Thanh Hóa: Người có uy tín phát huy vai trò kết nối tinh thần đoàn kết cùng phát triển

(Mặt trận) -Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có 1.289 Người có uy tín trong đồng bào DTTS; trong đó dân tộc Mường 638 người, dân tộc Thái 485 người, dân tộc Kinh 92 người, dân tộc Thổ 31 người, dân tộc Dao 12 người, dân tộc Mông 43 người, dân tộc Khơ Mú 2 người và dân tộc Thổ 26 người. Đó là những người được người dân thôn, bản bình chọn, suy tôn; có vai trò và ảnh hưởng lớn trong công tác vận động đồng bào tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị ở địa phương.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Đội ngũ những Người có uy tín trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã và đang trở thành nhân tố tích cực, cánh tay nối dài, cầu nối giữa cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa và xây dựng nông thôn mới ở cơ sở.

 Người có uy tín tiên phong trong công tác giảm nghèo, tích cực tăng gia sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương

Là một trong những Người có uy tín tiêu biểu ở Thanh Hóa, ông Quách Văn Long, Trưởng thôn Đồng Xuân, xã Hải Long, huyện Như Thanh, đã thể hiện vai trò của mình trong xây dựng NTM, với việc tích cực vận động Nhân dân tham gia hiến đất, giải phóng mặt bằng để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, xây cầu, cống và các công trình phúc lợi với số tiền trên 2 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ông còn phối hợp với ban thôn, các chi hội, đoàn thể tham gia giải quyết có hiệu quả các vụ tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân, nhất là trong nội bộ các dân tộc và tôn giáo, không để phát sinh vấn đề phức tạp.

Tại thôn bản, ông vận động các đối tượng nghiện ma túy tự giác cai nghiện tại cộng đồng, các đối tượng trộm cắp, gây mất an ninh trật tự tại địa phương hoàn lương trở thành công dân tốt.

“Được bà con tin tưởng, tín nhiệm là vinh dự, tự hào nhưng cũng là trọng trách mà tôi luôn phải nỗ lực để xứng đáng với niềm tin của bà con Nhân dân. Bởi thế, với bất kỳ công việc nào, tôi cũng không ngại tham gia ngay từ đầu để nêu gương, có như vậy mới thuyết phục được Nhân dân cùng thực hiện”, ông Long chia sẻ.

Hay ông Bàn Văn Phòng, Tổ trưởng tổ an ninh xã hội thôn Thạch An, xã Cẩm Liên, huyện Cẩm Thủy, với suy nghĩ về trách nhiệm của mình chính là là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, ông đã thường xuyên tuyên truyền, vận động gia đình, dòng họ, Nhân dân trong thôn tham gia thực hiện hiệu quả những phong trào hoạt động, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo, ông đã vận động Nhân dân mạnh dạn vay vốn phát triển sản xuất, bằng phương thức chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng nhằm ổn định cuộc sống gia đình.

Bản thân ông tích cực vận động Nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn thôn.

Thực hiện chương trình xây dựng NTM, ông đã “đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa, vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM để người dân đồng thuận, tích cực tham gia các nội dung, tiêu chí, đặc biệt là tiêu chí về đảm bảo an ninh pháp luật, tiêu chí về văn hóa, giảm nghèo...

“Là thôn có 100% các hộ là đồng bào dân tộc Dao sinh sống, vì vậy, tôi đã phối hợp với các đoàn thể của thôn tổ chức được nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; vận động Nhân dân xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu, lỗi thời không còn phù hợp; học tập những cái hay, tiến bộ trong văn hóa các dân tộc khác”, ông Phòng chia sẻ.

Ngoài ra, với những nỗ lực cố gắng của ông Phòng trong việc vận động bà con, nâng cao ý thức tự lực tự cường, không trông chờ vào các chương trình, chính sách của Nhà nước, mà chủ động xây dựng mô hình kinh tế gia đình phù hợp, chăm chỉ tăng gia, sản xuất để thoát nghèo...nhờ đó, đến nay, thôn Thạch An đã xóa hết nhà tranh tre, tạm bợ; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8,2% (năm 2015) xuống còn 0,4% (năm 2021)

Bà Lê Thị Huyền, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa, chia sẻ, qua ghi nhận từ thực tiễn, Người có uy tín đang khẳng định là “cánh tay nối dài” giúp mặt trận trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua vùng đồng bào DTTS; giữ gìn an ninh trật tự, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc; góp phần phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới...

“Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, hệ thống dân vận, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh đã đã dành nhiều sự quan tâm, tạo mọi điều kiện để Người có uy tín phát huy tốt vai trò của mình, đóng góp công sức trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS nói riêng, sự nghiệp phát triển của tỉnh nói chung”, bà Huyền khẳng định.

Thu Hằng