Thái Nguyên: Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, diện mạo vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng lên rõ rệt.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Cắt băng khánh thành Công trình điện xóm Cao Biền, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai. Ảnh: Hiếu Anh.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thái Nguyên có 110 xã, thị trấn vùng DTTS và miền núi. Trong đó, 100% xã, thị trấn vùng DTTS và miền núi đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 82/100 xã vùng DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã và đang tăng cường về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn, tạo ra những động lực mới cho sự phát triển. Sau khi nguồn vốn được phân bổ, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã khẩn trương vào cuộc triển khai và bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Cũng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong năm 2022, huyện Đồng Hỷ đã đầu tư xây mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp 23 công trình với tổng kinh phí gần 17 tỷ đồng.

Được biết, tính chung trong toàn tỉnh, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi gồm 10 dự án và 14 tiểu dự án thành phần. Chương trình được chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 và giai đoạn II từ năm 2026 -2030, triển khai thực hiện trên địa bàn 110 xã, thị trấn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh. Theo đó, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển giai đoạn I của Chương trình là hơn 839 tỷ đồng. Nguồn ngân sách Trung ương trên 730 tỷ đồng, nguồn ngân sách địa phương gần 110 tỷ đồng. Trong năm 2022, tổng nguồn vốn đã phân bổ là hơn 287 tỷ đồng. Tính đến nay, theo báo cáo, các địa phương đã thực hiện giải ngân được trên 60%.

Ông Lê Kim Phúc - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên cho biết, tính đến nay, tỉnh đã thực hiện triển khai xây dựng 15 công trình nước sạch tập trung tại các xã chưa về đích nông thôn mới; đầu tư khởi công mới 222 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu như: Đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa, trường học, trạm y tế…; đồng thời tiến hành duy tu, bảo dưỡng 64 công trình cơ sở hạ tầng đã được đầu tư những năm trước trên địa bàn 13 xã khu vực III, xã có xóm đặc biệt khó khăn, xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới, chưa hoàn thành Chương trình 135.

Chương trình cũng triển khai đào tạo 2 lớp trình độ trung cấp cho 60 học sinh và mở 16 lớp đào tạo trình độ sơ cấp cho 517 học viên; tổ chức 5 phiên giao dịch việc làm cấp xã cho đồng bào DTTS và người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương. Bên cạnh đó, tỉnh cũng thực hiện Dự án “Bảo tồn làng truyền thống dân tộc Nùng xóm Tân Đô, xã Hòa Bình, huyện Đồng Hỷ…

“Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, các huyện, thành phố để rà soát, thống nhất phân bổ vốn thực hiện Chương trình, nhằm kịp thời tổ chức triển khai thực hiện ngay sau khi được giao vốn. Ban Dân tộc tỉnh cũng thường xuyên tổ chức cuộc họp nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các đơn vị trong tổ chức thực hiện Chương trình. Thời gian tới, Thái Nguyên sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng, người dân tại các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình...” - ông Phúc nhấn mạnh.

PHƯƠNG NGUYÊN