Thanh Sơn: Điểm sáng xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ

(Mặt trận) -Thanh Sơn là xã miền núi, khó khăn nhất của huyện khó Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh. Xã có gần 450 hộ dân với 1.900 nhân khẩu thì 93% là đồng bào dân tộc Sán Chỉ, Dao, Cao Lan, Tày, Hoa... Dân cư vốn sinh sống không tập trung, trình độ nhận thức không đồng đều, ngôn ngữ, phong tục tập quán mỗi người mỗi khác… nên việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở tại Thanh Sơn không đơn giản. Tuy nhiên bằng sự nỗ lực, quyết tâm và những cách làm sáng tạo, trong 5 năm qua, Thanh Sơn là một trong những điểm sáng về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở của huyện Ba Chẽ.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Lãnh đạo xã Thanh Sơn đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động trồng rừng gỗ lớn.

Cách xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở của Thanh Sơn là tạo được sự công khai, minh bạch, thống nhất trong đội ngũ cán bộ cấp xã, đến thôn rồi mới đến người dân. Các chương trình phương hướng nhiệm vụ cấp ủy quan trọng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của UBND xã, dự toán thu chi ngân sách, các nguồn lực huy động xã hội hóa, các công trình xây dựng cơ bản, tiến trình thực hiện xây dựng NTM... đều được đưa ra tập thể bàn bạc, thống nhất, thấm sâu vào nhận thức của từng cán bộ xã. Những nhận thức này được chuyển tải xuống thôn bản, xuống mỗi hộ dân, người dân bằng nhiều cách khác nhau.

Đặc biệt các nội dung liên quan trực tiếp tới đời sống người dân được ưu tiên chuyển tải sâu rộng, thông qua mọi hình thức như niêm yết văn bản, gửi văn bản, phát thanh, họp thôn, tuyên truyền trực tiếp... đảm bảo mọi người dân nắm chắc nhất, thấu hiểu nhất. Cụ thể như: Các nghị quyết của HĐND xã, quyết định của UBND xã, quy chế về xây dựng gia đình, thôn, bản văn hóa, các thủ tục hành chính, các khoản thu thuế, phí, lệ phí mà người dân phải thực hiện, các công trình cộng đồng cần có sự tham gia của người dân...

Ở Thanh Sơn, để tuyên truyền thông tin đến người dân cũng như lấy ý kiến, biểu quyết của người dân thì các buổi họp dân được ưu tiên triển khai. Quy mô buổi họp có thể là toàn bộ các hộ dân trong thôn, bản nếu như dân cư tập trung, cũng có thể một nhóm nhỏ nếu dân cư xa xôi, cách biệt. Hệ thống loa truyền thanh xuống thôn bản được chú trọng, đặc biệt các xe phát thanh lưu động được trưng dụng, phổ biến ở những điểm dân cư mà hệ thống loa truyền thanh không đến được.

Ông Lục Văn Bình, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thanh Sơn, cho biết: Các xe phát thanh lưu động đơn giản là cán bộ xã dùng xe máy có kèm loa và máy phát đi xuống các thôn, bản, điểm dân cư, phát những thông điệp cần thiết cho người dân hiểu. Xã Thanh Sơn dành kinh phí để cấp khoản xăng xe, bảo dưỡng xe và chi hỗ trợ làm việc cho cán bộ thực hiện.

Ông Phạm Thế Hiền, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn, cho biết: Để xây dựng và thực hiện QCDC tại Thanh Sơn, một trong những nguyên tắc quan trọng được thực hiện đó là tính đi đầu, gương mẫu của cán bộ, đảng viên cấp xã, thôn, mỗi người là một điển hình để người dân học và làm theo. Mọi hoạt động đều thực hiện nguyên tắc chung, tôn trọng cao nhất tính nghiêm minh của pháp luật, các quy định, quy chế cơ bản đã đề ra, đảm bảo lợi ích chung cho nhiều người. Xã Thanh Sơn là đơn vị đạt số lượng và chất lượng tốt về công tác tiếp công dân, giải quyết các đơn thư phản ánh, khiếu nại của người dân, tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân... qua đó giải tỏa những vướng mắc của người dân. Đây là nền tảng để người dân cảm nhận quyền làm chủ của mình được coi trọng, được đảm bảo, từ đó tự tin để tham gia ý kiến, đóng góp sức mình vào những công việc cộng đồng, nhiệm vụ chung của thôn, xã.

Có thể thấy, nhờ làm tốt công tác xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, những năm gần đây, Thanh Sơn đang có bước tiến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, bộ mặt nông thôn thay đổi. Hiện xã đang hoàn thành những chỉ tiêu, tiêu chí cuối cùng để năm 2021 này đạt chuẩn NTM. Toàn xã căn bản hoàn thiện về hạ tầng giao thông, kể cả những công trình được làm từ nguồn lực xã hội hóa, người dân yên tâm làm ăn, dựa vào kinh tế rừng, ruộng... đến nay số hộ nghèo của Thanh Sơn chỉ còn 4 hộ. 

Việt Hoa