Quảng Nam: Ngăn ngừa tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống

(Mặt trận) -Những năm qua, các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam đã thực hiện rất tốt việc phòng ngừa tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đối với các đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Đây là một vấn đề quan trọng nhằm giúp cho DTTS bảo vệ quyền lợi trẻ em và ổn định xây dựng cuộc sống ngày càng tiến bộ và chất lượng.

Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

Những kết quả nổi bật trên hành trình giảm nghèo bền vững ở Vĩnh Linh

Phát huy vai trò người có uy tín ở xã Trung Sơn

Quảng Nam có 9 huyện miền núi, với tổng diện tích tự nhiên chiếm trên 70% diện tích toàn tỉnh, là địa bàn cư trú tập trung, lâu đời của nhiều thành phần DTTS như: Cơ Tu, Cor, Xơ đăng, Gié triêng;.... Cụ thể, đồng bào DTTS cư trú trên địa bàn 74 xã, trong đó tập trung chủ yếu ở 6 huyện vùng cao.

Để thực hiện tốt việc phòng ngừa tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho các đồng bào DTTS ở địa phương, thời gian qua các huyện miền núi luôn tổ chức các buổi tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng truyền thông tin liên quan đến hôn nhân. Nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã thành lập câu lạc bộ “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” nhằm nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của phụ nữ. Nhờ vậy tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở miền núi, vùng đồng bào DTTS của tỉnh đã giảm mạnh.

 Tuyên truyền ngăn chặn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho đồng bào DTTS (Ảnh Tấn Thành).

Trước đây, tại một số thôn, nóc ở huyện miền núi Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam có những trường hợp học sinh, thanh niên đang ở tuổi đi học lại lấy chồng, sinh con sớm, như em Hồ Th. Đ., ở làng Măng Lâng, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, cưới chồng và sinh con ở tuổi 15 tuổi. Nguyên nhân do ba của Hồ Th. Đ. qua đời sớm, hoàng cảnh kinh tế gia đình quá khó khan, vì thế Hồ Th. Đ. bỏ học giữa chừng và lấy chồng sớm. Khi làm vợ, làm mẹ, Hồ Th. Đ. mới cảm nhận hết cái khó, vì chưa có kiến thức, kỹ năng chăm con nhỏ. Em Đ. phải nhờ đến bà con hàng xóm giúp đỡ. Đến cả quần áo, sữa cho con uống, em Đ. cũng phải cậy nhờ cậy bà con láng giềng giúp đỡ.

Già làng Hồ Văn Lâm, ở xã Trà Cang, huyện Nam Trà My cho biết, thời gian qua việc phòng ngừa tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho các đồng bào DTTS ở địa phương được thực hiện tốt. Tuy nhiên, thủ tục lạc hậu này vẫn chưa được xoá bỏ triệt để, như hứa hôn, quan niệm về quan hệ cận huyết thống, kết hôn với nhau sẽ gần gũi hơn, giữ được của cải. Ngoài ra, trình độ dân trí và nhận thức pháp luật về hôn nhân và gia đình của người dân miền núi, vùng đồng bào DTTS còn hạn chế, nhất là tư tưởng muốn con kết hôn sớm để khỏi gánh nặng cha mẹ còn xảy ra ở một sối nơi.

Già làng Hồ Văn Lâm chia sẻ: “Tôi rất bức xúc trước nạn tảo hôn và người trong họ lấy nhau. Già làng không cho cưới, thậm chí gia đình ngăn cản nhưng hai đứa dẫn nhau đi đâu đó, mang bầu chúng nó trở về làng, già làng không làm gì được, rồi phải cho chúng nó lấy nhau thôi. Vì thế cần phải tuyên truyền xóa bỏ hủ tục này mạnh mẽ hơn”.

Theo số liệu của Ban Dân tộc tỉnh tỉnh Quảng Nam, về thực trạng hôn nhân cận huyết thống giai đoạn 2010-2015, qua khảo sát trên địa bàn 74 xã, thị trấn của 11 huyện, tình trạng hôn nhân cận huyết thống tập trung ở 29 xã của 6 huyện với 101 trường hợp. Giai đoạn 2015-2020 số liệu hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn các huyện là 31 trường hợp, giảm 70 trường hợp so với giai đoạn 2010-2015. Năm 2022 và 2023 số cặp tảo hôn trên địa bàn đã giảm mạnh nhưng vẫn còn, cận huyết thống thì không có trường hợp nào.

Thời gian gần đây, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và các địa phương miền núi xây dựng mô hình tuyên truyền về đẩy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong nhà trường, khu dân cư.

Ông Hồ Văn Thành, Phó Trưởng phòng Chính sách và Tuyên truyền - Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam cho biết, đơn vị đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, HĐND tỉnh;… và UBND các huyện tổ chức 39 hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền chính sách dân tộc, Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; Đề án Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025 tại 43 thôn ở các xã vùng DTTS, với hơn 3.800 người dân và gần 200 cán bộ làm công tác dân tộc tại các địa phương tham dự; đã biên soạn, in ấn và cấp phát 5.000 tờ rơi hỏi đáp luật bình đẳng giới và luật phòng, chống bạo lực gia đình.

“Đơn vị phối hợp với các đơn vị trường học, phòng Dân tộc các huyện tổ chức các hoạt động ngoại khóa “Học sinh với bình đẳng giới”; tổ chức tuyên truyền, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, Luật sức khỏe sinh sản vị thanh niên; tổ chức Diễn đàn Xây dựng tình bạn đẹp - Tuổi trẻ học đường nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và bạo lực học đường”, ông Hồ Văn Thành nói.

Tấn Thành - Chí Đại