Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Phát huy vai trò giám sát của Mặt trận

(Mặt trận) -Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719) đã đi được gần nửa chặng đường. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình tại nhiều địa phương cũng bộc lộ một số bất cập cần tháo gỡ.

Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang thăm, tặng quà cho người uy tín huyện Yên Sơn

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

 Nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 giúp đồng bào DTTS và miền núi đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân. Ảnh: Thành Nhân.

Do đó, làm thế nào để phát huy tốt nhất vai trò giám sát của Mặt trận nhằm tạo sự thống nhất cao của hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân là điều rất quan trọng.

Gỡ khó khăn từ cơ sở

Nghệ An là một trong những địa bàn có nhiều huyện nghèo. Do đối tượng thụ hưởng Chương trình MTQG 1719 là vùng còn nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội, nên việc bố trí nguồn vốn đối ứng của địa phương 10% theo quy định cũng hầu như không thể thực hiện được. Để tạo thêm nguồn lực cho các địa phương, tháo gỡ khó khăn, tỉnh Nghệ An đã cân đối ngân sách để bố trí đủ nguồn vốn đối ứng cho cả 3 cấp.

Ông Trịnh Thanh Hải - Giám đốc Sở Tài chính Nghệ An cho biết, dự kiến Trung ương giao tỉnh hơn 4.931 tỷ đồng để thực hiện các Chương trình MTQG, trong đó tỉnh đã phải bố trí nguồn vốn đối ứng 493 tỷ đồng. Hiện, tỉnh đã cân đối đủ nguồn vốn này cho cả 3 cấp. Việc bố trí chủ yếu được thực hiện lồng ghép trong các chương trình, dự án. Trong kế hoạch thực hiện năm 2023, để có đủ nguồn vốn triển khai, tỉnh Nghệ An đã đề ra giải pháp là huy động, lồng ghép các nguồn lực trong việc thực hiện Chương trình, đặc biệt là nguồn xã hội hóa.

Chương trình MTQG 1719 là yếu tố quyết định nâng cao đời sống của người dân, từng bước giảm nghèo bền vững, đặc biệt sẽ tác động thay đổi căn bản diện mạo khu vực nông thôn, miền núi, vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống. Tuy nhiên, để triển khai được các nhiệm vụ đầu tư, cần huy động nguồn lực rất lớn. Nhiều tỉnh, thành đã tìm những giải pháp để gia tăng nguồn lực cho Chương trình MTQG 1719. Tại Quảng Trị, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu các địa phương cần xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong việc thực hiện các Chương trình để có giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong việc huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả nguồn vốn thực hiện.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sĩ Đồng, tỉnh đã ưu tiên lồng ghép nguồn vốn để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các địa bàn đặc biệt khó khăn và các địa bàn dự kiến hoàn thành mục tiêu của Chương trình MTQG 1719, ưu tiên thực hiện các nội dung, hoạt động, dự án có tính lan tỏa, phát huy lợi thế của từng địa phương.

Trong khi đó, tại Quảng Nam, ông Nguyễn Phi Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, năm 2022 là năm đầu tiên triển khai Chương trình MTQG 1719, một số bộ, ngành trung ương chưa kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, nhất là hướng dẫn về quản lý, sử dụng nguồn kinh phí. Vì vậy, nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh dù được phân bổ nhưng chưa có cơ sở để triển khai. Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư của Chương trình trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh đạt thấp. Một số nội dung thuộc các dự án như hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi số... còn nhiều bất cập, khó khăn.

“Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Nam đề nghị Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì phối hợp biên soạn, cung cấp tài liệu hỏi - đáp ngắn gọn, dễ hiểu để vận động người dân thực hiện Chương trình; tổ chức tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm giám sát. Đồng thời, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam kiến nghị Chính phủ thống nhất hướng dẫn để Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng được hưởng khoản kinh phí giám sát các công trình, dự án đầu tư ở cơ sở…” - ông Hùng cho hay.

Đẩy mạnh hoạt động giám sát

Để đẩy mạnh các nội dung trong Chương trình, nhiều địa phương đã đẩy mạnh các hoạt động giám sát, thúc đẩy các dự án kịp tiến độ. Ông Nguyễn Văn Triết - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Trà Vinh cho biết, khi thực hiện Chương trình, các cấp, các ngành trong tỉnh đã lồng ghép tuyên truyền hơn 12.850 cuộc cho gần 643.000 lượt đối tượng; phối hợp tổ chức hơn 40 hội nghị tập huấn, hội nghị chuyên đề cho gần 5.500 lượt người tham dự; in tái bản gần 2.000 cuốn tài liệu tuyên truyền về chính sách trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS; thực hiện 6 kỳ chuyên trang, chuyên mục phổ biến, giáo dục pháp luật bằng tiếng Khmer về Chương trình.

“Đặc biệt, hướng dẫn MTTQ các cấp xây dựng mô hình điểm về công tác giám sát tại cơ sở, chú trọng việc giám sát tại cộng đồng để kịp thời phát hiện những nội dung còn chồng chéo, bất cập; mạnh dạn nêu lên những kiến nghị và theo dõi đến cùng việc giải quyết các kiến nghị sau giám sát; đồng thời thường xuyên theo dõi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và dư luận xã hội đối với việc tổ chức thực hiện Chương trình ở các địa phương để đảm bảo cho việc triển khai, tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh mang lại hiệu quả cụ thể, thiết thực và nhận được sự đồng thuận cao trong xã hội” - ông Triết nói.

Việc giám sát cũng được đẩy mạnh tại Bắc Giang. Trong đó, đoàn giám sát đã làm việc trực tiếp hoặc giám sát bằng văn bản tại các huyện Sơn Động, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang, Lục Ngạn. Trong đó, tại mỗi huyện, đoàn đã tiến hành giám sát tại 2 xã, mỗi xã tiến hành khảo sát từ 1 đến 2 công trình, mô hình triển khai thực hiện.

Ông Giáp Ngọc Giang - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang đánh giá, UBND các cấp đã kịp thời triển khai thực hiện cũng như thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG, xây dựng quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ, thành lập Ban quản lý, phê duyệt Ban Phát triển thôn. Các địa phương cũng đã chủ động rà soát đối tượng thụ hưởng từ thôn, bản, tổ dân phố đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, tổ chức niêm yết tại cơ sở theo quy định. Qua giám sát, đoàn giám sát đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế công tác tuyên truyền có nơi còn chưa được sâu, rộng; tiến độ triển khai và giải ngân một số dự án còn chậm; chất lượng xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình ở cấp xã còn hạn chế; chưa tổ chức được các cuộc kiểm tra, giám sát chuyên đề…

Với đặc thù là tỉnh có đông đồng bào DTTS sinh sống, MTTQ tỉnh Phú Thọ cũng tổ chức đoàn giám sát tại huyện Yên Lập về kết quả thực hiện Chương trình MTQG 1719, giai đoạn 2021-225. Ông Đinh Ngọc Thanh - Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền vận động và tổ chức thực hiện có hiệu quả các dự án thuộc Chương trình MTQG 1719. Triển khai đồng bộ, toàn diện các nội dung của Chương trình, nhằm phát huy hiệu quả chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó, phối hợp với MTTQ và các tổ chức đoàn thể thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tiến độ, chất lượng công trình, dự án được triển khai để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực hiện, đảm bảo tiến độ, thời gian theo quy định.

Có thể thấy, Chương trình MTQG 1719 đã đi được gần nửa chặng đường. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình tại nhiều địa phương cũng bộc lộ một số bất cập cần tháo gỡ. Vì vậy, các địa phương cần khẩn trương, phát huy tốt nhất vai trò giám sát của MTTQ nhằm tạo sự thống nhất cao của hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân để chương trình được triển khai sâu rộng, mang lại lợi ích thiết thực cho đồng bào DTTS và miền núi phát triển kinh tế - xã hội, từ đó góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Theo bà Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, thông qua hoạt động giám sát của Mặt trận, việc thực hiện Chương trình MTQG 1719 bước đầu đã đúng đối tượng thụ hưởng nhưng vẫn còn nhiều người dân nằm ngoài chương trình được thụ hưởng chính sách, do ảnh hưởng của quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Bên cạnh đó, có một số chính sách hỗ trợ được ban hành chưa sát với thực tế; một số địa phương chồng lấn về địa giới hành chính, nên chính sách của chương trình chưa bao phủ hết.

TUỆ PHƯƠNG