Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng phối hợp chăm lo sinh kế cho đồng bào Khmer

(Mặt trận) -Chăm lo cho người nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng thực hiện hiệu quả, đặc biệt là phát huy tốt công tác phối hợp chăm lo cho đồng bào Khmer khu vực biên giới biển.

Những ngôi nhà “Ý Đảng, lòng dân” ở huyện Mường Lát

Bình Phước: Biến Chương trình mục tiêu quốc gia thành động lực mạnh mẽ phát triển KTXH bền vững

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

 Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng phối hợp trao bò giống sinh sản cho hộ Khmer (ảnh chụp trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát).

Theo đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Sóc Trăng phối hợp triển khai thực hiện phong trào thi đua phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo bền vững với nhiều cách làm thiết thực. Tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân chuyển đối cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô trong sản xuất nông, lâm nghiệp và dịch vụ, mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Phối hợp xây dựng nhiều mô hình, như: “Chăn nuôi bò lai Sind”, “Chăn nuôi bò sữa”, “Nuôi gà theo hướng an toàn sinh học”, "Trồng cây ăn quả, rau an toàn trong nhà lưới”, “Giảm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất”, “Sản xuất rau an toàn” bằng phương thức sử dụng công nghệ tưới tự động, giúp gia tăng sản lượng trên đơn vị diện tích trồng trọt...

Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy về việc triển khai 50 con bò giống do Đảng ủy Bộ Tư lệnh BĐBP trao tặng trong dịp sơ kết Quy chế phối hợp, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Bộ Chỉ huy BĐBP Sóc Trăng đã trao bò giống cho hộ nghèo tuyến biên giới biển. Số lượng 50 con bò giống (mỗi con trị giá 15 triệu đồng) đã được bàn giao cho hộ nghèo (chủ yếu hộ dân tộc Khmer) thuộc xã Trung Bình (Trần Đề), xã Vĩnh Hải, xã Lai Hòa (TX. Vĩnh Châu) và xã An Thạnh 3 (Cù Lao Dung) với tổng số tiền 750 triệu đồng. Các gia đình sẽ nuôi đến khi bò sinh sản bê cái và chăm sóc đến lúc thôi sữa, biết ăn cỏ thì giao bê cái lại để hỗ trợ cho những gia đình khác (việc chuyển giao bê cái chỉ thực hiện một lần). Để duy trì, phát huy được hiệu quả, các hộ gia đình còn phải ký bản cam kết không được tự ý bán hoặc thay đổi bò được cấp, trong quá trình nuôi nếu gặp khó khăn cần báo ngay với đồn biên phòng để có hướng giúp đỡ kịp thời, nếu vi phạm sẽ bị thu hồi vật nuôi để hỗ trợ hộ khác.

Anh Lâm Keo Chanh Đi ở ấp Prey Chóp, xã Lai Hòa (TX. Vĩnh Châu) là hộ nghèo được hỗ trợ bò vào năm 2018 từ dự án hỗ trợ bò cho người dân biên giới biển. Anh Chanh Đi chia sẻ: “Từ khi được hỗ trợ bò, rồi được xét vay vốn ngân hàng, tôi luôn chăm chỉ làm ăn, tập trung chăm sóc để phát triển đàn. Tôi thực hiện đúng cam kết, giao bê con giống cái để địa phương trao lại hộ khác, đồng thời gây giống bán bê cái, duy trì mô hình và nhân rộng lên được 8 con bò”. Chị Thái Thị Thu, một trong những hộ thuộc diện hộ nghèo ấp An Quới, xã An Thạnh 3 (Cù Lao Dung) được hỗ trợ bò kể: “Từ khi nhận bò đến nay, gia đình tôi luôn chăm sóc tốt để sớm có bê cái giao lại hộ khác. May mắn là gặp giống bò khỏe, nuôi dễ, sinh sản tốt tôi vừa có bò bán vừa phát triển số lượng nhiều hơn. Đến nay, gia đình cơ bản ổn định, có tư liệu sản xuất.”

Theo đồng chí Lâm Dũng Liêm - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, ngoài mô hình này, hiện nay Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đang phối hợp thực hiện và nhân rộng hỗ trợ bò sinh sản trong đồng bào Khmer tại Phường 2 (TX. Vĩnh Châu); 30 con bò giống sinh sản cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo xã Long Phú (Long Phú); 50 con bò giống sinh sản cho đồng bào ở các huyện, thị xã trong tỉnh, từ nguồn sinh kế và giảm nghèo bền vững của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

P.L