(Mặt trận) - Thái Nguyên là một trong những địa phương có đông đồng bào Công giáo, với trên 30.000 nhân danh sinh hoạt tại 9 giáo xứ, 63 giáo họ ở tất cả 9 huyện, thành phố của tỉnh. Phát huy truyền thống “Sống tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào Công giáo đã và đang từng ngày xây dựng các xứ, họ đạo thêm khang trang, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đưa quê hương Thái Nguyên ngày càng đổi mới, giàu mạnh.
|
Các vị trong Ban Thường trực Ủy ban ĐKCG Việt Nam tỉnh Thái Nguyên thăm và chúc mừng Giáo xứ Yên Lãng, Đại Từ |
Thái Nguyên là một trong những địa phương có đông đồng bào Công giáo, với trên 30.000 nhân danh sinh hoạt tại 9 giáo xứ, 63 giáo họ ở tất cả 9 huyện, thành phố của tỉnh. Phát huy truyền thống “Sống tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào Công giáo đã và đang từng ngày xây dựng các xứ, họ đạo thêm khang trang, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đưa quê hương Thái Nguyên ngày càng đổi mới, giàu mạnh.
Một trong những nội dung tiêu biểu được đồng bào Công giáo trong tỉnh tích cực tham gia, hưởng ứng là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh sống tốt đời đẹp đạo” gắn với thực hiện phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới”. Theo đó, các giáo dân đã đóng góp hàng chục tỷ đồng, hàng nghìn ngày công lao động, tự nguyện hiến đất, nguyên vật liệu, bàn giao mặt bằng để làm đường giao thông nông thôn, các công trình hạ tầng phục vụ dân sinh. Tích cực xây dựng các mô hình kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh trật tự ở vùng có đông đồng bào tôn giáo. Tiêu biểu như: Mô hình khu dân cư “Đoàn kết xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu” ở xóm Làng Phan, xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên); mô hình dân vận khéo “sống tốt đời, đẹp đạo” ở xóm Đồn, xã Bình Thành và xóm Nản, thị trấn Chợ Chu (Định Hóa)...
Trong cuộc vận động Nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương, đồng bào Công giáo tỉnh Thái Nguyên cũng tích cực cùng với Nhân dân ở khu dân cư xây dựng và thực hiện tốt quy ước, hương ước; nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội phù hợp với nếp sống đạo và quy định của pháp luật; đoàn kết lương - giáo và đoàn kết giữa các tôn giáo để cùng nhau xây dựng khu dân cư văn hóa. Toàn tỉnh hiện xây dựng được 22 mô hình “Cộng đồng tôn giáo và dân cư tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, trong đó có 11 mô hình phối hợp với các giáo họ.
Nhiều chức sắc, chức việc và đồng bào Công giáo tỉnh Thái Nguyên ngoài việc làm tròn bổn phận của mình đối với việc đạo còn thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của người công dân, cùng chung tay gánh vác công việc xã hội, là thành viên tham gia nhiệt tình, tích cực, có trách nhiệm trong các tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan dân cử, MTTQ, hội, đoàn thể các cấp và ở khu dân cư. Việc tích cực tham gia các tổ chức, đoàn thể của cá nhân đã góp phần phát huy dân chủ, đại diện đem tiếng nói, nguyện vọng của đồng bào Công giáo kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể ở các cấp, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; đồng thời thông qua các vị mà chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua yêu nước do chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội phát động đến được với đồng bào các tôn giáo đạt hiệu quả hơn. Toàn tỉnh hiện có 46 tín đồ là người Công giáo tham gia đại biểu HĐND các cấp tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2021 - 2026; 251 tín đồ tham gia Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp; 25 vị tham gia Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh… Ngoài ra có nhiều chức việc, người Công giáo tham gia cấp ủy, bí thư chi bộ, trưởng, phó xóm, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng, phó các chi hội đoàn thể, công an viên ở khu dân cư... Trên mọi cương vị tham gia công tác, các vị luôn nhiệt tình, trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Cùng với tích cực tham gia các phong trào, đồng bào Công giáo trên địa bàn tỉnh còn tích cực phát huy truyền thống “Tương thân tương ái”, “Uống nước nhớ nguồn”, tham gia các hoạt động nhân đạo từ thiện, phòng, chống dịch COVID-19.
|
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Ủy ban ĐKCG Việt Nam tỉnh Thái Nguyên tặng Sổ tiết kiệm cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh |
Để đạt được những kết quả nói trên, bên cạnh sự chủ động, tích cực của từng cá nhân còn phải kể đến dấu ấn đậm nét và vai trò rất quan trọng của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên trong việc tổ chức, hướng dẫn, tập hợp, động viên đồng bào Công giáo trên địa bàn. Tuy mới thành lập và phát triển được hơn 5 năm nhưng Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên đã khẳng định vị thế là cầu nối giữa Nhà nước và giáo hội, là chỗ dựa tin cậy của chính quyền, MTTQ các cấp trong công tác vận động; nơi chức sắc, chức việc và đồng bào giáo dân tin tưởng chia sẻ, đồng hành và phản ánh tâm tư nguyện vọng đến các cơ quan Đảng, chính quyền và MTTQ các cấp. Mối quan hệ giữa Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên với các tổ chức trong hệ thống chính trị ngày càng thiết thực, hiệu quả cùng nhau giải quyết những vấn đề có liên quan đến đạo Công giáo trên địa bàn tỉnh.
Với những kết quả đáng tự hào đạt được, Đại hội đại biểu người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tỉnh Thái Nguyên lần thứ II, nhiệm kỳ 2022 - 2027 xác định mục tiêu, phương hướng tổng quát là tiếp tục phát huy vai trò của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào Công giáo trên địa bàn tích cực thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đường hướng của Hội đồng Giám mục Việt Nam; tăng cường mối quan hệ giữa các thành phần dân Chúa với Đảng, Nhà nước, MTTQ, tạo sự đồng thuận trong xã hội; tập hợp, đoàn kết đồng bào Công giáo, củng cố và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nâng cao hiệu quả thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quê hương Thái Nguyên ngày càng giàu đẹp.