Quảng Ninh: Đổi mới tuyên truyền, giáo dục pháp luật vùng dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Quảng Ninh có 56 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), phân bố ở 11/13 huyện, thị, thành phố của tỉnh. Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), nhất là ở vùng đồng bào DTTS.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Ông Lý Tài Thông, thôn Bằng Anh, xã Tân Dân, TP Hạ Long tuyên truyền chính sách mới đến người dân trong thôn.

Thôn Bằng Anh, xã Tân Dân, TP Hạ Long có 74 hộ sinh sống, chủ yếu là dân tộc Dao. Ông Lý Tài Thông - người có uy tín ở thôn cho biết: “Xã luôn quan tâm, phổ biến những chính sách mới của Đảng, Nhà nước, của tỉnh đến với bà con, tập huấn cho đội ngũ già làng, người có uy tín. Bản thân tôi là người có uy tín vùng ĐBDTTS nên sau khi được tập huấn, tôi thường đến các hộ dân trò chuyện với bà con, tuyên truyền các chính sách mới để bà con nắm rõ”. Cùng với Bằng Anh, việc PBCSPL ở các thôn, bản vùng DTTS trên địa bàn tỉnh được thực hiện khá hiệu quả.

Hằng năm, tỉnh Quảng Ninh đều chỉ đạo các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 8/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2021”.

Riêng năm 2021, nội dung tuyên truyền của tỉnh tập trung vào thực hiện chủ đề công tác năm “Giữ vững địa bàn an toàn và đà tăng trưởng trong trạng thái bình thường mới; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy liên kết vùng” của tỉnh; tuyên truyền các ngày lễ lớn, các sự kiện của đất nước, của tỉnh, của cơ quan công tác dân tộc.

Cán bộ Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh trao đổi với người dân xã Minh Châu, Vân Đồn về chính sách mới trong Hội nghị tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật do Ban Dân tộc tỉnh tổ chức vào tháng 4/2021

Đồng thời, các địa phương còn tập trung tuyên truyền về phong trào “Toàn dân đoàn kết phòng, chống dịch Covid-19; phát hiện tố giác tội phạm, người nhập cảnh trái phép, người trốn, người không chấp hành nghiêm cách ly”; tuyên truyền về bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương, chính sách của trung ương, của tỉnh về công tác dân tộc; nghị quyết đại hội đảng các cấp...

Hoạt động PBGDPL vùng đồng bào DTTS được các ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện với nhiều hình thức, phù hợp với người dân, như: Thông qua tập huấn, hỗ trợ pháp lý, sân khấu hóa, hòa giải cơ sở, tủ sách pháp luật; thông qua đội ngũ trưởng thôn, bản, người có uy tín... Chỉ riêng Ban Dân tộc tỉnh, từ đầu năm 2021 đến nay đã tổ chức 4 hội nghị tuyên truyền PBGDPL cho cán bộ, nhân dân một số xã trên địa bàn tỉnh với hơn 400 người tham dự.

 Cán bộ Ban Dân tộc tỉnh hướng dẫn bà con dân tộc thiểu số huyện Ba Chẽ khử khuẩn trước khi vào hội nghị tuyên truyền pháp luật năm 2020.

Các ngành, địa phương còn tích cực biên soạn tờ gấp, sổ tay, các bộ tài liệu, tờ rơi, áp phích, đĩa DVD... cung cấp kiến thức về pháp luật. Trong 6 tháng đầu năm 2021, đã có hàng nghìn tài liệu như vậy được phát đến bà con vùng DTTS, miền núi, biên giới của tỉnh.

Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các sở, ngành, địa phương, Trung tâm Truyền thông tỉnh thực hiện các bài viết, phóng sự, chuyên đề về vùng đồng bào DTTS, về chính sách trợ giúp pháp lý; nêu gương những mô hình tiêu biểu, người dân các DTTS chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước...

Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, PBGDPL, các địa phương luôn quan tâm, nâng cao trình độ, năng lực, động viên tinh thần đội ngũ tham gia công tác PBGDPL vùng đồng bào DTTS. Theo Ban Dân tộc tỉnh, tỉnh hiện có 502 người có uy tín vùng đồng bào DTTS. Đội ngũ này được hưởng đầy đủ các chính sách theo quy định của Nhà nước; hằng năm được các địa phương tập huấn, biểu dương những điển hình...

Công tác tuyên truyền, PBGDPL được đẩy mạnh đã góp phần làm chuyển biến nhận thức của cán bộ, người dân vùng DTTS trong chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Từ đó, bà con tích cực tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống dịch bệnh; khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại, có ý chí vươn lên thoát nghèo, làm giàu.

Thu Nguyệt