Tăng cường công tác vận động, tập hợp, đoàn kết các dân tộc trong thời kỳ hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay

(Mặt trận) - Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, công tác dân tộc đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Để tiếp tục đổi mới chính sách dân tộc trong thời kỳ hội nhập khu vực và quốc tế, hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở cần tiếp tục thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân tộc trên các lĩnh vực.

Huyện Như Xuân (Thanh Hóa): Chăm lo tạo sinh kế cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số

Nho Quan (Ninh Bình): Thực hiện hiệu quả Dự án 1 cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thạch Thành phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

 

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc với 85,3% dân tộc Kinh, còn 53 dân tộc thiểu số với khoảng hơn 14 triệu người, chiếm 14,7% dân số cả nước. Các dân tộc thiểu số cư trú trên địa bàn rộng, chiếm 3/4 diện tích cả nước (chủ yếu ở miền núi, vùng cao và trung du); nơi có khoảng hơn 4.500 km đường biên giới với Trung Quốc, Lào, Campuchia, có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh, quốc phòng của đất nước. Truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam được hình thành từ cội nguồn lịch sử. Người Việt Nam ý thức rằng, mình sinh ra trong cùng một bọc, gắn với nhau bởi nghĩa "đồng bào". Người Việt Nam dù sống ở đâu đều có chung một cội nguồn, chung một ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Lịch sử dựng nước và giữ nước của Nhân dân ta cũng cho thấy, ở thời kỳ nào mà Nhân dân đoàn kết trên dưới một lòng thì đất nước hưng thịnh.

Từ khi Đảng ra đời đến nay, Đảng ta luôn luôn xác định sứ mệnh kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp đó. Đại đoàn kết toàn dân tộc là một nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam. Truyền thống đó luôn được Đảng phát huy trong quá trình đấu tranh giành và giữ nền độc lập dân tộc. Từ khi đất nước giành được độc lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước đã hình thành quan hệ dân tộc xã hội chủ nghĩa với chính sách dân tộc nhất quán là "Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển"; Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nâng cao dân trí, đặc biệt là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số; gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa riêng của các dân tộc, kiên quyết đấu tranh loại bỏ tư tưởng kỳ thị, chia rẽ đoàn kết dân tộc hoặc lợi dụng vấn đề dân tộc gây bất ổn về chính trị - xã hội, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc.

Đảng và Nhà nước ta luôn xác định vấn đề dân tộc, đặc biệt phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong những năm qua, nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác dân tộc đã không ngừng được hoàn thiện. Tình hình kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng được giữ ổn định, đó là những thành tựu đáng tự hào. Công tác dân tộc đã đạt được những kết quả toàn diện trên các lĩnh vực, tạo chuyển biến cơ bản đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Công tác phát triển giáo dục, đào tạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã có những tiến bộ, chất lượng và hiệu quả giáo dục, đào tạo ngày càng được nâng cao. Quy mô, mạng lưới trường lớp ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi được củng cố, phát triển từ mầm non, phổ thông đến cao đẳng, đại học. Hiện nay toàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi có 5.766 trường mầm non; 100% số trường, nhóm lớp thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới. Các tỉnh vùng dân tộc thiểu số đều được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. 100% tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, trong đó có 14 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số cho học sinh trong các trường phổ thông được thực hiện theo Nghị định số 82/2010/NĐ-CP, ngày 15/7/2010 của Chính phủ. Cả nước đã chính thức triển khai dạy và học 6 thứ tiếng dân tộc thiểu số (Mông, Chăm, Khmer, Gia Rai, Ba Na, Ê Đê) ở 22 tỉnh, thành phố trong cả nước với quy mô 715 trường, 4.812 lớp, hơn 113 nghìn học sinh. Có 17 tỉnh tổ chức dạy 18 thứ tiếng dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức; có 66 lớp học được mở với hơn 3.000 học viên theo học tại các cơ sở giáo dục và trung tâm giáo dục thường xuyên. Kết quả dạy và học được đánh giá đạt yêu cầu. Công tác xóa mù chữ, tái mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số đạt được nhiều kết quả tích cực. Trung bình mỗi năm huy động được khoảng 30 nghìn người từ 15 - 60 tuổi mù chữ tham gia học các lớp xóa mù chữ; 25 nghìn người đã được công nhận biết chữ. Tỷ lệ người biết chữ độ tuổi từ 15 - 60 của toàn quốc là 97,65%, tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 15 - 60 tuổi biết chữ là 93,44% (tuy nhiên tỷ lệ chưa đọc thông, viết thạo là 20,8%), đã đạt yêu cầu so với mục tiêu của Đề án xóa mù chữ đến năm 2020.

Chính sách cử tuyển trong những năm qua đã góp phần bổ sung nguồn nhân lực tại chỗ cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Hiện nay, đã có 51/53 dân tộc thiểu số có học sinh cử tuyển, một số dân tộc thiểu số có học sinh cử tuyển nhiều, như: Thái, Khmer, Mông, Dao... Giai đoạn 2011 - 2019 cử tuyển 8.681 học sinh; trong đó, đã tốt nghiệp 4.517 người, được bố trí việc làm 1.663 người (chiếm 36,15% số sinh viên đã tốt nghiệp). Cả nước có 4 trường dự bị đại học, 1 trường phổ thông dân tộc nội trú có đào tạo hệ dự bị đại học dân tộc và 3 khoa dự bị đại học dân tộc thuộc các trường đại học, đào tạo hơn 5.000 học sinh dự bị/năm. Từ năm học 2009 - 2010 đến năm học 2018 - 2019, các trường, khoa dự bị đại học đã tuyển sinh và tổ chức bồi dưỡng cho 34.253 học sinh, tạo nguồn sinh viên dân tộc thiểu số cho các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số được quan tâm, đầu tư đúng mức. Hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng được kiện toàn, chất lượng đội ngũ cán bộ ở cơ sở ngày một nâng lên. Năm 2016, cả nước có 68.781 biên chế là người dân tộc thiểu số, chiếm 11,68% tổng số biên chế cả nước. Quốc hội khóa XIV có 86 đại biểu là người dân tộc thiểu số, chiếm 17,4% tổng số đại biểu Quốc hội, cao hơn 8 người (gần 2%) so với Quốc hội khóa XIII. Tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI: 8,75%; khóa XII: 8,5%; khóa XIII: 6,5%. Ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có 162.120 cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số, chiếm 14,53% (nữ giới chiếm 49,2%); trong đó, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là 10.398 người, chiếm 17,2%. Tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số là đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2004 - 2009: cấp tỉnh là 20,23%, cấp huyện là 20,18%, cấp xã là 24,4%; nhiệm kỳ 2016 - 2021: cấp tỉnh là 16,91%, cấp huyện là 18,29%, cấp xã là 22,14%.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi quan tâm xây dựng hệ thống chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng, thực hiện công tác phát triển đảng và xây dựng tổ chức cơ sở đảng. Trong những năm qua, số lượng đảng viên các tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi liên tục tăng. Tổng hợp số liệu của tỉnh vùng dân tộc thiểu số: Năm 2003, có 228.179 đảng viên; năm 2009 có 329.263 đảng viên, tăng 44,3% so với năm 2003; năm 2018 có 503.345 đảng viên, tăng 52,9% so với năm 2009 và gấp 2,2 lần so với năm 2003. Theo Báo cáo số 840/BC-HĐDT của Hội đồng Dân tộc, trong tổng số 67.087 cán bộ dân tộc thiểu số ở các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể của 31 tỉnh có 44.281 cán bộ là Đảng viên, chiếm 66% cán bộ dân tộc thiểu số. Năm 2019, có 605.582 đảng viên là người dân tộc thiểu số, chiếm 11,98% số đảng viên cả nước. Đến nay, tổ chức đảng cơ sở đã có tại 100% cơ quan trường học, bệnh viện, xã, phường, thị trấn và các doanh nghiệp nhà nước. Nhiều cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ lãnh đạo toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội của địa phương và được xếp loại trong sạch, vững mạnh.

Tuy nhiên cũng cần phải nhận thấy rằng, đoàn kết các dân tộc và giải quyết vấn đề dân tộc là vấn đề cần quan tâm, các thế lực thù địch âm mưu phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ dân tộc, nhất là chia rẽ đồng bào các dân tộc thiểu số với đồng bào Kinh. Để thực hiện âm mưu chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch đã và đang tiến hành bằng nhiều phương thức, thủ đoạn. Trước đây, chúng thường hoạt động bí mật, lén lút, các cơ quan chức năng khó phát hiện, nay chúng chuyển sang phương thức hoạt động mới, núp dưới chiêu bài "dân chủ, nhân quyền", vừa bí mật, vừa "công khai hoá, quốc tế hoá", kêu gọi bên ngoài can thiệp khi bị xử lý, gắn vấn đề dân tộc với tôn giáo để tập hợp quần chúng tín đồ theo những mưu đồ của chúng.

Trong giai đoạn hiện nay, nổi lên tình trạng chúng triệt để lợi dụng những điều kiện mới của thế giới và trong nước nhằm đẩy mạnh các hoạt động chống phá nước ta bằng "diễn biến hoà bình". Ý đồ của chúng là kết hợp tổ chức lực lượng từ bên ngoài với tạo dựng lực lượng ở bên trong gây ảnh hưởng trong các vùng dân tộc, âm mưu "quốc tế hoá" các sự kiện; "tôn giáo hoá" vấn đề dân tộc, kích động và bóp méo vấn đề dân chủ, nhân quyền trong dân tộc bằng nhiều phương thức thủ đoạn hoạt động mới. Lợi dụng những khó khăn về đời sống và khuyết điểm thiếu sót trong việc thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo và các chính sách kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc để tuyên truyền, kích động chống đối, lợi dụng chính sách đổi mới và chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta để đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hoá, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng dân tộc thiểu số. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”1. Thực tiễn cho thấy, công tác vận động, đoàn kết các dân tộc là công tác chiến lược của cả hệ thống chính trị nước ta nhằm vận động, giúp đỡ các dân tộc thiểu số phát triển, đáp ứng được lợi ích thiết thực về đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số tiến nhanh hơn, thoát ra khỏi sự lạc hậu, đói nghèo. Trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi chúng ta phải tăng cường công tác vận động, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc bằng việc thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đảm bảo lợi ích hài hoà giữa các dân tộc, khắc phục, loại bỏ những hạn chế, yếu kém trong quá trình thực hiện chính sách dân tộc.

Ngày nay, trong bối cảnh nước ta đẩy mạnh hội nhập quốc tế, quan hệ dân tộc luôn là nội dung quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, trong công tác vận động, đoàn kết các dân tộc của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên. Do đó, giải pháp căn cơ nhất trong công tác vận động, đoàn kết các dân tộc trong thời gian tới là hệ thống chính trị các cấp cần sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém để thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giải quyết hài hoà lợi ích mối quan hệ giữa các dân tộc trong một quốc gia thống nhất. Hệ thống chính trị các cấp cần phải luôn luôn nắm chắc toàn diện các vấn đề trong và ngoài nước, đồng thời tăng cường xử lý đúng đắn vấn đề quan hệ dân tộc. Nhận thức và xử lý đúng đắn mối quan hệ dân tộc là vấn đề căn bản nhất, luôn kiên trì bình đẳng dân tộc, tăng cường đoàn kết dân tộc, thúc đẩy giúp đỡ nhau giữa các dân tộc. Nắm chắc chủ đề cùng đoàn kết đấu tranh, cùng phát triển phồn vinh giữa các dân tộc; phát huy đầy đủ tính ưu việt của chế độ để thực hiện tốt chính sách hỗ trợ các dân tộc thiểu số khó khăn trên các mặt sau:

Một là, đảm bảo quyền làm chủ của các dân tộc, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và bố trí cán bộ người dân tộc thiểu số, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số ngày càng có khả năng gánh vác nhiều hơn công việc của địa phương; thành phần trong Quốc hội và Chính phủ phải có đại biểu đầy đủ của các dân tộc thiểu số, thực hiện các dân tộc bình đẳng về mọi mặt. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, xóa bỏ những quy định mang tính bất bình đẳng giữa các dân tộc; xóa bỏ mọi thành kiến giữa các dân tộc; các dân tộc được tự do bày tỏ nguyện vọng và mong muốn của mình thông qua Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.

Hai là, tăng cường phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tổ chức định canh, định cư, mở mang nông nghiệp; phát triển chăn nuôi; phát triển nghề rừng; trồng cây lương thực và cây công nghiệp; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho vùng đồng bào dân tộc bao gồm hệ thống "điện, đường, trường, trạm", tăng cường cho đồng bào tiếp cận với khoa học - kỹ thuật... Thúc đẩy đào tạo nghề, tạo việc làm, nâng cao hiệu quả và mở rộng vốn tín dụng ưu đãi đối với các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá, phát huy thế mạnh của địa phương, phù hợp với văn hoá, tập quán từng dân tộc. Hình thành và phát triển các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, tạo sản phẩm đặc sản, giá trị cao. Chú trọng phát triển liên vùng, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng. Quan tâm phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái, gắn kết du lịch với giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá các dân tộc thiểu số.

Ba là, có chính sách bảo tồn và phát triển ngôn ngữ chữ viết của các dân tộc thiểu số, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước. Tôn trọng tín ngưỡng, tôn giáo và phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số; đối xử đúng đắn sự khác nhau giữa các dân tộc, xử lý thoả đáng mâu thuẫn và vấn đề ảnh hưởng tới quan hệ dân tộc; làm tốt công tác định canh, định cư và thành thị hoá các vùng dân tộc thiểu số; bảo đảm quyền lợi chính đáng của các dân tộc theo pháp luật. Nâng cao trình độ học thức cho người dân các dân tộc thiểu số; phát triển loại trường thanh niên dân tộc vừa học vừa làm; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; đẩy mạnh việc vệ sinh phòng bệnh, để đảm bảo sức khỏe cho đồng bào…

Bốn là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục đoàn kết các dân tộc, phát huy tinh thần dân tộc, coi chủ nghĩa yêu nước là hạt nhân, làm cho tư tưởng đại đoàn kết trong các dân tộc ngày càng gắn bó sâu sắc; tuyên truyền vận động đồng bào đoàn kết thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mặt trận Tổ quốc nâng cao hiệu quả tuyên truyền, tập hợp, vận động, đoàn kết các dân tộc; tăng cường tiếp xúc, trao đổi, phát huy vai trò của người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Lắng nghe nguyện vọng, thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đồng bào các dân tộc; thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Chú thích:

1.        Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.2021, tr.170.

Tài liệu tham khảo

1.        Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006.

2.        Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.

3.        Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016.

4.        Ban Chấp hành Trung ương (Khóa IX), Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân tộc trong tình hình mới, Hà Nội, 2003.

5.        Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XII), Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, Hà Nội, 2019.

6.        Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội. 2021.

Bùi Thị Thanh, Nguyên Phó Chủ tịch, Chủ nhiệm HĐTV về Dân tộc, UBTW MTTQ Việt Nam