Quảng Bình chung tay lo Tết cho người dân vùng khó

(Mặt trận) -Những ngày qua, các ngành, địa phương ở Quảng Bình cùng với nhiều đơn vị trong và ngoài tỉnh dồn lực để chăm lo Tết cho gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo toàn tỉnh nói chung, vùng sâu, vùng xa nói riêng. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, nhưng Quảng Bình đã thực hiện tốt phương châm không để bất kỳ người dân nào không có Tết.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Cán bộ xã và bộ đội biên phòng gói bánh chưng cùng người dân ở bản Sắt, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình).

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, chúng tôi theo đoàn thiện nguyện của Báo Tuổi trẻ và Tỉnh đoàn Quảng Bình mang 300 suất quà, mỗi suất trị giá 700 nghìn đồng gồm tiền mặt và bánh, mứt, kẹo lên trao cho các hộ nghèo đồng bào người Rục, Sách… ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa. Chủ tịch UBND xã Thượng Hóa Đinh Thanh Văn cho biết, đợt mưa lũ tháng 10-2020 đã gây thiệt hại lớn đối với địa phương. Trong và sau lũ, bà con người Rục, Sách, Khùa trong xã nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các đơn vị hảo tâm, cuộc sống dần ổn định. Dịp Tết cổ truyền dân tộc, đồng bào dân tộc nơi đây được nhận những món quà nghĩa tình từ Đảng, Nhà nước và nhiều đoàn thiện nguyện lên tặng quà, tổ chức các chương trình “Xuân biên giới”. Tết này càng có ý nghĩa hơn với cộng đồng người Rục (dân tộc Chứt) ở xã Thượng Hóa khi bà con vừa được hỗ trợ sửa chữa 87 nhà ở. Chủ tịch UBND xã Đinh Thanh Văn cho biết, Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình trích từ Quỹ Vì người nghèo hơn 1,65 tỷ đồng để lợp lại mái tôn mới, thay cửa sắt, sơn tường, làm lại nền và sân trước nhà cho người dân.

Bản làng người Rục trong những ngày Tết dường như nhộn nhịp hơn, cờ Tổ quốc phấp phới trên trục đường liên bản, nhà cửa của bà con vàng rực mầu sơn mới. Chúng tôi ghé vào thăm gia đình ông Cao Ngọc Ên khi cả nhà đang quây quần bên mâm cơm. Quả thật, mâm cơm của người Rục bây giờ đã khác trước rất nhiều, cơm trắng được nấu bằng nồi điện, có bát canh rau với cá nhỏ, có món củ môn kho với thịt bò. Ông Ên chia sẻ, nhà vẫn còn lúa được gieo trồng từ cánh đồng Rục Làn và nhiều gạo, mì tôm cứu trợ do mưa lũ cuối năm ngoái. Dịp Tết, gia đình cũng nhận được quà của chính quyền và các đoàn từ thiện. Ông tâm sự, nhờ có sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, bộ đội biên phòng, cuộc sống người Rục đã ổn định hơn, nhiều người đã nhận đất trồng rừng, chăn nuôi cho nên thoát nghèo. 

Không riêng xã Thượng Hóa, người dân ở nhiều địa phương khó khăn khác của huyện miền núi Minh Hóa cũng đón một cái Tết ấm lòng như thế. Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Nguyễn Bắc Việt cho biết, thực hiện công tác chăm lo Tết cho người nghèo, gia đình chính sách, hằng năm, huyện chủ động xây dựng kế hoạch và giao nhiệm vụ cho các ngành, đoàn thể từ huyện đến xã và tổ dân phố, khu dân cư. Theo đó, các ngành, đoàn thể đã chủ động khảo sát hộ nghèo, tìm hiểu đời sống của nhân dân để nắm tình hình và chuẩn bị cho công tác hỗ trợ. Trên cơ sở danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo cần hỗ trợ, huyện lập các đoàn đi thăm, tặng quà trong dịp Tết Nguyên đán. Đồng thời, huyện chỉ đạo chính quyền các xã chủ động đón tiếp, hướng dẫn các đoàn thiện nguyện đến thăm, tặng quà Tết cho người dân trên địa bàn, trên cơ sở ưu tiên các hộ nghèo và bảo đảm người nghèo nào cũng có quà. Năm nay, hơn 9.000 đối tượng chính sách, người có công với cách mạng và gần 5.000 hộ nghèo đều được nhận quà Tết. Đối với những hộ đồng bào dân tộc thiểu số có nguy cơ thiếu đói trong dịp Tết, UBND huyện Minh Hóa tổ chức cấp phát gạo mà Chính phủ hỗ trợ cho  người dân các xã biên giới với định mức 15 kg/người.

Dù tiết trời mưa rét, song chương trình “Tết biên cương, ấm tình quê hương” đến với đồng bào dân tộc thiểu số xã Thượng Trạch được Ủy ban MTTQ huyện Bố Trạch phối hợp tổ chức chu đáo trong không khí ấm áp nghĩa tình. Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Bố Trạch Lê Duy Hưng cho biết, ngoài việc trao hơn 500 suất quà Tết cho hộ nghèo tại hai xã biên giới là Thượng Trạch và Tân Trạch, Ban tổ chức còn trao tặng áo phao, máy lọc nước và khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho đồng bào. “Trong chương trình “Tết biên cương, ấm tình quê hương”, hấp dẫn nhất với bà con nơi đây là việc gói, nấu bánh chưng. Bởi trước đây, đồng bào người Ma Coong, An Rem ở miền tây Bố Trạch ít có khái niệm về Tết và tổ chức đón Tết, thì nay bà con rất háo hức đón chờ ngày Tết cổ truyền. Họ không vào rừng, đi rẫy mà ở nhà nghỉ ngơi, vui chơi, thăm hỏi bà con thôn, xóm trong những ngày đầu năm mới”, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Trạch Trương Tấn Hưng chia sẻ. Trưởng bản Nịu, ông Đinh Ngu vui mừng nói: “Bà con dân bản mừng lắm, vui lắm. Năm nào bà con ở đây cũng được ưu tiên đón Tết sớm, nhưng năm nay, anh em ở dưới xuôi lên đông vui hơn. Cảm ơn Đảng, Nhà nước luôn chăm lo cho đồng bào có cuộc sống ngày một ổn định hơn”.

Thượng tá Cao Xuân Phú, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cồn Roàng cho biết, xã Thượng Trạch là địa bàn biên giới có đông bà con dân tộc Bru-Vân Kiều và Chứt sinh sống. Những năm qua, Đồn đã phân công cán bộ, đảng viên phụ trách về từng bản, từng hộ gia đình để động viên hướng dẫn bà con sinh hoạt, lao động sản xuất. Vì thế, cuộc sống của đồng bào đã có nhiều tiến bộ, tự chủ hơn. Năm nay, ngoài tham gia các hoạt động vui chơi, trao quà Tết, bộ đội biên phòng còn tuyên truyền pháp luật cho  người dân giữ gìn an ninh trật tự trong những ngày Tết. Trong đó, nhắc nhở bà con hạn chế uống rượu, không sử dụng pháo và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. 

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Bình, cùng với việc tặng 36.168 suất quà Tết với tổng số tiền hơn 9,5 tỷ đồng đến tận tay các gia đình người có công và đối tượng chính sách, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã tổ chức thăm, tặng 15.199 suất quà với trị giá gần 7,2 tỷ đồng cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn vui Tết, đón Xuân. Tại các nơi di dời nhà cửa do sạt lở đất do mưa lũ cuối năm 2020, cùng với đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án tạo mặt bằng tái định cư, cấp ủy, chính quyền cùng với nhiều nhà hảo tâm tặng quà, tổ chức vui Tết với bà con tại nơi ở tạm. 

Với phương châm “mọi nhà, mọi người đều có Tết”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị tổ chức có hiệu quả các hoạt động đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, trong đó tập trung thực hiện đầy đủ, kịp thời những chính sách đối với người có công, hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, người dân ở các nơi bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Với tinh thần “tương thân tương ái”, chung tay giúp đỡ của cộng đồng, tin rằng Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, tất cả mọi người dân trên địa bàn tỉnh đều đón mùa Xuân an vui, ấm áp và an toàn.

HƯƠNG GIANG