Quảng Nam: Lan tỏa phong trào tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường

(Mặt trận) -Qua 5 năm triển khai, Chương trình “Bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam” do Sở TN&MT, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam phối hợp với các cơ sở tôn giáo trên địa bàn thực hiện đã cho thấy được nhiều hiệu quả tích cực.

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

Kon Tum: Gặp mặt chức sắc các tôn giáo, người uy tín tiêu biểu, Việt kiều và thân nhân Việt kiều nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

Hành động thiết thực

Thực hiện Chương trình phối hợp về bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu giữa chính quyền, mặt trận và các tôn giáo, Đại đức Thích Giác Nhẫn, trụ trì Tịnh xá Ngọc Cẩm, phường Cẩm Phô, TP. Hội An thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân và các tăng ni, tín đồ về trách nhiệm tham gia bảo vệ môi trường.

Các tổ chức tôn giáo ở Quảng Nam đã lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường vào những buổi sinh hoạt đạo tràng. 

“Ngoài du khách thập phương thăm viếng, chùa có hơn 200 phật tử thường xuyên sinh hoạt đạo tràng. Trong các buổi sinh hoạt đạo tràng, Tịnh xá thường xuyên vận động phật tử hạn chế sử dụng túi ni lông, phân loại rác thải tại nguồn; tổ chức xây dựng đoạn đường nở hoa để tạo ấn tượng đẹp với du khách khắp nơi mỗi khi đến thắp hương hay vãn cảnh chùa” - Đại đức Thích Giác Nhẫn chia sẻ.

Đến nay, đại đa số bà con nhân dân và các phật tử đã ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và có những mô hình hoạt động cụ thể ở từng khu dân cư nơi mình sinh sống. Nổi bật là cam kết không đốt vàng mã khi đưa tang, hạn chế sử dụng túi ni lông, đổ rác, phân loại rác đúng quy định, tổ chức dọn vệ sinh khu dân cư mỗi tuần một lần. 

Theo lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam, thực hiện Chương trình phối hợp phát huy vai trò của các tổn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, từ năm 2016, MTTQ tỉnh đã hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các địa phương phối hợp với Phòng TN&MT và các tổ chức tôn giáo ký kết chương trình phối hợp và triển khai thực hiện.

Để phong trào được triển khai hiệu quả, Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Nam đã phát huy vai trò, uy tín của các vị chức sắc, chức việc để tuyên truyền, vận động bà con theo các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, đưa nội dung bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu vào chương trình hoạt động tôn giáo hàng hàng. Các tổ chức tôn giáo đã có nhiều hành động thiết thực và cụ thể để bảo vệ môi trường như ra Thông bạch, Thông điệp, Thư chung, Thư mục vụ, Lời kêu gọi….

 Các mô hình bảo vệ môi trường do các tổ chức tôn giáo phát động đã tạo được sự thay đổi tích cực trong khu dân cư

Một số địa phương đã lồng ghép nội dung tôn giáo bảo vệ môi trường vào các buổi sinh hoạt khu dân cư, đạp xe cổ động, tổ chức thu gom rác thải, dọn dẹp vệ sinh môi trường, thu hút hàng ngàn lượt người tham gia, trong đó có đồng bào các tôn giáo.

Lan tỏa các mô hình hay

Theo ông Nguyễn Phi Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam, với các giải pháp đồng bộ, sau 5 năm triển khai thực hiện, mô hình điểm “Tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” đã phát huy kết quả tích cực và xuất hiện nhiều mô hình bảo vệ môi trường ý nghĩa, thiết thực.

Có thể kể tới mô hình điểm “Tổ đoàn kết tôn giáo với công tác bảo vệ môi trường”, “Xoá tụ điểm rác gắn với bảo vệ cảnh quan môi trường”; “Không rải vật phẩm cúng ra đường” tại huyện Núi Thành. Đến nay đã có 10/17 xã, thị trấn trên địa bàn huyện ký kết với các cơ sở thờ tự thực hiện Chương trình phối hợp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm thiểu rác thải nhựa.

Còn tại huyện Hiệp Đức, qua 4 năm triển khai mô hình điểm “Khu dân cư bảo vệ môi ứng phó biến đổi khí hậu tại thôn Nhì Đông (nay là thôn Việt An), xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức”, đồng bào có đạo nơi đây đã tích cực bảo vệ môi trường bằng những việc làm thiết thực, cụ thể để giữ gìn cảnh quan làng quê xanh, sạch, đẹp.

 Đông đảo bà con có đạo ở Bình Lâm, Hiệp Đức tham gia trồng cây xanh trên các tuyến đường để tạo cảnh quan

Tại TP. Hội An, các mô hình tôn giáo bảo vệ môi trường tiêu biểu như “Đoạn đường tự quản”, “Diễn hành xe đạp bảo vệ môi trường”, “Nói không với túi ni lông” được duy trì và đã đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đến nay, đã có 19.691 lượt người tham gia với tổng số mét đường được dọn dẹp là 64.630m và thu gom hàng trăm tấn rác thải các loại.

“Qua xây dựng, triển khai mô hình tôn giáo bảo vệ môi trường tại các địa phương, có thể thấy sự hưởng ứng tích cực của đông đảo bà con giáo dân tự nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, thay đổi thói quen xả rác và tự chuẩn bị các dụng cụ để tập kết rác, phân loại rác thải hàng ngày. Ngày càng có nhiều người dân tại các thôn, xóm, làng, xã tham gia ký cam kết bảo vệ môi trường, quét dọn đường làng, ngõ xóm, thu dọn rác thải để môi trường sống trong lành, sạch đẹp hơn” - ông Hùng cho hay.

Thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam tập trung xây dựng các mô hình điểm trong tôn giáo về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với đặc điểm tôn giáo mình và tình hình cụ thể của mỗi địa phương, nhất là các mô hình tự quản về bảo vệ môi trường tại các khu dân cư có đông tín đồ tôn giáo. Hằng năm, mặt trận sẽ tiếp tục chỉ trì phối hợp với Sở TN&MT tổ chức các hội nghị, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm triển khai một số mô hình hay về bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu trong các tôn giáo.

Võ Hà