(Mặt trận) -Với nhiều giải pháp đồng bộ, tích cực, thời gian qua, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị tập trung triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách phát triển KT-XH vùng dân tộc và miền núi. Qua đó, giải quyết được cơ bản những khó khăn về đời sống, sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy bộ mặt nông thôn miền núi ngày càng khởi sắc.
|
Người Pa Kô ở xã Tà Rụt, huyện Đakrông sinh hoạt văn hóa, văn nghệ truyền thống - Ảnh: M.L |
Thực hiện Nghị quyết số 24- NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa IX) và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương, tỉnh, huyện về công tác dân tộc, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện Đakrông đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức quán triệt, học tập nghị quyết cho các cơ quan, đơn vị, đội ngũ cán bộ chủ chốt, phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân.
Hằng năm, UBND huyện chỉ đạo, phân công các phòng, ban chuyên môn, địa phương căn cứ vào nhiệm vụ để triển khai thực hiện; tổ chức sơ kết đánh giá rút kinh nghiệm, bổ sung nhiệm vụ, khắc phục những thiếu sót trong quá trình thực hiện nghị quyết. Nhờ quan tâm triển khai thực hiện công tác dân tộc, đời sống của đồng bào DTTS ở huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Nổi bật, tình hình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp từng bước ổn định và tăng trưởng.
Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp năm 2022 đạt 429,99 triệu đồng, tăng 398,867 triệu đồng so với năm 2003; tổng diện tích gieo trồng tăng 1.426,9 ha so với năm 2003. Đặc biệt, cùng với sự hỗ trợ giống mới của Nhà nước, người dân đã tăng cường đầu tư thâm canh, cơ giới hóa trong sản xuất để nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích.
Sản xuất chăn nuôi cơ bản đáp ứng nhu cầu thực phẩm trên địa bàn huyện; tăng cả về số lượng và chất lượng đàn vật nuôi. Công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, bảo tồn thiên nhiên tiếp tục được phối hợp chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Tỉ lệ che phủ rừng đến năm 2022 đạt 65,21%.
Huyện cũng đã triển khai thực hiện các dự án định canh, định cư tập trung, di dời dân khẩn cấp ra khỏi vùng lũ ống, lũ quét, đảm bảo an toàn, giúp người dân có nơi ở ổn định. Thực hiện các chương trình đầu tư phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, cơ sở hạ tầng các xã được đầu tư nâng cấp, đời sống văn hoá được cải thiện. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn huyện giai đoạn từ 2003 - 2023 đạt khoảng 1.452.670 triệu đồng, trung bình 72.633,5 triệu đồng/năm.
Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, hệ thống đường liên thôn, nội thôn từng bước được kiên cố hóa. Hệ thống thủy lợi được đầu tư từ nhiều nguồn vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất. Hệ thống cấp điện dần được hoàn thiện, phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất. Hệ thống cơ sở hạ tầng như: trạm y tế, trường học, nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng các thôn được ưu tiên đầu tư. Các chương trình hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập; hỗ trợ lương thực cho người nghèo vùng giáp biên giới, xuất khẩu lao động và một số hoạt động chính sách giáo dục, dạy nghề… được triển khai thực hiện tốt.
Tăng cường thu hút cán bộ, trí thức trẻ lên công tác tại địa bàn huyện. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ cán bộ, công chức trên địa bàn được triển khai đồng bộ, có hiệu quả. Số lượng, chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã nâng lên rõ rệt. Thực hiện tốt chính sách đối với người có uy tín. Cùng với những giá trị văn hoá vật thể, nhiều loại hình văn nghệ dân gian đặc sắc của các dân tộc trong huyện tiếp tục được bảo tồn, đặc biệt là một số lễ hội của dân tộc Vân Kiều, Pa Kô được khôi phục với những hoạt động văn hóa hướng về cội nguồn.
Các thiết chế văn hóa xã, thôn đang dần được hoàn thiện, một số nhà văn hóa được đầu tư xây mới, sửa chữa nâng cấp; một số địa phương hoàn thiện quy hoạch đất để xây dựng các sân thể thao và điểm vui chơi. Hạ tầng thông tin, dịch vụ bưu chính, viễn thông không ngừng phát triển, đảm bảo thông tin liên lạc phục sự chỉ đạo, điều hành của các cấp, đồng thời phục vụ tích cực trong phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo QP-AN và các sự kiện trọng đại của huyện. Đến nay, trên địa bàn huyện đã xây dựng 11 mô hình bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng và 7 mô hình phòng, chống kết hôn trẻ em. Tỉ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2022 là 43,69%
Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông Lê Đại Lợi cho biết: “Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân tộc ở huyện còn gặp không ít khó khăn. Vì vậy, huyện Đakrông xây dựng các giải pháp khắc phục trong thời gian tới, cụ thể: tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện các nội dung của Nghị quyết số 24-NQ/ TW; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, cán bộ, đảng viên về mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp về công tác dân tộc.
Mặt trận và các tổ chức đoàn thể tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa hình thức tập hợp Nhân dân, hướng mạnh về cơ sở, khắc phục hành chính hóa trong hoạt động. Phát hiện, bồi dưỡng cán bộ, đoàn viên, hội viên phát triển vào Đảng, tạo nguồn cán bộ cho Đảng và hệ thống chính trị.
Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động do mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội phát động, tổ chức gắn với thực hiện hiệu quả, thiết thực việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, các phong trào thi đua phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, làm giàu gắn với xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp, huy động nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng, thực hiện tốt các chương trình: phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi, nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Chú trọng sơ kết, tổng kết, nhân rộng những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, xoá đói giảm nghèo có hiệu quả trong đồng bào DTTS. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ chủ chốt; bố trí cán bộ làm công tác dân tộc đáp ứng với tình hình mới”.
Minh Long