Thanh Sơn: Phát huy vai trò người có uy tín

(Mặt trận) -Huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ hiện có 207 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Những năm qua, người có uy tín trên địa bàn huyện Thanh Sơn đã trở thành “điểm tựa” trong cộng đồng, luôn tích cực nêu gương, đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần giảm nghèo và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Hiệu quả Chương trình MTQG 1719 ở tỉnh Thái Nguyên

Tiếp chúng tôi khi được vinh dự là một trong 10 người có uy tín của tỉnh Phú Thọ tham dự “Chương trình biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến là người có uy tín trong đồng bào DTTS toàn quốc năm 2023” trở về, ông Lý Văn Minh, khu Xuân Thắng, xã Cự Thắng vui mừng chia sẻ: “Được bà con tín nhiệm, tin tưởng là động lực để tôi luôn cố gắng mỗi ngày, phát triển kinh tế gia đình, giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm cho bà con dân bản đồng thời vận động người dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới”.

 Ông Minh (ở giữa) người có uy tín xã Cự Thắng đã tích cực vận động nhân dân hiến đất làm đường...

Khu Xuân Thắng có 116 hộ với 100% là đồng bào dân tộc Dao. Ông Minh không chỉ là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế gia đình, với vai trò là người có uy tín ông đã truyền dạy chữ viết, kiến thức, văn hóa của người Dao cho thế hệ trẻ trong bản, điều đáng mừng là đến nay, đã có hơn chục người thành thạo viết, đọc và hiểu nghĩa. Đồng thời, từng có hơn 20 năm làm trưởng khu dân cư, ông đã vận động nhân dân hiến đất làm đường, xóa bỏ hủ tục lạc hậu xưa cũ...

Đi trên con đường bê tông rộng rãi, chạy dọc giữa làng, ông Minh tâm sự: “Con đường này ngày xưa toàn đất đá lại rất hẹp, đi lại, vận chuyển hàng hóa khó khăn. Triển khai xây dựng nông thôn mới, chính quyền tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất để mở rộng đường nhưng do bà con chưa hiểu lợi ích vì thế chưa thực sự đồng lòng, mình là đảng viên, người có uy tín nên “đi trước” sẵn sàng hiến đất làm đường, vận động anh em trong dòng họ, rồi đến hàng xóm láng giềng, từ đó người dân đã đồng tình hưởng ứng, giờ thì đường đã được cứng hóa, sạch đẹp, ô tô vào tận bản thu mua chè tươi, bà con vui lắm”.

Không chỉ vận động người dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối, của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhiều người có uy tín đã góp phần không nhỏ trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào mình. Đặc biệt, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, trong đó có Đề án giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và DTTS khác, nhiều người có uy tín trong đồng bào DTTS của huyện đã trở thành những người “truyền lửa” tình yêu văn hóa dân tộc của đồng bào mình cho thế hệ sau. Tiêu biểu như ông Hà Quang Nguyện - người có uy tín khu Bần 1, xã Võ Miếu. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất giàu truyền thống văn hoá, ông Nguyện tự hào khi có thể góp phần gìn giữ, lan tỏa những điệu hát Ví, hát Rang, cồng chiêng... của đồng bào Mường cho bà con dân bản, vận động nhân dân tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hội thao dân gian. Đồng thời, ông cũng tích cực đi đầu trong công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới góp phần đưa Võ Miếu trở thành xã nông thôn mới trong năm vừa qua.

 Ông Nguyện giới thiệu về những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Mường.

Bên cạnh đó, những người có uy tín tại các địa phương đã thường xuyên vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng xuất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, ổn định đời sống, qua đó xuất hiện nhiều mô hình kinh tế của người có uy tín đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo sức lan tỏa để nhiều hộ gia đình cùng tham gia như: Ông Hà Khắc Đinh, xã Đông Cửu; Nguyễn Quang Hòa, xã Thắng Sơn; Đinh Quốc Bẳn, xã Tân Lập; bà Đinh Thị Tươi xã Tân Minh; ông Hà Đức Nhuận xã Thượng Cửu...

Đến các bản làng vùng cao mới thấy hết vai trò, trách nhiệm của người có uy tín. Họ như những cánh chim đầu đàn, dẫn dắt đồng bào mình vượt qua mọi khó khăn, luôn vững tin theo Đảng, Nhà nước đồng thời trở thành những “đầu tàu” trong các phong trào thi đua của địa phương, là cầu nối góp phần quan trọng giúp địa phương thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc từ đó thúc đẩy phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi huyện Thanh Sơn.

T.L