Quốc hội giám sát việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia: Khó khăn, vướng mắc đã cơ bản giải quyết, bây giờ phải tập trung giải ngân, thực hiện

(Mặt trận) - Giải trình trước Quốc hội về một số vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận về kết quả giám sát thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, các khó khăn, vướng mắc, bất cập cơ bản đã được giải quyết, vấn đề bây giờ là tập trung giải ngân để thực hiện.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh giải trình những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: Lâm Hiển 

Vấn đề lớn nhất hiện nay là giải ngân vốn sự nghiệp

Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh bày tỏ đồng tình, thống nhất cao với Báo cáo của Đoàn giám sát và cho biết sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại phiên họp, các nội dung được nêu trong Báo cáo của Đoàn giám sát.

Về mô hình chỉ đạo của Ban chỉ đạo các cấp, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, hiện nay ở cấp Trung ương đã có nhưng tại địa phương vẫn chưa thống nhất. Đây là vấn đề thực tiễn đang đặt ra, mỗi địa phương tổ chức mô hình khác nhau, tùy theo mục tiêu, đặc điểm của từng dự án ở từng địa phương.

Điều khó nhất tại địa phương, theo Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc là áp lực không được thành lập đơn vị mới mang tính chuyên trách nên thường sử dụng Sở Kế hoạch và Đầu tư làm cơ quan chủ trì và có 3 đơn vị được phân công tương đồng như ở Trung ương.

Riêng Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới thì có thêm Văn phòng điều phối chương trình nông thôn mới đã được thành lập từ giai đoạn trước, tiếp tục hoạt động trong giai đoạn này. Đó là những mô hình bước đầu, chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ nhưng bước đầu đã đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình ở các địa phương. "Thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp với các bộ ngành tham mưu với Chính phủ nghiên cứu, thiết kế mô hình thống nhất từ Trung ương đến địa phương bảo đảm hiệu quả hơn", Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khẳng định. 

Về hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, đây là chương trình rất lớn, lần đầu tiên được tích hợp từ các chính sách, văn bản có liên quan đến chính sách dân tộc ở các giai đoạn trước đây còn hiệu lực đến năm 2020 cũng như một số chính sách mới. Vì vậy, hệ thống chính sách liên quan đến rất nhiều văn bản pháp luật và các chủ trương, chính sách giai đoạn trước còn hiệu lực và những quy trình, thủ tục các văn bản đang được hướng dẫn, được tích hợp trong giai đoạn này.

Mặt khác, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi bao trùm trên 10 dự án ở tất cả các lĩnh vực khác nhau, liên quan đến nhiều bộ ngành, địa phương, địa bàn rất rộng nên hệ thống văn bản ban hành cần phải rất chi tiết, cụ thể. Tuy nhiên, vẫn có những nội dung chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật.

Chính vì vậy, trong quá trình ban hành, khối lượng văn bản rất nhiều, dẫn đến có sự trùng lặp, vướng mắc với văn bản của các bộ ngành khác. Nêu vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng cho biết, thời gian qua, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với các Bộ, ngành để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải quyết vấn đề này. Dù vậy, trong thực tiễn vẫn còn nảy sinh nhiều vấn đề cần tiếp tục tháo gỡ, Ủy ban Dân tộc sẽ tiếp tục tham gia giải quyết trong thời gian tới theo thẩm quyền của mình.

Về tốc độ giải ngân, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đồng tình với những đánh giá về tiến độ giải ngân chậm. Đồng thời cho biết, có nhiều lý do chủ quan, khách quan, trong đó vấn đề lớn nhất hiện nay là giải ngân vốn sự nghiệp, còn vốn đầu tư công thì không khó khăn trong giải ngân. Ủy ban Dân tộc đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội các biện pháp về phân quyền nhiều hơn nữa cho địa phương trong giải ngân vốn sự nghiệp. Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc mong muốn, Quốc hội sẽ đồng thuận để tạo điều kiện cho Chính phủ phân cấp cho các địa phương, nếu tháo gỡ được cơ chế này thì tiến độ giải ngân vốn sự nghiệp sẽ nhanh hơn, đạt được yêu cầu Quốc hội đề ra.

Về tham mưu xây dựng các chính sách nhằm tháo gỡ những khó khăn phát sinh, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nêu rõ, có những nội dung đã được thiết kế trong Chương trình, song, có những nội dung phát sinh trong thực tiễn. Kể cả những mục tiêu đã được Quốc hội phê duyệt nhưng qua quá trình rà soát, đánh giá cho thấy, đến nay đã có mục tiêu trong 3 năm qua cơ bản hoàn thành, có mục tiêu khả năng hoàn thành trong 2 năm tới là khả thi và một số mục tiêu sẽ khó hoàn thành.

Ủy ban Dân tộc mong muốn, Chính phủ sẽ tổng hợp trình Quốc hội để có chủ trương điều chỉnh một số mục tiêu đã được phê duyệt trong Nghị quyết số 120, giúp triển khai đúng đối tượng, đúng địa bàn. Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng cho biết, sẽ tham mưu cho Chính phủ nghiên cứu những lĩnh vực nào thuộc phạm vi, thẩm quyền của Quốc hội thì sẽ báo cáo với Quốc hội; những vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc sẽ tập trung cùng các bộ, ngành tháo gỡ và ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp. 

Đồng thuận với nhóm kiến nghị trong Báo cáo của Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng mong muốn Quốc hội ủng hộ, cho phép Chính phủ thực hiện các cơ chế đặc thù như đã báo cáo Quốc hội. Đối với việc chuyển nguồn vốn năm 2023 sang năm 2024, đề nghị Quốc hội xem xét chuyển cả nguồn vốn không thực hiện được của năm 2021, 2022 đang thực hiện trong năm 2023 sang năm 2024.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: Lâm Hiển 

Đề xuất thí điểm cơ chế đặc thù về phân cấp cho cấp huyện 

Giải trình thêm về nội dung liên quan đến trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, về kiện toàn ban chỉ đạo ở cấp trung ương và cấp tỉnh, hiện nay, trung ương đã thành lập được ban chỉ đạo và địa phương cũng đã thành lập được ban chỉ đạo. Qua vận hành của ban chỉ đạo các cấp đã đạt được nhiều kết quả tích cực như: thường xuyên giám sát, kiểm tra, họp, kịp thời phát hiện, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, kiện toàn ban chỉ đạo ở các cấp cho đồng bộ, thống nhất, phối hợp chặt chẽ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, kể cả các tổ giúp việc.

Về các văn bản hướng dẫn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, đến nay cơ bản đã hoàn thành các văn bản hướng dẫn ở cấp trung ương. Về tình trạng ban hành văn bản hướng dẫn ở một số nơi còn chậm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của ĐBQH về vấn đề này. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn một văn bản chưa xong là Nghị định thay thế Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Văn bản này đang ở giai đoạn hoàn thiện và trình Chính phủ.

Về vấn đề giao vốn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện nay Thủ tướng giao vốn trung hạn và hằng năm của ngân sách trung ương cho các địa phương đã hoàn thành và bảo đảm theo quy định. Báo cáo với Quốc hội về việc giải ngân vốn chậm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc này chỉ xảy ra ở năm 2022, tức ở giai đoạn đầu còn sau này thì không vướng nữa.

Đối với giao vốn đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện nay Thủ tướng giao vốn trung hạn và hằng năm theo tổng số vốn của Chương trình và không giao chi tiết đến từng dự án thành phần. Cơ chế này đã tạo sự chủ động, linh hoạt và tăng cường trách nhiệm của địa phương trong triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đối với giao vốn sự nghiệp, hiện nay có Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới là thực hiện giao vốn theo tổng số vốn của chương trình và 2 chương trình còn lại thì giao kèm theo các dự án thành phần, từng lĩnh vực do đó đang phát sinh vướng mắc, dẫn đến giải ngân chậm.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, các vấn đề về văn bản hướng dẫn, các vấn đề về giao vốn và những vướng mắc, bất cập khác cơ bản đã được giải quyết. Vấn đề bây giờ là tập trung giải ngân để thực hiện. Do đó, nếu lần này Quốc hội cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm giải quyết một số vướng mắc, bất cập và với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Ban Chỉ đạo thì chắc chắn tiến độ giải ngân sẽ đạt được mục tiêu đề ra.

Về một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay, Chính phủ đã có Tờ trình 557 đề xuất các nhóm giải pháp như: giao dự toán chi thường xuyên của ngân sách trung ương hàng năm theo tổng số vốn chương trình và không giao chi tiết theo lĩnh vực; cho phép HĐND cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh trình tự, thủ tục, tiêu chí, hồ sơ cho các dự án hỗ trợ sản xuất… Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện báo cáo để Chính phủ trình Quốc hội. 

Về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện đề xuất phân cấp cho cấp huyện để thực hiện chương trình theo hướng mỗi địa phương sẽ được chọn một huyện để thực hiện thí điểm phân cấp; nội dung phân cấp có 2 vấn đề: thứ nhất, được điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các chương trình với nhau và giữa các dự án thành phần thuộc các chương trình được cấp có thẩm quyền giao; thứ hai, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn sự nghiệp không dùng hết được hỗ trợ sang chi đầu tư. “Nếu được Quốc hội cho phép thông qua lần này thì đây là tháo gỡ rất lớn”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển 

Phát biểu tại phiên họp, làm rõ thêm về vấn đề phân cấp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, từ đầu năm đến nay, tất cả các sửa đổi văn bản có liên quan đều tuân thủ nguyên tắc đẩy mạnh phân cấp, đem lại kết quả thiết thực. Giải pháp này đã giúp các địa phương giải quyết các vấn đề thực tiễn, thuận tiện trong lồng ghép các chương trình ở cùng một cấp thẩm quyền. Tới đây, Chính phủ sẽ trình thí điểm mỗi tỉnh lựa chọn một địa phương cấp huyện để thí điểm “trộn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về nguồn vốn”, nếu nguồn vốn sự nghiệp dùng không hết thì có thể chuyển thành nguồn vốn đầu tư phát triển. Đây là giải pháp tháo gỡ nút thắt lớn trong vấn đề này.