(Mặt trận) -Chương trình MTQG 1719 được triển khai thực hiện phát huy hiệu quả đã cơ bản làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn và vùng DTTS trên địa bàn huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số Trấn Yên khởi sắc nhờ Chương trình MQQG 1719
Trấn Yên là huyện miền núi của tỉnh Yên Bái có đông đồng bào DTTS sinh sống như người Mường, Tày, Dao, Mông... Toàn huyện có 22 xã thì có 6 xã, 46 thôn bản đặc biệt khó khăn (5 thôn có 100% đồng bào Mông sinh sống), hạ tầng kinh tế - xã hội còn nghèo nàn, thiếu đồng bộ. Tỷ lệ hộ nghèo trên 30%, thu nhập bình quân dưới 10 triệu đồng/người/năm; sản xuất, kinh tế đa phần nhỏ lẻ, phân tán, chủ yếu mang tính tự cung tự cấp. Do vậy, muốn phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thì điều cần thiết là giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát khỏi cảnh đói nghèo, thay đổi tập quán sản xuất... Đây cũng là điều mà địa phương luôn chú trọng.
Từ khi bắt tay vào thực hiện Chương trình MTQG 1719, huyện Trấn Yên gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai. Tuy nhiên với sự quyết tâm cao của các cấp, các ngành địa phương, huyện đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn trên địa bàn các thôn, xã, kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
Trấn Yên hiện có 12 xã được thụ hưởng các chính sách từ Chương trình MTQG 1719. Đối tượng thụ hưởng là xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi; hộ gia đình, cá nhân người DTTS; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo sinh sống ở thôn đặc biệt khó khăn.
Chương trình MTQG 1719 có vốn ngân sách Trung ương là 8,9 tỷ đồng; UBND huyện Trấn Yên đã bố trí vốn đối ứng từ ngân sách huyện 7,1 tỷ đồng. Huyện đã bố trí thực hiện 8 dự án (4 dự án thực hiện năm 2022 và 4 dự án thực hiện năm 2023), đến nay, huyện đã giải ngân vốn đầu tư phát triển đạt 79,5% kế hoạch, vốn sự nghiệp đạt 9,2% kế hoạch.
|
Trấn Yên triển khai hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. |
Vùng đồng bào DTTS của huyện Trấn Yên thời gian qua có nhiều khởi sắc nhờ triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc và các dự án đầu tư thuộc Chương trình MTQG 1719, chất lượng cuộc sống của đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa của huyện ngày càng được cải thiện, nâng cao.
Nhờ những chính sách, cơ chế kịp thời triển khai khéo léo để thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội mà đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Trấn Yên đã bước đầu ổn định sản xuất, dần loại bỏ tập quán du canh du cư, không tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống, không đi xuất khẩu lao động trái phép... Thu nhập bình quân của người DTTS năm 2022 đạt 44,5 triệu đồng, dự ước năm 2023 đạt 52,5 triệu đồng.
Chất lượng cuộc sống của người dân vùng DTTS ở Trấn Yên được đảm bảo ổn định, 100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 98,5% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, 100% số hộ được xem truyền hình và nghe đài phát thanh.
Tỷ lệ đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế đạt 97% và tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm còn 11,8%. Tỷ lệ học sinh mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt 100%; học sinh trong độ tuổi học tiểu học đạt 100%, học trung học cơ sở đạt 100%, học trung học phổ thông đạt 60%. Duy trì và giữ vững 100% các thôn bản có nhà văn hóa, đội văn nghệ, nghệ thuật truyền thống hoạt động thường xuyên có chất lượng.
Những kết quả đạt được cho thấy Chương trình MTQG đang đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả ở Trấn Yên nói riêng và toàn tỉnh Yên Bái nói chung. Trong thời gian tới, các địa phương của tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Yên Bái tích cực triển khai Chương trình MTQG 1719
Yên Bái là tỉnh miền núi phía Bắc nằm ở trung tâm vùng núi và trung du Bắc Bộ, điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao hơn mặt bằng chung của cả nước. Yên Bái hiện có 46 xã đặc biệt khó khăn, ngân sách trung ương vẫn phải đảm bảo trên 80% nguồn chi của tỉnh.
Thời gian qua, việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Trong giai đoạn 2021 - 2025, Yên Bái được Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ triển khai thực hiện 3 Chương trình MTQG (Xây dựng nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững và Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) với tổng mức vốn đầu tư phát triển Trung ương hỗ trợ là 2.252,863 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% vốn đầu tư toàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Yên Bái, từ khi triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) đến nay, tỉnh đã giải ngân đạt gần 400 tỷ đồng, bằng 66% kế hoạch nguồn vốn đầu tư để thực hiện 218 công trình, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như giao thông, thủy lợi, văn hóa, giáo dục...
Bên cạnh đó, tỉnh Yên Bái cũng dành 31 tỷ đồng nguồn vốn sự nghiệp để hỗ trợ nhà ở cho 828 hộ nghèo với tổng kinh phí Trung ương hỗ trợ là 33,160 triệu đồng; hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho 69 hộ dân và giải ngân với tổng kinh phí 453 triệu đồng...
Vốn của Chương trình MTQG 1719 còn giúp tỉnh Yên Bái phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân.
Một số nội dung khác cũng được tỉnh tập trung quan tâm và tích cực thực hiện như: bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống...
Thanh Tiến