Quảng Ninh: Tiếp tục nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Tỉnh Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo tăng tối thiểu 2 lần so với năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 3%/năm…

Huyện Như Xuân (Thanh Hóa): Chăm lo tạo sinh kế cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số

Nho Quan (Ninh Bình): Thực hiện hiệu quả Dự án 1 cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thạch Thành phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Đây là một trong số những mục tiêu trong Nghị quyết về Phê duyệt chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 vừa chính thức được thông qua tại kỳ họp thứ 2 Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Theo đó, đến hết năm 2022 tỉnh Quảng Ninh sẽ không còn thôn, bản đặc biệt khó khăn theo tiêu chí mới, 100% cơ sở giáo dục đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ giáo viên. Đến năm 2025, có trên 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và trên 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 100% đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; lao động trong độ tuổi được qua đào tạo nghề đạt 87,5% 100% số xã duy trì xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã; duy trì 100% số hộ dân trên địa bàn được sử dụng điện an toàn và nâng cao chất lượng điện; trên 99% số hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…

 Đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào DTTS của tỉnh Quảng Ninh ngày càng được nâng cao

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh Quảng Ninh hiện có 67 xã, thị trấn/177 xã, phường, thị trấn toàn tỉnh; đồng bào dân tộc thiểu số có 162.531 người, chiếm 12,31% dân số toàn tỉnh nhưng cư trú trên 85% diện tích của tỉnh. Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, có nhiều chỉ thị, nghị quyết, giải pháp, đồng thời ưu tiên dành cơ chế đặc thù, nguồn lực lớn để tập trung phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo với trọng tâm là thực hiện thành công Đề án nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020 (Đề án 196) trước 01 năm so với kế hoạch.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh chủ yếu rơi vào khu vực miền núi, biên giới, hải đảo và cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của tỉnh Quảng Ninh; chưa hình thành được những vùng sản xuất hàng hóa tập trung; chất lượng giáo dục, y tế còn hạn chế; chênh lệch khá lớn về trình độ phát triển so với các vùng miền khác của tỉnh.

Ngày 18/11/2019, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 về phê duyệt Đề án tổng thể vàNghị quyết số 120/2020/QH14 về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Nghị quyết của HĐND tỉnh được ban hành đã cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, cụ thể hóa Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã được Quốc hội khóa XIV thông qua và cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, phù hợp với đặc điểm đặc thù, thực tiễn của tỉnh là rất cần thiết. Xác định mục tiêu phát triển nhanh, bền vững kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch vùng miền trong tỉnh là một trọng tâm trong kế hoạch phát triển KT- XH, thực hiện tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Theo nghị quyết, các giải pháp được thực hiện toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó nhấn mạnh các nhiệm vụ giải pháp: ưu tiên, tập trung phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối liên thông, tổng thể, nhất là các tuyến giao thông huyết mạch, có tính động lực; tập trung đầu tư các công trình thực sự cấp bách, thiết yếu về y tế, giáo dục, viễn thông, nước sản xuất, nước sinh hoạt, xử lý các điểm ngập lụt trên các tuyến tỉnh lộ huyết mạch, hạ tầng các điểm di dân tập trung khu vực biên giới.

Tập trung phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo và giải quyết việc làm. Phát triển các lĩnh vực kinh tế gắn với phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền. Thực hiện tốt các chính sách an sinh, nâng cao phúc lợi xã hội và chăm sóc sức khỏe nhân dân, chăm sóc phụ nữ và trẻ em ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. Xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Huy động tổng thể mọi nguồn lực từ ngân sách, đầu tư của doanh nghiệp, vốn tín dụng, xã hội hóa… trong đó ngân sách nhà nước là động lực quan trọng để thu hút các nguồn vốn khác, tập trung ưu tiên cho các xã, thôn mới hoàn thành Chương trình 135, ra khỏi diện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020.

Hàng năm tỉnh Quảng Ninh sẽ dành tối thiểu 3% tổng chi ngân sách địa phương (tỉnh, huyện, xã), không bao gồm chi lương, phụ cấp, các khoản có tính chất lương và các khoản đóng góp khác để thực hiện Chương trình. Căn cứ đối tượng, mục tiêu, nhiệm vụ hàng năm của Chương trình để phân bổ cụ thể cho các cấp, các đơn vị, địa phương thực hiện. Cùng các nguồn lực huy động hợp pháp khác.

Tiến Dũng