Thực hành tín ngưỡng an toàn trong mùa dịch

(Mặt trận) - Đi lễ ở chùa, cơ sở tự viện hay tham gia các lễ hội đầu xuân là nhu cầu thực hành tín ngưỡng chính đáng của nhân dân, cũng là nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc đã được gìn giữ, duy trì qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, trước các diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, đặc biệt là sự xuất hiện biến thể siêu lây nhiễm Omicron, việc thực hành tín ngưỡng đòi hỏi cần có sự sắp xếp, điều chỉnh hợp lý để vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh, vừa bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

Chùa Hà (Hà Nội) đóng cửa từ 18 giờ ngày 11/2 để thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19

Nhiều người vẫn còn nhớ một năm trước, trong những ngày đầu năm mới, khi phải đối mặt với dịch Covid-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, nhiều địa phương trên cả nước  liên tiếp đưa ra các quyết định hoãn, hủy, thu hẹp quy mô, điều chỉnh cách thức tổ chức lễ hội trên địa bàn nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng. Theo đó, hàng loạt lễ hội lớn như lễ hội Đền Trần, lễ hội Chùa Hương, lễ hội Đền Gióng, lễ hội Cổ Loa, lễ hội Đền Hùng, lễ hội Chùa Bái Đính, chùa Tam Chúc, cướp phết Hiền Quan, hội Lim, hội Đền Bà Chúa Kho, khai xuân Yên Tử… đã dừng tổ chức hoặc không tổ chức khai hội, hoặc chỉ tổ chức phần lễ, bỏ qua phần hội. Kết quả của các quyết định phù hợp này là lượng khách trảy hội đầu năm 2021 đã giảm hẳn so với các năm trước. Đồng thời, nhiều biểu hiện biến tướng, lệch chuẩn về niềm tin tín ngưỡng vốn năm nào cũng xuất hiện ở các lễ hội và bị phê phán rất mạnh mẽ như mê tín dị đoan, trục lợi tâm linh, thương mại hóa lễ hội, chèo kéo, hét giá người dự hội, kích động bạo lực,… cũng giảm đáng kể. Tình trạng tập trung đông người khấn vái, dâng sao giải hạn tại các cơ sở thờ tự được hạn chế. Nhiều ý kiến cho rằng, nhìn từ khía cạnh tích cực thì đây chính là cơ hội để lấy lại sự ngăn nắp, vẻ đẹp của lễ hội truyền thống, cũng là bước dừng cần thiết để người dân có thời gian tự cân bằng giữa nhu cầu tinh thần của cá nhân với các thực hành tín ngưỡng. 

Tuy nhiên quan sát cụ thể, khách quan về tình trạng tụ tập đông người vẫn thấy thời gian qua tại không ít di tích, địa chỉ tâm linh vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng dịch. Điển hình là thời điểm giữa tháng 3/2021, có ngày khu du lịch Chùa Tam Chúc (Hà Nam) đón hàng chục nghìn khách thăm viếng. Lượng khách tăng đột ngột ngoài dự kiến khiến Ban quản lý ở đây không kịp phản ứng, dẫn đến tình trạng “vỡ trận”, không thể kiểm soát việc thực hiện giãn cách và bảo đảm 5K. Chưa kể, việc tập trung đông người còn làm không khí trở nên ngột ngạt, một số người tự ý bỏ khẩu trang hoặc chỉ đeo lấy lệ. Điều này cũng từng xảy ra ở lễ hội Đền Hùng năm 2021. Trên thực tế, một số nơi đã bỏ phần khai hội để tránh tập trung đông người nhưng lại thiếu khả năng dự báo nên vẫn không loại bỏ được hoàn toàn nguy cơ nhiều người tụ tập trong một khoảng thời gian, không gian nhất định, dẫn tới bị động, lúng túng khi giải quyết tình huống phát sinh. Trong khi đó ngày nay, việc tham dự lễ hội, chiêm bái các cơ sở thờ tự, đặc biệt là di tích và lễ hội lớn, thường không đơn thuần chỉ gói gọn trong quy mô người cùng làng, xã mà còn có sự tham gia của du khách đến từ mọi vùng, miền của đất nước. Vì thế, nếu xuất hiện một vài trường hợp F0 thì nguy cơ lây lan dịch bệnh tới nhiều tỉnh, thành phố khác sẽ rất lớn. 

Từ thực tế hoạt động lễ hội, phải khẳng định rằng không ai có thể bảo đảm tình trạng tương tự sẽ không xảy ra vào mùa lễ hội, chiêm bái năm nay, nhất là khi một bộ phận người dân đang có tâm lý chủ quan. Một bộ phận người dân vẫn lơ là trong phòng dịch. Thậm chí “sống chung với dịch” đang trở thành câu nói cửa miệng được nhiều người sử dụng làm lý lẽ bao biện cho việc được rong chơi, ăn uống, tận hưởng cuộc sống như bình thường. Hầu như họ không bận tâm đến vấn đề sống chung an toàn với dịch là thông điệp phải được quán triệt rộng rãi, trên tinh thần đó tìm cách kiểm soát rủi ro, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh. Việc cố tình hiểu sai lệch rất có thể sẽ dẫn đến tình trạng nhiều người bất chấp quy định về phòng, chống dịch mà cố tình tụ tập tại các lễ hội, cơ sở thờ tự để thỏa mãn nhu cầu tâm linh dịp đầu năm kết hợp với vui chơi, giải trí. Và nếu địa phương có di tích, lễ hội không chuẩn bị sẵn phương án ứng phó hiệu quả sẽ có nguy cơ bị “thất thủ”.

Xác định rõ thực tế này và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 11-CT/TW của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Nhâm Dần 2022, Chỉ thị số 35/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, ngày 7/1/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Công văn số 58/BVHTTDL-VHCS gửi các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch; Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, lễ hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán;  bảo đảm phục vụ nhân dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, phù hợp với nếp sống văn minh, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa của dân tộc và tình hình dịch Covid-19 của từng địa phương. Ngay sau đó, một số địa phương đã ban hành quyết định tạm dừng một số lễ hội, hoạt động có khả năng thu hút đông người để tập trung cho công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, tiêu biểu như lễ hội đền Trần (Thái Bình), lễ hội chùa Hương (Hà Nội)... Các quyết định này cho thấy quyết tâm cao của các địa phương trong nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh, vì an toàn sức khỏe người dân và sự phát triển bền vững. Ngay sát Tết cổ truyền, ngày 28/1, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng gửi công điện đến các địa phương, yêu cầu tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội và hoạt động bắn pháo hoa nổ dịp Tết Nhâm Dần 2022, với lễ hội truyền thống, địa phương chỉ tổ chức phần nghi lễ, không tổ chức phần hội (vui chơi, giải trí, thể thao...).

Thiết nghĩ, việc thực hành tín ngưỡng để cầu an, mong mọi sự tốt lành là nhu cầu chính đáng của mỗi cá nhân cần được tôn trọng. Tuy nhiên, ở giai đoạn đặc biệt này, khi mà số ca nhiễm Covid-19 lên tới hàng chục nghìn người mỗi ngày, tác động nặng nề đến đời sống kinh tế, xã hội, đe dọa sức khỏe và tính mạng của con người thì mỗi cá nhân cần phải cân nhắc, điều chỉnh hành vi phù hợp vì lợi ích, trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội. Để thực hiện mục tiêu kép, đưa đất nước vận hành ổn định trong trạng thái “bình thường mới”, cùng với việc đẩy nhanh tốc độ tiêm phủ vắc-xin,   Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Như vậy, hiện nay chủ trương phòng, chống dịch của nước ta là tăng cường kiểm soát rủi ro. Điều này đòi hỏi sự chủ động, tự giác, nêu cao tinh thần trách nhiệm khi thực hiện hành vi của mỗi tổ chức, cá nhân. Chủ trương này trực tiếp liên quan đến nhu cầu thực hành tín ngưỡng của người dân. Theo các chuyên gia, để việc thực hành tín ngưỡng đầu năm của người dân diễn ra thuận lợi, văn minh, an toàn, nhất thiết cần có sự thay đổi, sắp xếp lại cách tổ chức hoạt động của lễ hội, điểm di tích, cơ sở tự viện. Căn cứ vào tính chất, quy mô lễ hội và tình hình phòng, chống dịch thực tế của địa phương, chính quyền và ban quản lý lễ hội có thể xem xét, đưa ra các quyết định như: dừng, hủy, thu hẹp quy mô tổ chức,… nhằm hạn chế tốt nhất tình trạng tập trung đông người. Đồng thời, cần đưa ra các dự báo để xây dựng nhiều kịch bản ứng phó với những tình huống phát sinh khác nhau. Thời gian qua, tại một số điểm di tích, cơ sở thờ tự đã có một số cách làm sáng tạo như: tổ chức lễ cầu an trực tuyến hay khai ấn trực tuyến… Đây là những giải pháp cần tiếp tục phát huy, nhân rộng, bởi vừa giúp người dân thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng lành mạnh, vừa bảo đảm phòng, chống dịch. Để tránh bị động do quá tải số người đến thực hành tín ngưỡng cùng một thời điểm, chính quyền địa phương và ban quản lý các di tích cần tính toán được sức chứa của điểm đến sao cho bảo đảm về giãn cách mùa dịch; có sự phối hợp phân luồng giao thông, phân luồng người đến di tích; khi cần có thể chủ động hạn chế lượng người vào di tích để tránh ùn tắc; yêu cầu và giám sát người dân thực hiện nghiêm quy tắc 5K; kiên quyết dừng đón khách nếu không bảo đảm yêu cầu phòng dịch… 

Thực tế cho thấy, bất kỳ hoạt động mang tính cộng đồng nào cũng cần được tổ chức, quản lý sao cho luôn vận hành theo hướng tích cực, và thực hành tín ngưỡng cũng không là ngoại lệ. Vì thế, bên cạnh vai trò của chính quyền địa phương, ban quản lý di tích, ban tổ chức lễ hội, còn cần sự vào cuộc rốt ráo của các cơ quan chức năng trong việc định hướng và đôn đốc, kiểm tra các hoạt động thực hành tín ngưỡng, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm về phòng, chống dịch, hoặc lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, thực hiện nghiêm biện pháp tạm ngừng tổ chức lễ hội theo Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội khi nhận thấy nguy cơ lây nhiễm dịch trong cộng đồng. Đặc biệt và quan trọng nhất vẫn là vận động người dân nâng cao ý thức phòng dịch. Mỗi người cần có sự điều chỉnh về hành vi, thói quen khi thực hành tín ngưỡng. Chẳng hạn, thay vì đi lễ đầu năm thì có thể cân nhắc lựa chọn thời điểm khác trong năm để hành lễ, tránh tụ tập đông người; hoặc thay vì cả đại gia đình đi lễ, nay chỉ cần một người đại diện; hoặc thực hành theo nghi lễ theo hình thức trực tuyến… Suy cho cùng, đi lễ là để cầu bình an, nên vào thời điểm dịch bệnh phức tạp, mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức về việc giữ bình an cho bản thân, gia đình và mọi người chung quanh bằng cách thật thận trọng khi lựa chọn thời gian cũng như cách thức thực hành tín ngưỡng. Việc thay đổi hành vi, điều chỉnh thói quen của mỗi người một cách linh hoạt để thích ứng với tình hình mới, bảo đảm an toàn phòng dịch, đó cũng chính là thể hiện ý thức, trách nhiệm của công dân đối với toàn xã hội.