Tập trung phục hồi kinh tế vùng dân tộc thiểu số sau dịch bệnh COVID-19

(Mặt trận) -Hầu hết các tỉnh vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đã khống chế được dịch bệnh COVID-19, cơ bản trở thành vùng “xanh”. Lãnh đạo các địa phương đều đồng thuận cho rằng đây là khoảng thời gian vàng cần tận dụng để phục hồi phát triển kinh tế, hoàn thành kế hoạch năm 2021.

Huyện Như Xuân (Thanh Hóa): Chăm lo tạo sinh kế cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số

Nho Quan (Ninh Bình): Thực hiện hiệu quả Dự án 1 cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thạch Thành phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

 Tận dụng thời gian kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 để phục hồi kinh tế, hoàn thành kế hoạch năm là quyết tâm chung của các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Tận dụng thời gian vàng để phục hồi kinh tế

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nêu quan điểm, trong điều kiện các tỉnh vùng DTTS và miền núi đã cơ bản khống chế được dịch bệnh và trở thành “vùng xanh" thì cần khẩn trương tận dụng khoảng thời gian vàng 3 tháng cuối năm để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả năm 2021.

Khánh Hòa đặt mục tiêu sau 15/11 sẽ tiêm phủ xong 2 mũi vắc-xin cho người dân để đưa địa phương về trạng thái “bình thường mới”. Mặc dù thuộc nhóm các tỉnh tự cân đối được ngân sách nhưng do tác động của COVID-19, hai năm nay, Khánh Hòa tăng trưởng âm nhưng tỉnh vẫn tập trung nguồn lực hỗ trợ đồng bào DTTS về nhà ở, y tế, sinh kế nhằm giúp bà con ổn định việc làm, thu nhập, phấn đấu đạt mục tiêu hạ tỷ lệ hộ nghèo 9%/năm, sớm đưa hai huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh thoát khỏi diện huyện nghèo theo Nghị quyết 30A của Chính phủ.

Nhắc lại những thiệt hại nặng nề về người và của do cơn bão số 9, số 10 gây ra cho các tỉnh miền Trung hồi tháng 10,11/2020, ông A Lăng Mai, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam cho biết, trong khi hậu quả của thiên tai phải mất nhiều năm mới khắc phục xong thì năm 2021, dịch bệnh COVID-19 lại xảy đến, khiến vùng DTTS và miền núi của tỉnh chịu ảnh hưởng rất lớn. Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; định hướng một số dự án quan trọng tại vùng Tây giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Không chỉ Quảng Nam, 29 tỉnh, thành phố vùng DTTS và miền núi đã kịp thời ban hành các chính sách đặc thù riêng của địa phương để đảm bảo an sinh xã hội cho đồng bào DTTS và duy trì các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi. 

Chẳng hạn, tỉnh Hà Giang đã tích cực triển khai Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững. Đến nay, có 1.898 hộ thực hiện cải tạo vườn tạp, vượt 531,17% so với kế hoạch triển khai trong năm 2021 và đạt 29,2% so với mục tiêu Nghị quyết đến năm 2025. Tổng diện tích vườn tạp đã được cải tạo gần 745 nghìn m2.

Từng là điểm nóng của dịch bệnh COVID-19, tỉnh Bắc Giang đang khẩn trương thực hiện gói đầu tư 18 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng đối với các thôn, bản đặc biệt khó khăn nhất. Số vốn này được đầu tư xây dựng 13 công trình giao thông, thủy lợi trên địa bàn 12 thôn, bản. Hiện đã khởi công xây dựng 10 công trình, trong đó 04 công trình đã hoàn thành 100%, 06 công trình đạt trên 60% khối lượng.

Còn UBND tỉnh Quảng Trị đã phân bổ hơn 2 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở và kinh phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Tại TP Hồ Chí Minh, UBND đã trình HĐND Thành phố tiếp tục thực hiện một số chính sách đối với đồng bào DTTS đến hết năm 2021, như: Chính sách đào tạo nghề, tạo việc làm cho người DTTS; Chính sách hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Chính sách hỗ trợ lãi suất cho đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn…

Cần tăng cường phối hợp giữa Bộ, ngành với địa phương

Khi nguồn lực của các địa phương phải chia sẻ cho công tác phòng, chống dịch thì việc Ủy ban Dân tộc trình Thủ tướng Chính phủ hồ sơ phê duyệt quyết định đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được các địa phương kỳ vọng sẽ tạo ra động lực mới và lớn cho vùng.

Khẳng định dịch bệnh COVID-19 đã làm chậm tiến độ triển khai các chương trình, dự án, chính sách dân tộc trong năm 2021, ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đề nghị trong các tháng cuối năm, cần tăng cường công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành Trung ương với địa phương để giúp các tỉnh, thành phố triển khai thuận lợi Chương trình ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Rút kinh nghiệm từ thực hiện các chương trình MTQG khác, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam A Lăng Mai đề nghị thành lập tổ công tác đặc biệt kết nối Trung ương và địa phương để giải quyết những vướng mắc khi Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi đi vào cuộc sống.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhận định, vùng DTTS và miền núi hiện đã cơ bản là “vùng xanh” nhưng những tác động của dịch bệnh tới sản xuất, đời sống của người dân thì vẫn còn có khả năng kéo dài.

Vì vậy, cùng với việc tổ chức thực hiện tốt chính sách của Trung ương, nhất là chuẩn bị cho Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, các tỉnh, thành phố vùng DTTS và miền núi cần quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc đặc thù của địa phương, đảm bảo chính sách dân tộc đến được với đồng bào nhanh nhất, hiệu quả nhất, cùng cả nước thực hiện thành công “mục tiêu kép” của Chính phủ vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa thúc đẩy sản xuất./.

Phương Liên