Sắp xếp dân cư vùng miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025

(Mặt trận) -Ngày 19/7, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị phản biện xã hội Dự thảo đề án "Sắp xếp dân cư vùng miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025". Tham gia hội nghị có đại diện của các sở, ban ngành và lãnh đạo một số huyện miền núi trên địa bàn tỉnh.

Huyện Như Xuân (Thanh Hóa): Chăm lo tạo sinh kế cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số

Nho Quan (Ninh Bình): Thực hiện hiệu quả Dự án 1 cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thạch Thành phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Quang cảnh hội nghị 

Tại hội nghị, hầu hết các đại biểu thống nhất với nội dung đề án đưa ra. Tuy nhiên, để phù hợp với thực trạng của các địa phương miền núi trong tỉnh, một số đại biểu cho rằng đề án cần thay đổi một vài nội dung, mục tiêu, tên gọi…

Các đại biểu cũng thống nhất với ý kiến của Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam Võ Xuân Ca nên đổi tên đề án là "Hỗ trợ dân cư vùng miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025” thay cho tên cũ “Sắp xếp dân cư vùng miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025 để phản ánh đúng tính chất, nội dung đề án hơn. Bên cạnh đó, đề án cũng cần thay đổi một số từ ngữ để phù hợp với thực tế hơn.

Cũng tại hội nghị, ông Phạm Thế Quyền - nguyên Bí thư Huyện ủy Phước Sơn cho rằng, nhà ở của đồng bào chủ yếu là nhà gỗ nên khi di dời sẽ bị hư hỏng nhiều. Do đó, chính quyền cần nâng mức hỗ trợ di dời và sửa chữa nhà ở cho bà con, hỗ trợ nguyên vật liệu xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người dân.

Còn theo ông Huỳnh Tấn Sâm - nguyên Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My, các ngành chuyên môn nên thành lập tổ công tác đi khảo sát, tìm ra nguyên nhân vì sao xảy ra những vụ sạt lở ở những ngôi làng lâu nay nhân dân vẫn sống ổn định. Từ đó, có đánh giá chính xác về tác động môi trường, quy hoạch mặt bằng, vừa đảm bảo an toàn lâu dài cho nhân dân vừa đảm bảo định cư gắn với định canh. Bên cạnh đó, Đề án cần đưa ra những giải pháp đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, mức hỗ trợ người dân di dời phải phù hợp thực tế, để người dân xây dựng ngôi nhà vững chắc không phải làm đi làm lại vừa tốn kém vừa không hiệu quả. Ông Sâm cho hay, huyện Bắc Trà My có đặc điểm địa hình vùng núi dốc đứng nên thực hiện bố trí dân cư xen ghép là hợp lý vừa ổn định phong tục tập quán, dân cư không bị xáo trộn, giữ được văn hóa truyền thống vừa giải quyết vấn đề quỹ đất và tiết kiện ngân sách đầu tư hạ tầng.

Phó Giám đốc Sở Tài chính Trần Quốc Tuấn cho rằng, khi thực hiện đề án phải khảo sát thực tế một cách chặt chẽ để giải quyết chế độ chính sách hài hòa, tập trung, tránh trùng lắp, theo thứ tự ưu tiên, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của người dân...

Phát biểu kết thúc hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, các ý kiến đóng góp sẽ được tổng hợp, chọn lọc chuyển đến cơ quan soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh, để khi ban hành, đề án đảm bảo tính hiệu quả, khả thi; đặc biệt là giải quyết được các vấn đề cấp thiết hiện nay trong phòng chống thiên tai, mưa lũ, đảm bảo tính mạng của người dân và ổn định lâu dài.

Đề án Hỗ trợ dân cư vùng miền núi tỉnh Quảng Nam được nghiên cứu nhằm giảm thiểu tối đa các thiệt hại do thiên tai gây ra đối với người dân vùng miền núi. Thời gian vừa qua, do chịu tác động của biến đổi khí hậu mà biểu hiện rõ nhất là sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan và thiên tai cả về số lượng lẫn cường độ: bão, lũ lụt, hạn hán, lốc xoáy,... diễn ra ngày càng khốc liệt hơn trước. Mùa mưa bão thường xuyên xuất hiện lũ quét, lũ ống, sạt lở núi ở vùng núi cao, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Do đó, đề án tập trung ưu tiên bố trí, sắp xếp dân cư, ổn định sản xuất gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai; ổn định về chỗ ở; tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội, cải thiện sinh kế, góp phần mục tiêu giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội khu vực miền núi.

Đề án được thực hiện trong hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2022, hỗ trợ cho 2.358 hộ, gồm 2.333 hộ dân vùng thiên tai và 25 hộ dân cư trú trong vùng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; giai đọan 2023 - 2025, hỗ trợ 5.463 hộ dân vùng đặc biệt khó khăn.

Đề án sẽ hỗ trợ sắp xếp dân cư tại 9 huyện miền núi tỉnh Quảng Nam, gồm: Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang, Tiên Phước, Hiệp Đức và Nông Sơn. Đối tượng được hỗ trợ bao gồm hộ dân vùng thiên tai cần phải di dời để đảm bảo an toàn; hộ gia đình mất nhà ở, đất ở do sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, ngập lũ nguy hiểm, lốc xoáy; hộ gia đình sống trong các khu bảo vệ của rừng phòng hộ, rừng đặc dụng phải di dời ra khỏi rừng, bố trí để ổn định lâu dài; hộ gia đình vùng đặc biệt khó khăn; hộ dân sống phân tán; hộ dân sống ở những nơi xa xôi, hẻo lánh, không có điều kiện để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, không đảm bảo điều kiện phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống... đề án có tổng kinh phí trên 968 tỷ đồng.

Phước Tuệ