Hiệu quả Chương trình MTQG 1719 ở tỉnh Thái Nguyên

(Mặt trận) -Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Thái Nguyên phấn đấu mỗi năm giảm 2% số hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi; đưa 8/15 xã đặc biệt khó khăn hiện nay ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, đưa 25 thôn đặc biệt khó khăn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn.

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

Kon Tum: Gặp mặt chức sắc các tôn giáo, người uy tín tiêu biểu, Việt kiều và thân nhân Việt kiều nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

 Hệ thống hạ tầng cơ sở vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Thái Nguyên đang từng bước được đầu tư, xây dựng

Từng bước cải thiện đời sống

Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện quyết liệt công tác dân tộc, nhờ đó, các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước và của tỉnh đã góp phần từng bước cải thiện đời sống người dân vùng đồng bào DTTS, giúp họ vươn lên thoát nghèo. Tính đến giữa năm 2023, toàn tỉnh có 82/100 xã vùng DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) 100% các xóm, bản có điện lưới quốc gia; tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế là 100%; 92% dân số tham gia BHYT. Mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS giảm 3,36%; lao động vùng đồng bào DTTS qua đào tạo đạt 72%; trên 93% các gia đình DTTS đạt chuẩn văn hóa; 94% các xóm, bản đạt tiêu chuẩn văn hóa...

Xóm Lân Đăm, xã Quang Sơn (huyện Đồng Hỷ) có 22 hộ dân, với 108 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Đây là xóm đặc biệt khó khăn duy nhất của xã và hiện vẫn còn 18 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo. Không chỉ khó khăn về đời sống kinh tế, bà con nơi đây còn gặp trở ngại về giao thông, nước sinh hoạt. Cuối năm 2022, từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, con đường trục chính của xóm đã được cải tạo, nâng cấp. Mặt đường được mở rộng từ 2m lên trên 3,5m, với kinh phí 215 triệu đồng. Ngoài ra, công trình nước sinh hoạt tập trung cũng được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp lên với sức chứa 8m3. Đến nay, các công trình đã cơ bản được hoàn thành. Cùng với 2 công trình trên, tại xã Quang Sơn, từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, huyện Đồng Hỷ đã đầu tư xây mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp 23 công trình thuộc Tiểu dự án 1 của Dự án 4 và Tiểu dự án 1 của Dự án 5, với tổng kinh phí gần 17 tỷ đồng. Nhờ đó, đời sống người dân xóm Lân Đăm nói riêng, xã Quang Sơn nói chung đang từng bước được cải thiện.

Tương tự, xã Linh Thông - xã đặc biệt khó khăn của huyện Định Hóa, đời sống người dân còn nhiều vất vả, thiếu thốn. Những năm gần đây, nhờ các chính sách dân tộc, xã được ưu tiên hỗ trợ đầu tư hạ tầng cơ sở khang trang, hỗ trợ sản xuất nên đời sống bà con đã có nhiều chuyển biến; anh Lưu Văn Bắc (xóm Nà Chát, xã Ninh Thông) chia sẻ: gia đình tôi là hộ nghèo nhiều năm, làm nông nghiệp nhưng lại thiếu lao động, con đang tuổi ăn học nên không có tiền tích luỹ; nếu không có nguồn hỗ trợ 60 triệu đồng xóa nhà dột nát, tôi không biết đến khi nào mới có thể làm được căn nhà vững chãi. Mới đây, thông qua nguồn vốn Chương trình 1719, gia đình anh Bắc đã được hỗ trợ một téc nước phục vụ nhu cầu cuộc sống.

Giai đoạn 2021 - 2025, nguồn vốn đầu tư Chương trình 1719 tỉnh Thái Nguyên là gần 2.000 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh đã phân giao khoảng 850 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, lồng ghép các nguồn lực khác để thực hiện. Cụ thể, đã có hơn 200 hộ được giải ngân làm nhà ở, hơn 500 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, xây dựng 12 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; hỗ trợ phát triển nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo sinh kế cho đồng bào. Đồng thời, tỉnh đã và đang xây dựng mới 222 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu; duy tu, bảo dưỡng 64 công trình cơ sở hạ tầng đã được đầu tư từ những năm trước. Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Phan Đức Cường nhấn mạnh, việc đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi được coi trọng nhằm tạo động lực, điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế -  xã hội, vươn lên thoát nghèo.

Nỗi lo thiếu đất sản xuất

Hiện nay, toàn tỉnh Thái Nguyên còn 8.238 hộ nghèo (chiếm 66,33%) và 5.932 hộ cận nghèo (chiếm 48,44%) là đồng bào DTTS. Trong số này, nhiều hộ nghèo đang rơi vào tình cảnh thiếu hoặc không có đất sản xuất. Đây là một trong những "điểm nghẽn" khiến công tác giảm nghèo trở thành bài toán khó ở một số địa phương.

Xã Văn Lăng (huyện Đồng Hỷ) nằm trong số 14 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Thái Nguyên với tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 50% tổng số hộ của xã. Trên địa bàn xã còn khoảng 30 hộ dân không có đất sản xuất, tất cả đều thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Không chỉ Văn Lăng, tình trạng thiếu đất sản xuất dẫn đến khó khăn trong phát triển kinh tế đang là thực trạng ở nhiều địa phương vùng đồng bào DTTS của tỉnh. Mặc dù những năm trước, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chương trình, chính sách nhằm hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào, như: Quyết định số 755/QĐ-TTg, Quyết định số 2085/QĐ-TTg, nhưng số hộ được hỗ trợ chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với nhu cầu thực tế. Chưa kể, ở nhiều địa phương, do không bố trí được quỹ đất để giao cho các hộ dân nên đã chuyển sang hỗ trợ chuyển đổi nghề, hỗ trợ vốn để mua máy móc, nông cụ làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, đa số máy móc không phát huy tác dụng vì rất ít người thuê, có những hộ nghèo do phụ nữ làm chủ thì không đủ sức khỏe để vận hành.

Thực tế, một trong những việc khó khăn nhất trong công tác dân tộc là giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống. Khi “bài toán” về thiếu đất sản xuất chưa được giải quyết, đồng nghĩa với việc thu nhập của đồng bào DTTS cũng chưa được cải thiện. Chương trình 1719 với 10 dự án quan trọng, trong đó Dự án 1 là “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt” được kỳ vọng sẽ góp phần gỡ “điểm ngẽn” về thiếu đất sản xuất. Hiện nay, Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên chủ trì cùng với các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tích cực triển khai, bằng nhiều giải pháp linh hoạt để sớm tháo gỡ khó khăn, giúp đồng bào DTTS vươn lên trong cuộc sống. 

Thực tế cho thấy, một số vùng có đông đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên vẫn cần được tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nhất là nâng cấp đường giao thông, phát triển hệ thống lưới điện phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất. Cùng với đó là hoàn thiện các chính sách về giáo dục, y tế, văn hóa để đồng bào DTTS được hưởng lợi từ thành quả phát triển chung của tỉnh. Xác định công tác dân tộc, đặc biệt là phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Thái Nguyên đang tiếp tục thực hiện nghiêm việc quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc. Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả các dự án, chương trình, chính sách đến với người dân, giúp họ từng ngày vươn lên trong cuộc sống.

Đức Cảnh