương Nghi

Hiệu quả từ các chính sách dân tộc

Thời gian qua, Vĩnh Long đã tập trung nguồn lực và thực hiện đồng bộ nhiều chính sách nhằm chăm lo đời sống đồng bào dân tộc, qua đó, giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc Khmer có nhà ở ổn định. Đặc biệt, đã có nhiều hộ tận dụng hiệu quả các chính sách ưu đãi, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, tích cực đóng góp cho phong trào xây dựng nông thôn mới, góp phần thay đổi diện mạo vùng dân tộc. Trong đó, xã Tân Mỹ (huyện Trà Ôn) là xã có đông đồng bào Khmer (chiếm 46%). Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách và dự án đầu tư phát triển, đời sống đồng bào Khmer Tân Mỹ đã thay đổi đáng kể. Với phương châm “trao cần câu hơn trao con cá”, các chính sách đã tạo động lực để người dân tự lực vươn lên trong cuộc sống.

Là hộ được thụ hưởng chính sách từ nguồn vốn vay ưu đãi, anh Thạch An, ở ấp Sóc Ruộng, xã Tân Mỹ đã biết tận dụng tốt các nguồn vốn vay, gia đình anh từng bước có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo. Anh Thạch An kể: “Trước đây, hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn, cuộc sống bấp bênh do không có công việc ổn định. Chúng tôi có 1.000m2 đất nhưng đã “cầm cố” nên phải đi làm thuê. Năm 2018, được chính quyền hỗ trợ cho vay 50 triệu đồng nên gia đình tôi có tiền thu hồi lại đất để trồng cỏ, đồng thời, mua 2 con bò sinh sản về nuôi. Không chỉ được hỗ trợ vốn sản xuất, chúng tôi cũng được hỗ trợ kinh phí xây nhà. Đến nay, căn nhà đã hoàn thành, bò cũng đã sinh sản được 4 lứa. Giờ đây, cuộc sống gia đình tôi đã ổn định, vừa có được vốn để trả tiền vay, vừa có cơ hội tiếp tục phát triển kinh tế gia đình”.

Ở ấp Sóc Rừng (xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình) có hộ anh Thạch Đa Ra, bên cạnh trồng lúa, anh còn học hỏi, ứng dụng khoa học kỹ thuật trồng dưa hấu trên đất lúa. Nhờ chịu khó học hỏi, anh thu được hiệu quả khá ổn định, nhờ vậy mà không chỉ trả hết nợ vay ngân hàng, còn mua thêm 3.000m2 đất để mở rộng quy mô sản xuất.

Theo ông Cao Thành Giang, Chủ tịch UBND xã Loan Mỹ: Những năm qua, xã Loan Mỹ đã vận động chuyển đổi diện tích đất sản xuất lúa không hiệu quả sang phát triển kinh tế vườn, trồng cây màu được 64,3ha, phát triển được nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả khá tốt, tăng giá trị lợi nhuận gấp 3 lần trồng lúa, tăng thu nhập bình quân 43 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, để giúp đồng bào dân tộc nâng cao hiệu sản xuất, xã đã phối hợp mở các lớp dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng nhiều mô hình có hiệu quả kinh tế như: Nuôi bò, trồng nấm rơm, trồng sen, đưa cây màu xuống ruộng...

"Năm 2022, xã xây dựng 44 căn nhà giúp đồng bào, hỗ trợ vay vốn hơn 3,5 tỷ đồng, kéo nước máy cho 30 hộ khó khăn. Mục tiêu sắp tới, chúng tôi sẽ giúp bà con ổn định sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững” - ông Cao Thành Giang khẳng định.

Nâng cao đời sống đồng bào dân tộc Khmer

Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long đã tập trung nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo cho đồng bào Khmer. Những chính sách thiết thực được triển khai kịp thời đã tạo “chiếc cần câu” giúp đỡ đồng bào dân tộc Khmer tiệm cận với các nguồn vốn để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững. Hiệu quả mang lại rõ rệt khi đã khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của người nghèo, không chỉ nâng cao đời sống gia đình, mà còn góp phần thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc Khmer.

 Anh Thạch Đa Ra nhờ biết tận dụng nguồn vốn vay ưu đãi để chăn nuôi bò đã giúp anh có thu nhập khá cao. Ảnh: Phương Nghi

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long, ông Thạch Dương cho biết: Năm 2022, tổng kinh phí từ ngân sách Trung ương phân bổ cho tỉnh hơn 16 tỷ đồng để thực hiện 8 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Vĩnh Long đã hỗ trợ nước sinh hoạt cho 239 hộ DTTS với kinh phí 718 triệu đồng; đầu tư triển khai 8 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS ở hai xã Tân Mỹ và Trà Côn (huyện Trà Ôn), với tổng kinh phí hơn 8,3 tỷ đồng; đầu tư dự án phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tổng kinh phí thực hiện 5,5 tỷ đồng...

Đặc biệt, MTTQ Việt Nam các cấp đã triển khai xây dựng 307 căn nhà Đại đoàn kết tặng hộ nghèo, cận nghèo là người dân tộc Khmer, trị giá hơn 15 tỷ đồng. “Tính đến cuối năm 2022, theo tiêu chí đa chiều, Vĩnh Long còn 5.906 hộ nghèo (chiếm 2,01%), hộ cận nghèo còn 10.046 hộ (chiếm 3,42%); trong đó, hộ nghèo DTTS là 936 hộ (chiếm 10,12% so với hộ DTTS), hộ cận nghèo DTTS là 886 hộ (chiếm 9,57% so với hộ DTTS)” - ông Dương nói.

Thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, Vĩnh Long được triển khai thực hiện 8 dự án, với tổng kinh phí thực hiện trên 103 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương là 83,6 tỷ đồng, ngân sách địa phương là trên 13 tỷ đồng, vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội là trên 4 tỷ đồng, vốn huy động khác là 2 tỷ đồng.

Chia sẻ về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 của tỉnh Vĩnh Long, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Chương trình đề ra các mục tiêu đến năm 2025 là phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm trên 2%/năm; trên 50% số xã ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở, đất ở và đất sản xuất cho đồng bào DTTS...

Thông qua các chính sách đầu tư đã có tác động lớn, làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn. Đời sống vật chất, tinh thần đồng bào Khmer tỉnh Vĩnh Long ngày càng được cải thiện. Trình độ dân trí được nâng lên rõ rệt, bản sắc văn hóa dân tộc được gìn giữ và phát huy, người đã có kỹ năng trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Phương Nghi