Sức lan tỏa của cuộc vận động làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm

(Mặt trận) -Qua hơn một năm triển khai, Cuộc vận động “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” như thổi “làn gió mới” vào đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Từ đó, đời sống của bà con từng bước ổn định và vươn lên thoát nghèo.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Tỉnh Kon Tum ưu tiên hỗ trợ sinh kế để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Được triển khai từ ngày 22/4/2021, sau hơn một năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” đã được cả hệ thống chính trị của tỉnh Kon Tum tích cực vào cuộc, các tầng lớp nhân dân, nhất là người DTTS đồng tình, hưởng ứng.

Đến nay, 102/102 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã ban hành kế hoạch và phối hợp tổ chức thực hiện Cuộc vận động. Gần 25.000 hộ DTTS nghèo, cận nghèo được tuyên truyền, phổ biến về nội dung Cuộc vận động. Nhờ đó, trên 9.300 hộ DTTS nghèo, cận nghèo đã thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục, tập tục lạc hậu như: Tục tảo hôn, tục kiêng kỵ khi có người chết, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước... Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 8.700 hộ biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao để nuôi, trồng. Gần 4.000 hộ có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện. Gần 700 hộ tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã. Trên 5.300 hộ thoát nghèo theo chuẩn nghèo cũ…

Một trong những địa phương thực hiện tốt việc này đó là huyện Đăk Hà. Ngay từ đầu năm 2022 đến nay, toàn huyện đã xây dựng mới 13 mô hình để thực hiện Cuộc vận động này. Tùy vào điều kiện thực tế về trình độ sản xuất, kinh tế gia đình và nhu cầu của các hộ người DTTS, các địa phương trên địa bàn huyện Đăk Hà đã triển khai phát triển kinh tế như mô hình chăn nuôi heo sọc dưa, nuôi vịt, nuôi dê và trồng cây lúa nước. Gắn Cuộc vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm với chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới...

Không chỉ riêng huyện Đăk Hà, khi thực hiện việc này thành phố Kon Tum cũng tập trung lồng ghép các chương trình đầu tư, xây dựng các mô hình tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo trên địa bàn.

Theo đó, Ủy ban MTTQ thành phố Kon Tum đã hỗ trợ triển khai 60 mô hình, trong đó có 33 mô hình được duy trì, 10 mô hình được nhân rộng. Riêng năm 2022, toàn thành phố xây dựng mới 48 mô hình. Qua tuyên truyền vận động, đến nay gần 96% hộ người DTTS đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, bỏ dần các hủ tục lạc hậu, không trông chờ ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo; 52% hộ người DTTS biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; 92,5% hộ người DTTS đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện. Những kết quả đạt được khẳng định Cuộc vận động đã đi vào đời sống người dân, mang lại nhiều thay đổi ở các khu dân cư.

Để thực hiện tốt Cuộc vận động này, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các huyện, thành phố cũng tập trung tuyên truyền sâu rộng đến 100% các hộ đồng bào DTTS thông qua các cuộc họp của thôn, làng, tổ dân phố và các buổi sinh hoạt của các đoàn thể nhân dân ở khu dân cư; tổ chức các buổi nói chuyện, sinh hoạt chuyên đề, phát huy vai trò của dòng họ, người tiêu biểu, người có uy tín ở cộng đồng dân cư trong việc vận động nhân dân tham gia thực hiện; vận động đồng bào DTTS tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng cây ăn trái, cây dược liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm...

Nhờ vậy, Cuộc vận động đã từng bước tác động mạnh mẽ đến nhận thức của người DTTS, một bộ phận người dân không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước. Đặc biệt, nhiều hộ gia đình tự lực vươn lên thoát nghèo bằng chính nội lực của mình; nhiều thôn, làng thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, bỏ dần những tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan làm ảnh hưởng đến kinh tế, sức khỏe và môi trường.

Ông Nguyễn Trung Hải - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Kon Tum cho biết, với mong muốn giúp đỡ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh có đời sống tinh thần, vật chất ngày một được cải thiện và nâng cao, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra, ngày 24/02/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Kết luận số 08 về chủ trương triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh. Với ý nghĩa đó, Ủy ban MTTQ tỉnh cũng đã tổ chức phát động Cuộc vận động và kêu gọi các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội, đồng bào các dân tộc, các tôn giáo trong tỉnh đoàn kết, phối hợp với MTTQ tuyên truyền, vận động; phát huy nội lực, chủ động sáng tạo, huy động mọi tiềm năng, lợi thế ở từng khu dân cư trên địa bàn tỉnh cùng tham gia thực hiện Cuộc vận động này.

“Dù mới triển khai hơn một năm, nhưng Cuộc vận động góp phần hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào DTTS thay đổi phương thức canh tác, chủ động phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo sức lan tỏa đối với các hộ nghèo, cận nghèo. Trong thời gian tới, để Cuộc vận động đi vào thực chất, hiệu quả, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện Chương trình phối hợp số 09/CTrPH-UBND-UBMTTQ ngày 22/4/2021 của UBND tỉnh với Ủy ban MTTQ tỉnh đến công chức, người lao động và các hộ DTTS trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các mô hình điểm phát triển kinh tế trong vùng đồng bào DTTS để vươn lên thoát nghèo bền vững đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện ngân sách tỉnh, gắn với việc tham mưu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030” - ông Hải cho hay.

PHƯƠNG NGUYÊN