Thanh Hóa: Chăm lo, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

(Mặt trận) -Vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Thanh Hóa luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa quan tâm, dành nhiều nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ, nhằm giúp đồng bào có thêm điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Trồng rừng gỗ lớn giúp người dân xã Trí Nang (Lang Chánh) nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Để cụ thể hóa chủ trương, chính sách dân tộc, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các sở, ban, ngành triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Điển hình là vào ngày 23-7-2021, Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 624-QĐ/TU về Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi Thanh Hóa giai đoạn 2021–2025. Đây là một trong những chương trình trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2020–2025, với mục tiêu là tạo chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc khu vực miền núi. Khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế trong khu vực; tranh thủ tối đa các nguồn lực từ bên ngoài để đẩy mạnh phát triển kinh tế, thu hẹp khoảng cách về mức sống của người dân so với miền xuôi, giảm dần địa bàn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, liên vùng, kết nối thuận lợi với các vùng trong và ngoài tỉnh. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước...

Cùng với đó là hàng loạt chương trình, dự án dành cho đồng bào DTTS đã được triển khai hiệu quả, như: Chương trình 30a, Chương trình 134, 135, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi ngành nghề, cho vay vốn phát triển sản xuất, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo... góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trên địa bàn các huyện miền núi trong tỉnh.

Theo thống kê, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa từ năm 2016-2021 đạt trên 58.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 12,3% tổng huy động vốn đầu tư toàn tỉnh trong cùng giai đoạn. Từ năm 2011 đến nay, từ nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình 30a, Chương trình 135, tỉnh Thanh Hóa đã, đang xây dựng, thực hiện được trên 350 dự án phát triển sản xuất, trong đó có khoảng 300 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, góp phần giảm gần 50.000 hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh, vượt mục tiêu giảm bình quân 2,5%/năm. Đến nay, 11 huyện miền núi còn 13.193 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,7%, có 1 huyện thoát nghèo theo Nghị quyết 30a, có trên 30 xã, thôn, bản thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn...

Ngoài ra, các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi nghề tại các huyện nghèo, các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn cho hàng trăm nghìn lượt hộ gia đình. Hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo bước đầu đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện và động lực để hộ nghèo, hộ cận nghèo thay đổi tập quán sản xuất, từng bước áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh sản xuất.

Công tác phát triển giáo dục có những chuyển biến tích cực. Đã có 58% trường đạt chuẩn quốc gia; 7/11 huyện hoàn thành phổ cập giáo dục THCS mức độ 2; tỷ lệ đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế đạt 81%; tỷ lệ trạm y tế xã có bác sĩ đạt 91,4%; 91% người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ xã có điện lưới quốc gia đạt 100%, có đường ô tô đến trung tâm xã đạt 100%...

Từ những giải pháp đồng bộ, hiệu quả đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; củng cố niềm tin vững chắc của đồng bào các DTTS miền núi xứ Thanh vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Xuân Minh