Thanh Sơn: Phát huy vai trò người có uy tín

(Mặt trận) -Đội ngũ người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) không chỉ là những người gần dân, hiểu dân mà còn là hạt nhân đoàn kết, “cầu nối” giữa Đảng với nhân dân. Với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết trong công việc, đội ngũ người có uy tín huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

Những kết quả nổi bật trên hành trình giảm nghèo bền vững ở Vĩnh Linh

Phát huy vai trò người có uy tín ở xã Trung Sơn

 Lãnh đạo huyện Thanh Sơn tặng quà cho người có uy tín trong đồng bào DTTS.

Huyện Thanh Sơn có 22 xã, một thị trấn với 32 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó hơn 60% là người dân tộc thiểu số. Trên địa bàn huyện hiện có 207 người có uy tín, trong đó có 103 người là đảng viên, năm người là già làng, 47 người là cán bộ nghỉ hưu, bốn người là trưởng dòng họ...

Những năm qua, đội ngũ người có uy tín trên địa bàn huyện luôn tích cực phối hợp, đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng các phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, giảm nghèo... Điển hình như ông Đinh Khắc Hiếu, người có uy tín, dân tộc Mường, ở xóm Sụ Trong, xã Cự Thắng với mô hình trồng trọt, chăn nuôi tổng hợp cho hiệu quả kinh tế cao. Trang trại của ông hiện có 10 con bò, 60 con lợn thịt, 10 con lợn nái, 1,8ha chè và 7ha rừng trồng cây lâm nghiệp, thu nhập bình quân đạt gần 400 triệu đồng/năm.

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025, huyện Thanh Sơn triển khai thực hiện năm dự án thành phần gồm: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình.

Để những dự án này triển khai hiệu quả, những người có uy tín như bà Đinh Thị Hiền, dân tộc Mường, ở khu Xóm Viết, xã Tinh Nhuệ; ông Lê Văn Hòa, dân tộc Dao, khu Bồ Xồ, xã Yên Lương; ông Hoàng Xuân Trường, dân tộc Mường, khu Đồng Lão, xã Thục Luyện; ông Phùng Vinh Viên, dân tộc Dao, khu Quyết Tiến, xã Địch Quả... đã tích cực vận động người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm tỉ lệ hộ nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Bà Đinh Thị Hiền, người có uy tín ở khu Xóm Viết, xã Tinh Nhuệ cho biết: “Với vai trò là người có uy tín trong cộng đồng, tôi luôn cố gắng, nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin tưởng của bà con nhân dân”.

Từ sự tuyên truyền, vận động của người có uy tín, nhiều thanh niên, hội viên phụ nữ, nông dân là đồng bào DTTS đã tham gia các lớp học nghề chăn nuôi, thú y, chế biến chè, cơ khí, may mặc... Đến nay, tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm còn 11,6%, hộ cận nghèo giảm còn 12%. Trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, người có uy tín trên địa bàn huyện tích cực tham gia đóng góp nhiều ý kiến thiết thực vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương. Chủ động nắm tình hình dư luận xã hội, đời sống, sản xuất, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào DTTS, phản ánh kịp thời với các cơ quan chức năng.

Nhằm động viên, khích lệ, tạo điều kiện cho những người có uy tín phát huy hơn nữa vai trò, vị trí của mình, huyện Thanh Sơn đã tổ chức các buổi tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho người có uy tín trong đồng bào DTTS, tổ chức các chuyến tham quan, học hỏi kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo. Tôn vinh, biểu dương, ghi nhận những công lao đóng góp của người có uy tín trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, làm tốt chính sách đối với người có uy tín trên địa bàn.

Hà Trang