Tiếp sức cho người nghèo dân tộc thiểu số vượt qua đại dịch Covid-19

(Mặt trận) -Phú Yên là tỉnh còn nghèo, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân trong toàn tỉnh. Trong đó, nhiều đối tượng hộ nghèo, người lao động mất việc, người nghèo dân tộc thiểu số càng gặp khó khăn hơn.

Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang thăm, tặng quà cho người uy tín huyện Yên Sơn

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

 Sau giãn cách do dịch Covid-19, bà La O Thị Canh ở thôn Phú Tiến, xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên được vay thêm 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển nghề trồng rừng. (Ảnh: TRÌNH KẾ)

Khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Phú Yên trở lại trạng thái bình thường mới, cả hệ thống chính trị tập trung chăm lo phục hồi sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Thông qua kênh Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, hàng nghìn người nghèo, cận nghèo, nhất là lao động miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn được vay vốn, nhanh chóng ổn định đời sống, tiếp tục vươn lên. 

Sau hơn ba tháng thực hiện giãn cách, đầu tháng 10/2021, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên hoạt động trở lại với khách hàng tại xã vùng cao Phú Mỡ. Hoạt động này được tổ chức định kỳ vào ngày 13 hằng tháng. Để thuận lợi và an toàn cho người dân, phiên giao dịch được thực hiện ngay trong hội trường Ủy ban nhân dân xã, với đầy đủ các điều kiện phòng, chống dịch Covid-19.

Bí thư chi đoàn, tổ trưởng tổ vay vốn thôn Phú Hải, anh Sô Minh Diêm cho biết, thôn có 69 hộ, 300 nhân khẩu đều là hộ nghèo và cận nghèo. Tổ vay vốn anh phụ trách có 27 hộ, mỗi hộ được vay từ 20-50 triệu đồng. Do đặc điểm địa hình vùng núi cao, đất làm lúa chỉ một vụ  phụ thuộc nước trời, thu nhập bấp bênh nên bà con vay vốn  chủ yếu trồng cây keo và chăn nuôi bò.

“Nói chung bà con vay vốn làm ăn có hiệu quả. Cách làm là vay tiền mua bò nuôi, một hai năm sau bán lấy lãi, trả nợ, rồi đầu tư trồng rừng. Vài năm sau bán cây là bà con có vốn mua xe, xây nhà”, anh Sô Minh Diêm nói.

Còn bà La O Thị Canh, thôn Phú Tiến lần này được vay 50 triệu đồng để trồng rừng. Cách đây ba năm gia đình bà có bốn nhân khẩu được vay 8 triệu, mua bò nuôi. Nay bán hai con trả đủ nợ và lãi, được ngân hàng giải ngân thêm để đầu tư sản xuất.

“Sau khi dịch Covid-19 đã giảm thì ngân hàng lên đây cho vay tiền liền, đúng mùa mưa nên gia đình có tiền để mua cây giống, thuê công trồng rừng và chăm sóc rừng. Hỗ trợ của chính quyền, ngân hàng đối với người đồng bào nghèo chúng tôi vậy là rất mừng, cảm ơn Đảng, Nhà nước quan tâm…”, bà La O Thị Canh cho biết.

 Vợ chồng ông La Lan Dỏn ở xã vùng cao Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên được vay 50 triệu đồng chăn nuôi bò và trồng rừng phát triển kinh tế gia đình. (Ảnh: TRÌNH KẾ)

Trong rất nhiều người đến vay vốn để tái sản xuất sau dịch Covid-19 tại xã Phú Mỡ có vợ chồng ông La Lan Dỏn ở  thôn Phú Tiến. Hộ ông có 7 nhân khẩu, lần này được vay đến 50 triệu đồng. Với số tiền này, vợ chồng La Lan Dỏn đầu tư trồng mới 4 ha rừng trong vụ trồng rừng năm 2021. “Ngân hàng cho vay rất thuận lợi, tạo điều kiện phát triển sản xuất, con cái được học hành, kinh tế ổn định hơn sau Covid 19”, ông Dỏn nói.

Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đổng Xuân Nguyễn Ngọc Hưng cho biết, xã Phú Mỡ có 839 hộ, trong đó có 297 hộ nghèo, chiếm 35,4%; 305 hộ cận nghèo chiếm 36,3%. Từ đầu năm đến hết tháng 11/2021, đơn vị đã giải ngân hơn 9 tỷ đồng cho 214 hộ vay, trong đó cho vay phục hồi sau Covid-19 là 92 hộ với số tiền 3,7 tỷ đồng.

Ông Sô Minh Mùi, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Mỡ cho biết, người lao động mất việc làm từ phía nam về địa phương là trung niên và gia đình trẻ,  vừa rồi cũng được ngân hàng cho vay vốn. Đặc biệt nay là mùa trồng rừng,  có vốn tạo điều kiện người dân mua giống, thuê mướn nhân công dọn và trồng rừng, ổn định cuộc sống lâu dài.

Ông Lê Trọng Khoan, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Hòa cho biết, để kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn cho người dân tại địa phương và người đi làm ăn xa ở các tỉnh phía nam về quê trong mùa dịch,  Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Hòa đã phối hợp chính quyền địa phương, hội đoàn thể nhận ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân khắc phục khó khăn do đại dịch Covid-19. Đã  lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ rủi ro đợt 2/2021 với 35 món vay, số tiền 898 triệu đồng. Doanh số cho vay sau dịch từ  ngày 1/9 đến ngày 30/11 là 44 tỷ đồng với 1.327 hộ vay vốn; gia hạn nợ cho 470 hộ với tổng số tiền hơn 13 tỷ đồng.

Ksor Y Náu, Ksor H’ Bóc ở xã Suối Trai hay các chị Sô Minh Liên, Sô Minh Lợi ở xã Sơn Phước là những hộ cận nghèo, đi lao động làm thuê từ các tỉnh phía nam về sau dịch Covid-19 được Ngân hàng Chính sách huyện Sơn Hòa cho vay mỗi hộ 50 triệu đồng làm ăn.

Ông Hồ Văn Thục, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Yên cho biết, trong thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19, các điểm giao dịch xã tạm dừng giao dịch, Chi nhánh đã thực hiện kéo dài thời gian trả nợ cho 9.038 lượt khách hàng, với số tiền hơn 228 tỷ đồng. Đồng thời, để kịp thời hỗ trợ khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, Chi nhánh đã phối hợp chính quyền địa phương, các Hội đoàn thể nhận ủy thác rà soát kịp thời các trường hợp khách hàng vay vốn bị rủi ro do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, để gia hạn nợ, khoanh nợ, xóa nợ theo quy định. Từ tháng 9/2021 đến nay, Chi nhánh đã thực hiện gia hạn nợ cho 2.496 khách hàng, với số tiền 64,4 tỷ đồng do đang điều trị bệnh, đang cách ly y tế hoặc gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. 

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Yên cũng thực hiện cho vay bổ sung các trường hợp đủ điều kiện để người dân tiếp tục sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống. Từ tháng 9/2021 đến nay, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Yên thực hiện giải ngân gần 398 tỷ đồng cho 11.648 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn. Đồng thời, tiếp tục thực hiện giải ngân đến cuối năm, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên, nhu cầu thực tế người dân đang cần sau khi dịch Covid-19 ở các địa phương đã cơ bản được kiểm soát là đi làm và có việc làm trở lại. Tại tỉnh Phú Yên, tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai các giải pháp để tạo việc làm cho người dân, nhất là với hộ nghèo, cận nghèo được triển khai sớm. Trong đó, việc tăng nguồn vốn ưu đãi và đưa nguồn vốn tín dụng đến với các xã nghèo để người dân bắt tay vào sản xuất sau đại dịch Covid-19.

TRÌNH KẾ