Quảng Nam: Làm tốt công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

(Mặt trận) -Tỉnh Quảng Nam có 73,4% diện tích tự nhiên là miền núi, trong đó có 6 huyện núi cao (Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Tây Giang và Đông Giang). Tổng dân số toàn tỉnh khoảng 1,84 triệu người; đồng bào dân tộc thiểu số có khoảng 140.000 người, trong đó các dân tộc đông dân nhất gồm: Cơ-tu, Xơ-đăng, Giẻ-Triêng, Cor và M'nông.

Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang thăm, tặng quà cho người uy tín huyện Yên Sơn

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

Diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi

UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, nhận thức rõ vị trí, vai trò quan trọng của công tác dân vận, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án, chính sách an sinh - xã hội thuộc lĩnh vực công tác dân tộc, các chính sách đặc thù của tỉnh; triển khai thực hiện các đề án của Trung ương và địa phương về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.

Tỉnh Quảng Nam hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện công tác dân tộc, các chính sách dân tộc; chỉ đạo, tổ chức làm việc với các địa phương, cơ sở để kiểm tra việc thực hiện các chính sách và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện đề án ở vùng đồng bào DTTS.

Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được quan tâm triển khai thực hiện trong vùng đồng bào DTTS gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư... Phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn, người có uy tín... là người DTTS trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tích cực xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Các hoạt động trong nội dung kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với các thôn, xã vùng đồng bào DTTS được duy trì thường xuyên. Đến nay, 94 cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhận kết nghĩa với 66 xã miền núi; 9 huyện, thị xã, thành phố đồng bằng kết nghĩa với 9 huyện miền núi và kết nghĩa đỡ đầu 14 xã biên giới đất liền của tỉnh.

Từ năm 2018-2022, các cơ quan, đơn vị đã vận động hơn 85,6 tỷ đồng hỗ trợ nhiều loại giống cây trồng, con vật nuôi, phân bón, làm đường giao thông, xây dựng công trình, xây nhà tình nghĩa, mái ấm tình thương; chuyển giao kỹ thuật, nhất là trực tiếp nhận hướng dẫn cách làm ăn hiệu quả đối với hộ nghèo.

"Công tác dân vận đã góp phần làm thay đổi diện mạo đời sống, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS của tỉnh Quảng Nam. Nhiều mô hình phát triển sản xuất được hình thành, nhân rộng như: Mô hình trồng Cam, Sâm Ngọc Linh, Quế, Ba kích, cây Sắn; cung cấp hàng nghìn loại cây ăn quả các loại như măng cụt, bưởi Diễn, ổi, chanh...

Bên cạnh đó, còn có các mô hình hỗ trợ khác như: mô hình nuôi bò sinh sản, nuôi heo đen; phát triển kinh tế cho thanh niên, phụ nữ; làm đường giao thông nông thôn, lắp đặt hệ thống điện mặt trời chiếu sáng đường quê, xây dựng phòng học, tặng tivi, máy vi tính; xây dựng hàng trăm nhà tình nghĩa, mái ấm tình thương; xây dựng công trình khắc phục hậu quả thiên tai; hỗ trợ kinh phí cho các địa phương miền núi phòng chống thiên tai, dịch bệnh; tặng hàng trăm suất học bổng, sách, vở, dụng cụ học tập, khu vui chơi cho học sinh; tặng hàng nghìn suất quà, áo ấm; tổ chức nhiều đợt khám bệnh, cấp phát thuốc; phiên chợ 0 đồng...", báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam nêu rõ.

 Quảng Nam chú trọng công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tích cực xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong ảnh là anh Nguyễn Xuân Ngọc (bên phải) Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Trà Leng (huyện Nam Trà My) thăm hỏi, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới bà con trong xã.

Các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả được quan tâm đầu tư, nhân rộng, kéo theo đó là tỷ lệ hộ nghèo giảm.

Chính sách an sinh xã hội, giáo dục, y tế có nhiều chuyển biến tiến bộ; văn hóa truyền thống của các dân tộc tiếp tục được giữ gìn và phát huy; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đoàn kết giữa các dân tộc trong tỉnh ngày càng tốt hơn, góp phần củng cố niềm tin của đồng bào DTTS đối với Đảng và Nhà nước.

UBND tỉnh Quảng Nam đánh giá: Thông qua công tác dân vận chính quyền, nhìn chung, nhận thức của sở, ngành, địa phương và cán bộ, đảng viên về vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc, công tác vận động đồng bào DTTS có phần được nâng lên. Đồng bào các DTTS đã có những thay đổi về nhận thức trong phát triển sản xuất, học nghề, lập nghiệp, xây dựng đời sống nông thôn mới, nâng cao ý thức gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa của từng dân tộc, nỗ lực vươn lên giảm nghèo bền vững.

Vẫn còn nhiều khó khăn

UBND tỉnh Quảng Nam cũng thẳng thắn nhìn nhận: Việc cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác dân vận, công tác dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS có mặt chưa đồng bộ, chưa phù hợp với đặc điểm văn hóa, phong tục tập quán và tình hình thực tế của các vùng đồng bào DTTS. Công tác lãnh đạo, định hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS chưa thực sự rõ nét và thiếu tính đột phá.

Một số địa phương chưa đưa dân vận vào công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào DTTS. Việc phổ biến, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện giữa các cấp, các ngành chưa đồng bộ, nhiều lúc còn mang tính hình thức. Nội dung, phương thức công tác dân vận vùng đồng bào DTTS chậm được đổi mới.

Đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận ở cơ sở còn hạn chế về năng lực. Công tác tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền chưa được coi trọng và tổ chức thường xuyên.

Công tác chỉ đạo, giải quyết những khó khăn, bức xúc trong đồng bào DTTS chưa được quan tâm đúng mức, thiếu tính bền vững, nhất là vấn đề đất sản xuất, tạo sinh kế đầu tư phát triển và hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh...

"Đây là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đồng bào DTTS chưa chuyển đổi thói quen căn bản trong sinh hoạt, sản xuất, trong "nếp nghĩ, cách làm". Đời sống vùng đồng bào vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao", UBND tỉnh Quảng Nam đánh giá.

 Cổng vào Làng văn hóa Tăk Chươm, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, Quảng Nam.

Tháng 4 vừa qua, làm việc với tỉnh Quảng Nam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực trong việc thực hiện khá hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc lưu ý: Cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, Quảng Nam cần tiếp tục rà soát, đánh giá lại hiệu quả các dự án liên quan đến khu vực đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh; mục tiêu là phải hướng đến việc triển khai các dự án, chương trình ngày càng hiệu quả, bảo đảm phù hợp với điều kiện, yêu cầu thực tế của địa phương.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề nghị tỉnh Quảng Nam quan tâm xem xét, tìm ra các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả để nhân rộng, chẳng hạn như mô hình trồng sâm Ngọc Linh ở miền núi.

Đồng thời, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề nghị tỉnh Quảng Nam chú ý tổ chức phân bổ vốn và triển khai một số dự án, trong đó có việc mua sắm trang thiết bị các trường dân tộc nội trú; quan tâm thực hiện tốt việc chi trả tiền rừng cho người dân, động viên người dân tham gia bảo vệ rừng.

Được biết, tỉnh Quảng Nam đã ban hành Đề án Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của hệ thống chính trị trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh đến năm 2030.

Theo bà Huỳnh Thị Thùy Dung - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Nam, Đề án nói trên đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác dân vận của hệ thống chính trị trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh; thông qua đó, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân gắn với giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vùng đồng bào DTTS vững mạnh; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân…

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, tổng thu ngân sách Nhà nước của 9 huyện miền núi trên địa bàn tỉnh năm 2022 đạt 2.144,483 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2021 và vượt 78,7% kế hoạch. Thu nhập bình quân đầu người đạt 22,65 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 26,74%.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 46%. Tỷ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hóa đạt 75,4%; có 97% thôn có đường ô-tô đến trung tâm được cứng hóa. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 66,84%.

Hương An